Thứ Sáu, 29/11/2024
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 28/3 đến ngày 03/4/2016

Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu PCI 2015

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015 (PCI 2015), trong đó Đà Nẵng, Đồng Tháp, Quảng Ninh là 3 tỉnh đứng đầu PCI 2015.

Năm 2015 là năm thứ 11 liên tiếp VCCI phối hợp với Cơ quan Viện trợ Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện khảo sát Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chỉ số PCI đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế, nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Đó chính là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố.

Năm 2015, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đây là năm thứ 3 liên tiếp và là năm thứ 6 Đà Nẵng được vinh danh kể từ khi chỉ số PCI được công bố. Kết quả này có được, trước hết là do Trung tâm hành chính tập trung của TP. Đà Nẵng đi vào hoạt động từ tháng 9-2014 đã phát huy hiệu quả trong việc tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc cho cả người dân, doanh nghiệp lẫn cán bộ, công chức. Những kết quả này đã được ghi nhận trong điều tra PCI 2015. Tỉ lệ doanh nghiệp cho biết họ “không phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký” tăng từ 67% năm ngoái lên 70%; tỉ lệ đánh giá “cán bộ công chức làm việc cũng tăng từ 71% năm ngoái lên 76%” - PCI 2015 đưa kết quả khảo sát.

PCI cũng nhấn mạnh, Đà Nẵng đã xây dựng mô hình chính quyền điện tử, thúc đẩy phát triển nhanh các dịch vụ trực tuyến, hiện đại hóa quản lý hành chính công, giám sát được hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước. Mô hình chính quyền điện tử của Đà Nẵng đã nhận được những phản hồi tích cực của cộng đồng doanh nghiệp khi kết quả điều tra cho thấy, chỉ tiêu liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin của thành phố tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Tỉ lệ doanh nghiệp truy cập cổng thông tin của thành phố cũng tăng vọt lên 87% so với mức 55% của năm 2013, trở thành địa phương có tỉ lệ doanh nghiệp truy cập website chính quyền cao nhất cả nước.

Còn với Đồng Tháp - một tỉnh theo PCI 2015 là “khuất nẻo” - thì năm 2015 đã có những bước chuyển mình vô cùng ấn tượng, đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng PCI 2015. Kết quả này có được là do Đồng Tháp đã chú trọng xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính với mục tiêu xây dựng dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân, xem hành chính là để phục vụ xã hội, phục vụ người dân... chứ không chỉ là công cụ quản lý. Điểm nhấn của Đồng Tháp được PCI 2015 ghi nhận bên cạnh các mô hình như “Nụ cười công sở”, “Ngày thứ 6 nghe dân nói”... là việc UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch giảm 30% số cuộc hội, họp “để lãnh đạo các ngành, các địa phương có nhiều thời gian đi cơ sở để tiếp xúc với người dân, với doanh nghiệp, giúp giải quyết, tháo gỡ từng điểm nghẽn”.

Đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng PCI 2015, Quảng Ninh đã ghi dấu ấn mạnh mẽ. Trong 5 năm qua, Quảng Ninh đã có nhiều đột phá nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp như thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện, liên kết đến cấp xã gắn với xây dựng chính quyền điện tử. Quảng Ninh cũng là địa phương đã ban hành và thực hiện Đề án 25 - một sáng kiến chính trị hành chính có tính đột phá nhằm tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, tránh chồng chéo, mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch trong lựa chọn, đánh giá cán bộ.

PCI 2015: Chưa có đột phá về môi trường kinh doanh

Điều tra PCI 2015 ghi nhận những dấu hiệu khởi sắc của môi trường kinh doanh tại Việt Nam, tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết chất lượng điều hành cấp tỉnh mới ở mức độ tiến bộ, chưa phải đột phá về môi trường kinh doanh. “Vấn đề được nhóm nghiên cứu canh cánh trong lòng là chi phí không chính thức vẫn còn phổ biến và mức độ cạnh tranh thiếu bình đẳng. Đây là 2 yếu tố chưa được cải thiện trong PCI những năm gần đây” - ông Lộc thông tin.

Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn, cho biết quy mô chi phí không chính thức đang tăng lên và trở thành vấn đề lớn của môi trường kinh doanh Việt Nam. Có 11% trong tổng số hơn 10.000 doanh nghiệp khảo sát cho biết chi phí này chiếm 10% doanh thu của họ và 66% doanh nghiệp thường xuyên phải trả chi phí này. Đáng lo ngại hơn, khi quy mô doanh nghiệp càng lớn thì gánh nặng về thủ tục hành chính, kiểm tra của các cơ quan nhà nước địa phương lại càng gia tăng.

Nỗ lực tạo môi trường bình đẳng cho khu vực kinh tế tư nhân theo chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng chưa rõ hiệu quả khi có 39% doanh nghiệp cho biết các tỉnh vẫn ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn nhà nước, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp tư nhân (tăng 4% so với năm 2014); 49% doanh nghiệp cho rằng các tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn phát triển khu vực tư nhân trong nước.

Tiếp tục cải cách hành chính tư pháp sâu rộng

Một trong những yêu cầu Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về "Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020" đề ra là "đổi mới thủ tục hành chính trong các cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý…".

Quán triệt tinh thần trên, trong những năm qua, Tòa án nhân dân các cấp đã tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại tòa án, coi đây là một trong những giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả các mặt hoạt động…

Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân Tối cao Bùi Ngọc Hòa cho biết, những năm qua, các tòa án đã thực hiện nhiều giải pháp để đổi mới thủ tục hành chính tư pháp. Các hoạt động cải cách tập trung vào việc đổi mới các quy trình, thủ tục tiếp nhận và xử lý công văn, đơn khởi kiện, hồ sơ kháng cáo, kháng nghị, hồ sơ do Viện Kiểm sát nhân sân chuyển đến, đơn khiếu nại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; phân công giải quyết vụ án; cấp sao lục bản án, quyết định của tòa án; quản lý số lượng án thụ lý, giải quyết; tiếp công dân…

Đối với các tòa án địa phương, được sự giúp đỡ của dự án "Phát triển tư pháp và sự tham gia từ cơ sở" do Canada tài trợ, Tòa án nhân dân Tối cao đã lựa chọn Tòa án nhân dân các tỉnh Hưng Yên, Vĩnh Long, Thừa Thiên Huế để triển khai thực hiện thí điểm mô hình cải cách tư pháp "một cửa". Theo đó, tại các Tòa án nhân dân cấp tỉnh thành lập tổ hành chính tư pháp thuộc Văn phòng Tòa án nhân dân tỉnh để giúp lãnh đạo đơn vị thực hiện việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Quá trình triển khai thực hiện mô hình cải cách tư pháp "một cửa" cho thấy, việc tiếp nhận, xử lý đơn và công văn tập trung vào một đầu mối giúp cho công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo thuận lợi, kịp thời hơn. Việc giải đáp, hướng dẫn trực tiếp cho người dân thông qua mô hình "một cửa" mang lại hiệu quả thiết thực, số lượt người phải đến liên hệ nhiều lần để giải quyết một vụ việc giảm hơn trước. Tính minh bạch, công khai trong các hoạt động của tòa án cũng được tăng cường, đồng thời hướng tới bảo đảm quyền giám sát, kiểm tra và tiếp cận công lý của người dân…

Mặc dù công tác cải cách hành chính tư pháp tại các tòa án đã đạt được những kết quả nhất định, song việc triển khai thực hiện công tác này chưa đồng đều và còn có những hạn chế, nhìn chung chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đặt ra.

Kiểm điểm lại những hạn chế trong cải cách, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho biết, đến nay tại Tòa án nhân dân Tối cao chưa xây dựng được Quy chế phối hợp giữa Văn phòng và các Vụ Giám đốc kiểm tra trong quá trình theo dõi tiến trình giải quyết các vụ việc. Việc phân công các hồ sơ cho thẩm phán tại các Tòa án nhân dân cấp cao chưa thể hiện được tính ngẫu nhiên theo yêu cầu. Các phần mềm ứng dụng phục vụ cải cách còn thiếu tính kết nối nên chưa phát huy hết được các tính năng vượt trội của công nghệ thông tin. Mô hình cải cách hành chính tư pháp "một cửa" tại các Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện mặc dù đã thể hiện nhiều ưu điểm, nhưng vẫn mang tính chất thử nghiệm, chưa trở thành quy định chung mang tính bắt buộc đối với các tòa án...

