Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khảo sát mô hình cải cách hành chính ở Quảng Ninh
Trong
2 ngày 13 và 14-4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về thăm và làm việc
tại tỉnh Quảng Ninh về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, an
ninh, quốc phòng, đối ngoại, công tác xây dựng Đảng; việc triển khai
thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XII của
Đảng.
Trước
khi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng đã khảo sát một số cơ sở của địa phương đang triển khai thực
hiện các mô hình thí điểm nhằm cải cách hành chính, sắp xếp lại bộ máy
theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà
nước.
Tại
thành phố Uông Bí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm và tìm hiểu
hoạt động của cơ quan tham mưu, giúp việc chung trong khối Mặt trận Tổ
quốc và các đoàn thể chính trị xã hội. Mới đi vào hoạt động từ đầu năm
đến nay, nhưng mô hình này đã làm gọn nhẹ bộ máy giúp việc do có chung
cơ sở làm việc; các bộ phận trước kia giúp việc riêng cho từng cơ quan
đoàn thể nay được thu gọn về một mối, sử dụng chung tài khoản, kế toán,
thủ quỹ, lái xe... Sự tinh gọn của mô hình này đã bước đầu tránh được sự
chồng chéo, trùng lắp, sử dụng bộ máy cơ quan tham mưu giúp việc chung,
từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu và hoạt động. Đội ngũ
cán bộ có tính chuyên môn hóa cao hơn và giảm được biên chế.
Tổng
Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã đến thăm mô hình Trung tâm hành chính
công của thành phố Uông Bí. Với việc áp dụng công nghệ thông tin, sử
dụng thống nhất cơ sở dữ liệu một cửa điện tử ngay từ cấp xã, Trung tâm
hành chính công của thành phố đã rút gọn thời gian tiếp nhận và xử lý hồ
sơ của nhân dân với thời gian ngắn nhất, thủ tục đơn giản, rút gọn các
đầu mối, công khai các danh mục thủ tục hành chính. Trong 2 năm trở lại
đây, Trung tâm hành chính công đã tiếp nhận trên 54 ngàn hồ sơ, trong đó
đã giải quyết trước thời hạn đạt 98%, mức độ hài lòng của người dân về
giải quyết thủ tục hành chính nhanh đạt trên 94%.
Tổng
Bí thư cũng đã tìm hiểu việc thực hiện nhất thể hóa các chức danh Bí
thư đồng thời là Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường tại phường Nam Khê,
thành phố Uông Bí.
Một
mô hình sáp nhập các cơ quan có những tương đồng về mặt chức năng cũng
được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới thăm là Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật
nông nghiệp thị xã Quảng Yên được sáp nhập giữa Trạm Thú y, Trạm bảo vệ
thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn với Trạm Khuyến
nông thuộc Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Yên. Trước kia với 3 đầu mối do
các cơ quan khác nhau quản lý, các trung tâm vừa bị chồng chéo về mặt
chức năng, bộ máy lại cồng kềnh, hiệu quả công việc chưa cao. Việc sáp
nhập nhằm mục tiêu giải quyết được những tồn tại này.
Tại
buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt của tỉnh,
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh và đánh giá cao Quảng Ninh đã
xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức
chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Tổng Bí thư
nhấn mạnh những thí điểm của Quảng Ninh đang làm là đúng hướng, đúng chủ
trương nhưng phải tính toán làm cho hiệu quả, bước đi chắc chắn, thận
trọng, bài bản, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Các cơ quan Trung ương
phải vào cuộc giúp Quảng Ninh giải quyết những vướng mắc gặp phải. Tổng
Bí thư cũng lưu ý: “Bí thư kiêm chủ tịch, dù ở cấp nào cũng tùy vào con
người. Vì khi nắm cả hai quyền to nhất thì dễ thoát ly sự kiểm tra của
Đảng, sự kiểm soát của nhân dân mà đặt mình lên trên tập thể. Khi ấy thì
phải coi chừng”. Tổng Bí thư yêu cầu Quảng Ninh hết sức lưu ý xây dựng
cơ chế kiểm soát quyền lực trong thể chế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tinh thần của Chính phủ là kiến tạo phát triển
Ngay
sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện sự quan tâm
đặc biệt tới yêu cầu tháo gỡ mọi rào cản về thể chế để phát triển.
Trước
hàng trăm nhà đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch
tỉnh Quảng Trị ngày 17-4, Thủ tướng nêu rõ tinh thần của Chính phủ là
kiến tạo phát triển. Chính phủ hành động, phục vụ, quyết tâm tháo gỡ khó
khăn, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. “Nói về phát triển
kinh tế thì doanh nghiệp là tiên phong. Vì vậy, cần tạo điều kiện thuận
lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Thời gian
tới, chúng ta phấn đấu vào nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN về môi trường kinh
doanh”. Việc phân định rõ vai trò Nhà nước-doanh nghiệp như vậy chính
là điều kiện tiên quyết để Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt
động kinh doanh, không làm thay doanh nghiệp, mà tập trung hoàn thiện
thể chế, để thị trường và xã hội làm những việc mà xã hội và thị trường
có thể làm tốt hơn.
Trước
đó, ngày 12-4, Thủ tướng cũng đã nhấn mạnh tinh thần này khi chủ trì
phiên họp đầu tiên của Chính phủ vừa được kiện toàn; yêu cầu mỗi thành
viên Chính phủ cần có chương trình hành động, tập trung vào xây dựng và
hoàn thiện thể chế. Phải quyết tâm tháo gỡ mọi rào cản về thể chế, về
cách làm. Cái gì kìm hãm thì phải bỏ ngay, cái gì có lợi cho dân thì nỗ
lực thực hiện.
Để
đạt mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN về môi trường
kinh doanh, Thủ tướng đã yêu cầu thực thi ngay 2 nhiệm vụ. Thứ nhất, về
chính sách lâu dài, phải sớm trình Chính phủ ban hành tiếp Nghị quyết số
19/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực
cạnh tranh quốc gia với tầm nhìn xa hơn giai đoạn 2016-2020. Thứ hai,
ngay trong tháng 4, Thủ tướng sẽ chủ trì hội nghị lắng nghe doanh
nghiệp, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, khôi phục
niềm tin của doanh nghiệp và xã hội.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ
Ngày
13-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 621/QĐ-TTg
phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ.
Theo
đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm nhiệm vụ Phó Bí thư Ban cán sự
Đảng Chính phủ; giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo các lĩnh vực
công tác: Cải cách hành chính; Phòng, chống buôn lậu và gian lận thương
mại; Phòng chống tham nhũng; thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo;
Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Phòng chống tội phạm; Đặc xá; Cải
cách tư pháp; Xử lý các vấn đề thường xuyên về công tác dân tộc, tôn
giáo và thi đua khen thưởng; Phối hợp công tác giữa Chính phủ với Tòa án
nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Giúp Thủ tướng
Chính phủ theo dõi và chỉ đạo: Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính
phủ, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ
Chí Minh.
Đồng
thời, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm nhiệm vụ Trưởng Ban Chỉ đạo cải
cách hành chính của Chính phủ; Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn
lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông
quốc gia; Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm; Chủ tịch các Hội
đồng, các Ủy ban quốc gia, Trưởng các Ban Chỉ đạo khác theo lĩnh vực
liên quan.
Cải cách hành chính là nhiệm vụ "sống còn" của ngành Giao thông vận tải
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa trong buổi làm việc đầu tiên với các lãnh đạo Bộ, Vụ, Cục sáng 14-4.
Tại
buổi họp, lãnh đạo Bộ và các Vụ trưởng, Cục trưởng đã báo cáo tổng thể
những vấn đề liên quan đến lĩnh vực của mình trong thời gian qua cũng
như đề xuất, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ và
giải quyết với Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa.
Đánh
giá hoạt động bộ trong năm năm qua, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho
rằng 5 năm qua với sự nỗ lực cố gắng và đặc biệt dưới sự chỉ đạo trực
tiếp của đồng chí Đinh La Thăng, Bộ đã đạt được rất nhiều thành tích,
kết quả và được xã hội ghi nhận, thúc đẩy được kinh tế phát triển. Nhiệm
vụ của Bộ còn rất là nặng nề, khối lượng công việc rất lớn.
Về
cải cách hành chính, Bộ trưởng cho rằng đây là nhiệm vụ sống còn. Trong
thời gian qua, toàn ngành Giao thông vận tải đã hết sức nỗ lực và hiện
nay vẫn đang ở vị trí số 1 nên cần tiếp tục duy trì, chỉ cần lơ là một
chút là sẽ bị ảnh hưởng ngay. Đối với các cơ quan tham mưu của Bộ cần
hết sức quan tâm tới nhiệm vụ của mình về các kế hoạch, chiến lược phát
triển, quy hoạch và định hướng phát triển lâu dài.
Vĩnh Phúc: Địa phương điển hình cho nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Theo
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công
nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố, tỉnh Vĩnh Phúc là địa phương có sự
thăng hạng khá đều đặn và xếp thứ 4 toàn quốc. Chỉ số PCI 2015 của tỉnh
Vĩnh Phúc đã tăng 2 bậc so với năm 2014 và tăng 29 bậc so với 2012.
Trong đó, theo cơ quan chủ trì khảo sát VCCI đánh giá, năm 2015, Vĩnh
Phúc là một trong số ít các địa phương trên cả nước có chất lượng điều
hành được doanh nghiệp đánh giá rất tốt với 62,56 điểm. Có nhiều lý do
tạo nên bước thăng hạng đáng ghi nhận của địa phương này trong những năm
qua.
Ông
Đường Trọng Khang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc
chia sẻ, khởi đầu của hành trình cải thiện vị thế bắt đầu ngay những
ngày đầu năm 2013 khi lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp cùng với các
ban, ngành liên quan xây dựng, phê duyệt Đề án cải thiện, nâng cao chỉ
số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giai đoạn 2013-2015.
Ông
Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, Hiệp hội
Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu, phản hồi thông
tin. Cụ thể, hằng quý, hằng tháng, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã đều
đặn tiến hành khảo sát từ 50-90 doanh nghiệp, nắm rõ xem các doanh
nghiệp đang gặp vấn đề gì về môi trường kinh doanh. Hằng tuần, các doanh
nghiệp được trực tiếp trao đổi các vấn đề với lãnh đạo tỉnh để kịp thời
tháo gỡ. Tỉnh đã có nhiều cải tiến trong thủ tục hải quan, đối thoại
cởi mở hơn, cập nhật văn bản mới diễn ra thường xuyên, giúp xóa bỏ
khoảng cách, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp.
“Quá
trình cải thiện môi trường kinh doanh thật sự được đẩy mạnh từ khi lãnh
đạo tỉnh Vĩnh Phúc bắt đầu tổ chức các cuộc đối thoại giữa thuế, hải
quan, doanh nghiệp. Đặc biệt, trách nhiệm người đứng đầu được nâng lên
cùng với việc ra đời Nghị quyết 19 của Chính phủ, đã và đang tạo áp lực
cần thiết đối với các bộ, ngành cũng như thúc đẩy các địa phương phải
vào cuộc nhằm cải thiện chỉ số PCI tỉnh mình”, đại diện doanh nghiệp
Việt Đức chia sẻ.
Phú Thọ: Cải cách hành chính để thu hút đầu tư
Nhằm
thu hút các nhà đầu tư, Ban quản lý các Khu công nghiệp Phú Thọ đã thực
hiện mạnh mẽ công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện
thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành
chính thuộc thẩm quyền với thời gian tối đa từ 1 - 3 ngày và là đầu mối
liên hệ với các sở, ngành để giải quyết thủ tục liên quan về đăng ký
thành lập doanh nghiệp, môi trường, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất, phòng cháy chữa cháy... theo cơ chế “một cửa liên thông”. Thường
xuyên nắm bắt thông tin của doanh nghiệp, đồng thời tổ chức hội nghị
giao ban tháng với các doanh nghiệp khu, cụm công nghiệp và duy trì
thường trực làm việc vào thứ 5 hàng tuần tại khu công nghiệp tiếp thu
hàng trăm ý kiến đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp về khó khăn,
vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, ô nhiễm môi trường, triển khai đầu
tư xây dựng. Đã trả lời, giải quyết kịp thời, được các doanh nghiệp
hưởng ứng, đánh giá cao. Quảng bá rộng rãi và thực hiện tốt cam kết 8
điểm của Ban quản lý các khu công nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho
nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư, tin tưởng vào đầu tư, tìm hiểu
đầu tư một cách chu đáo, tận tình.
Công
tác xúc tiến đầu tư cũng luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng
đầu, nhất là giải quyết thủ tục đầu tư; tập trung thu hút các dự án đầu
tư xây dựng kết cấu hạ tầng, ưu tiên thu hút các dự án quy mô lớn, công
nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ, có khả năng đóng góp
nhiều cho ngân sách. Ban quản lý đã đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư,
từ chỗ chờ nhà đầu tư đến, nay đã tích cực chủ động tiếp xúc, mời gọi
đầu tư; vận động thu hút đầu tư bằng chính uy tín, trách nhiệm, tinh
thần phục vụ, hỗ trợ đối với nhà đầu tư hiện có và các nhà đầu tư mới;
chủ động, linh hoạt và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư;
tăng cường công tác quảng bá lợi thế các khu công nghiệp, cụm công
nghiệp, phổ biến các quy định, chính sách, pháp luật.
Năm
2015, Ban đã thu hút và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 12 dự án, đạt
240% kế hoạch năm. Trong đó 8 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng
ký là: 1.101 tỷ đồng; 4 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), vốn đăng ký 58,8
triệu USD, 11 dự án đã khởi công xây dựng, 2 dự án đi vào sản xuất kinh
doanh. Điều chỉnh tăng vốn đầu tư 5 dự án, trong đó vốn nước ngoài 9,8
triệu USD, trong nước 472 tỷ đồng; thu hút 1 dự án đầu tư xây dựng, kinh
doanh hạ tầng Khu công nghiệp Cẩm Khê, vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng, đã
được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Trong
quý I-2016, thu hút 2 dự án đầu tư, trong đó 1 dự án đầu tư FDI với vốn
đăng ký 2 triệu USD, 1 dự án đầu tư trong nước với vốn đầu tư đăng ký
80 tỷ đồng. 3 dự án đầu tư mở rộng sản xuất, gồm: 1 dự án FDI, tăng vốn
3,5 triệu USD, 2 dự án đầu tư trong nước tăng vốn 209 tỷ đồng./.
Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 18/4/2016