Thời gian tới, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao sẽ ban hành chỉ thị về áp dụng các mô hình cải cách hành chính tư pháp tại tòa án. Cùng với đó là việc nghiên cứu để ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn về các thủ tục hành chính tư pháp nhằm tạo ra quy trình xử lý thống nhất tại các tòa án.

Các giải pháp đề ra nhằm tiếp tục cải cách hành chính tư pháp bao gồm: thống nhất mô hình về tổ chức bộ máy, hệ thống chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức thực hiện hoạt động hành chính tư pháp tại các tòa án; xây dựng các "ki ốt" điện tử, đầu mối, địa chỉ, số điện thoại để người dân liên hệ, truy cập tìm hiểu thông tin về quá trình giải quyết công việc của mình ở tất cả các tòa án; công khai hóa những thông tin cơ bản về quá trình giải quyết các vụ án; các thủ tục, mẫu đơn, mẫu văn bản tố tụng…

Hà Nội quyết tâm đi đầu xây dựng Chính quyền điện tử

Ngày 30-03-2016, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội đã phối hợp với Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG tổ chức Hội thảo về Chính phủ điện tử với các chủ đề chính: Dịch vụ công trực tuyến; Cơ sở dữ liệu quốc gia; Giao thông thông minh; Y tế điện tử.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Vũ Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, ngành Thông tin Truyền thông Hà Nội cùng với các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến đồng bộ tới 584 xã, phường trên địa bàn. Đồng thời, thành phố đã ưu tiên bố trí kinh phí dành cho ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử của Thủ đô trong giai đoạn 2016-2020.

Từ cuối quý IV-2015, thành phố đã tổ chức triển khai phần mềm để khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 thống nhất về chứng thực, khai sinh, khai tử; triển khai kết nối thực hiện liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi (Tư pháp - Công an - Y tế - Bảo hiểm xã hội) theo Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT. Hiện tại, thành phố đã hoàn thành việc triển khai thí điểm tại 2 quận Long Biên và quận Nam Từ Liêm và đang thực hiện công tác chuẩn bị để triển khai thống nhất đồng bộ cho tất cả các xã, phường trên toàn thành phố.

Hà Nội hiện có 100% dịch vụ công mức 2, gần 300 dịch vụ công mức 3-4, trên 20 hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành được triển khai. Về các nhiệm vụ trọng tâm xây dựng Chính quyền điện tử của Thủ đô Hà Nội trong thời gian từ 2016 đến 2020, ông Đặng Vũ Tuấn cho biết Hà Nội sẽ tập trung xây dựng các cơ sở dữ liệu then chốt bao gồm cơ sở dữ liệu Dân cư, cơ sở dữ liệu Đất đai và Xây dựng, gắn liền với việc xây dựng các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4 cho 584 xã phường với hơn 7 triệu dân.

TP. Hồ Chí Minh muốn hợp tác với Microsoft cải cách thủ tục hành chính công

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã đề nghị như vậy tại buổi tiếp ông Mark Day - Phó chủ tịch Tập đoàn Microsoft ngày 31-3.

Theo Bí thư Đinh La Thăng, TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng mô hình thành phố thông minh nên không thể để người dân phải chờ đợi khi khám chữa bệnh, làm thủ tục nhà đất, thậm chí ăn thực phẩm không sạch… Vì vậy, thành phố mong được hợp tác với Microsoft đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết những vấn đề này. “Việc ứng dụng công nghệ thông tin tốt trong quản lý, cải cách hành chính còn giúp người dân, doanh nghiệp bớt tiếp xúc trực tiếp với bộ máy công quyền, hạn chế được tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu”, Bí thư Đinh La Thăng nhận định.

Ông Thăng cũng thông tin thêm với ông Mark Day rằng TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng mục tiêu có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại nghĩa tình. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đề ra 7 chương trình đột phá ở các lĩnh vực: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh, xử lý về môi trường, giao thông, chỉnh trang đô thị…Vì vậy Microsoft có thể mở rộng hợp tác hỗ trợ ở tất cả các lĩnh vực này.

Để chương trình hợp tác được sớm triển khai, Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu UBND TP. Hồ Chí Minh sớm làm việc với Microsoft bàn những kế hoạch cụ thể./.

Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 4/4/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất