Thứ Bảy, 11/1/2025
Tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ

Thượng tướng Phương Minh Hòa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, chủ trì hội nghị. Đây là lần đầu tiên có một hội nghị riêng về công tác dân vận của quân đội trong PCTT, TKCHCN, với mục đích tìm ra những cách làm hay, mô hình sáng tạo, phương pháp vận động quần chúng phù hợp để công tác PCTT và các sự cố đạt được hiệu quả, giảm tổn thất về người và tài sản.

Quân đội là lực lượng nòng cốt

Phát huy bản chất là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và phục vụ, bất cứ nơi đâu, lúc nào xảy ra thiên tai và các sự cố, quân đội luôn là lực lượng nòng cốt đi đầu giúp nhân dân bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Chỉ tính riêng trong 5 năm (2011-2015), toàn quân đã trực tiếp tham gia ứng cứu 12.384 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố và TKCN; huy động hơn 515.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và gần 45.000 lượt phương tiện tham gia; ứng cứu được hơn 19.000 người, gần 2.500 phương tiện, sơ tán, di dời hơn 10,3 triệu lượt người từ khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

 
Bộ đội Quân khu 5 giúp dân Quảng Nam gặt lúa “chạy lũ”. 

Những con số tổng kết ấn tượng kể trên đã khẳng định vai trò to lớn mà quân đội đã đạt được trong công tác PCTT; quan trọng hơn trên thực tế, hình ảnh những người lính công binh khắc phục khó khăn, sáng tạo chạy đua với thời gian cứu các công nhân trong vụ sập hầm tại công trình thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng)... cho đến những người lính Quân khu 5 đưa nước tới những vùng khô hạn tại Ninh Thuận mới đây luôn được nhân dân ghi nhận, biết ơn; qua đó góp phần tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng dân.

Kinh nghiệm của các đơn vị tham gia hội nghị cho thấy, một trong những việc làm thường xuyên, có tác dụng tích cực là giáo dục, tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện PCTT. Thông qua nhiều hình thức dân vận như: Kết nghĩa; tổ, đội công tác dân vận; hành quân dã ngoại kết hợp với công tác dân vận; lồng ghép nội dung tuyên truyền công tác PCTT với nội dung phổ biến, giáo dục quốc phòng-an ninh cho các đối tượng... Thiếu tướng Vũ Sơn Hoàng, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2, cho biết: “Nhiều nơi cấp ủy, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ có nhận thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ PCTT chưa đầy đủ, chưa chủ động, còn có tư tưởng chủ quan, xem nhẹ. Thêm vào đó, nhiều nơi trên địa bàn Quân khu 2, nhận thức của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; vì vậy, việc vận động người dân PCTT cần phải kiên trì; những lúc khẩn cấp cần phải cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho bà con”.

Bên cạnh đó, cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ dân vận các đơn vị trong toàn quân, nhất là các đơn vị quân sự địa phương cũng đã làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất giúp cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, điều hành và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và các sự cố. Trong đó, chú trọng tham mưu các kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình phục vụ PCTT; kế hoạch diễn tập triển khai các phương án PCTT..., bảo đảm đồng bộ, có tính phòng ngừa cao, phù hợp với đặc điểm địa hình, vật lực của từng địa phương.

Chủ động là trên hết

Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận đều thống nhất cho rằng: Với tinh thần “Cứu dân là mệnh lệnh trái tim”, trong bất kỳ tình huống nào của thiên tai, bão lũ, thì tính chủ động phòng, tránh vẫn là trên hết. Muốn vậy, phải tập trung làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương có những giải pháp, cơ chế vận hành trong tổ chức PCTT ở từng cấp một cách cụ thể như: Tổ chức di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm; điều động, trưng dụng các phương tiện giao thông; ưu tiên đầu tư mua sắm các vật tư, trang bị, nhất là các trang thiết bị đặc chủng; quy hoạch, bố trí dân cư, xây dựng các công trình vượt lũ, chống ngập... Tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng; riêng đối với lực lượng BĐBP, Cảnh sát biển, Hải quân cần làm nhiệm vụ thông tin, cảnh báo sớm, chính xác về tình hình thiên tai, hướng dẫn người dân phòng tránh, di dời về nơi tránh trú an toàn. Phát huy vai trò nòng cốt, xung kích của lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên và các lực lượng khác trên địa bàn trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Chú trọng nâng cao công tác huấn huyện, sát với thực tiễn địa phương, đưa ra các tình huống phức tạp để kiểm tra...

Nhiều lần tham gia cùng các lực lượng của Quân khu 5 kịp thời có mặt ở những vùng trọng yếu, những nơi gian khó, nguy hiểm nhất, chúng tôi thấy rằng, bài học quý giá mà LLVT Quân khu 5 vận dụng đạt hiệu quả thiết thực nhất trong PCLB-TKCN những năm vừa qua là quán triệt và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Tính tích cực, chủ động được thể hiện rõ nét trong ý thức của người dân. Tại các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi, người dân có những “phát minh” khá độc đáo. Những “phát minh” ấy đúc rút từ thực tiễn đã giúp bà con duy trì sự sống giữa vùng rốn lũ như: Bếp “dã chiến”, ghe đa tác dụng, bể nước di động, bè chuối “cõng” rau xanh… Bếp “dã chiến” chỉ có ba viên gạch vỡ kê trong chiếc thau nhôm, bên trong rải một lượt tro khô. Bếp sử dụng rất tiện lợi, vừa gọn nhẹ, kín gió mà lại tiết kiệm củi. Khi cần có thể di chuyển khắp nơi trong vùng lũ. Ghe đa tác dụng được sử dụng trong trường hợp lũ lớn. Mọi sinh hoạt từ nấu ăn, đi lại và ngủ, nghỉ đều diễn ra ở đó. Ghe được buộc vào một vị trí cố định, nước dâng cao tới đâu, thì ghe nổi tới đó. Hai tỉnh Quảng Nam và Phú Yên có các “Đội xung kích chống bão”. Mỗi đội xung kích thường gồm 30 người. Thành phố Đà Nẵng có “Đội cứu hộ xung kích”. “Đội cứu hộ xung kích” có gần 30 thuyền nhôm, mỗi thuyền có 5 người, tất cả đều “thiện chiến” với nghề sông nước. Thực tế các mô hình “Đội xung kích chống bão”, “Đội cứu hộ xung kích” hoạt động rất hiệu quả, thường xuyên có mặt kịp thời ở những vùng lũ xung yếu, góp phần cùng với các lực lượng đưa hàng vạn người dân từ vùng ngập sâu trong nước đến vị trí an toàn. 

Trong những năm vừa qua, LLVT các quân khu nói chung, LLVT Quân khu 5 nói riêng luôn là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ PCLB-TKCN. Đóng quân ở vùng trọng điểm của bão, lũ, với tinh thần “chủ động là trên hết”, “cứu dân là mệnh lệnh cao nhất”, trong những năm qua, lực lượng vũ trang Quân khu 5 và các đơn vị của Bộ đứng chân trên địa bàn đã huy động hơn 12 vạn lượt bộ đội, dân quân với hàng trăm lượt ca nô, tàu xuồng, xe vận tải và nhiều trang bị khác giúp địa phương phòng, chống, ứng cứu và khắc phục hậu quả lụt bão; kịp thời kêu gọi hơn 90.000 tàu, thuyền ngư dân hoạt động trên biển về nơi trú ẩn an toàn; giúp địa phương sơ tán 64.120 hộ/310.920 người dân tránh bão, lụt; cứu sống hơn 300 người bị đổ sập nhà cửa và nước cuốn trôi; quyên góp, cứu trợ nhân dân vùng bị thiệt hại hơn 3,5 tỷ đồng... Hình ảnh người chiến sĩ sẵn sàng nhường cơm sẻ áo, xông pha trong bão, lũ quên mình cứu giúp những người bị nạn đã góp phần tô đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.

Kết luận hội nghị, Thượng tướng Phương Minh Hòa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nhấn mạnh: “Trong 5 năm tới, tình hình thời tiết diễn biến khó lường, phức tạp nên các đơn vị toàn quân cần nắm, dự báo tình hình sớm, chủ động đề ra các phương án PCTT. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, trước tiên là trong nội bộ quân đội; chú ý hướng dẫn lực lượng tại chỗ và người dân chủ động ứng phó bước đầu với thiên tai. Đồng bộ nhiều giải pháp, phối hợp chặt chẽ các lực lượng đạt hiệu quả cao nhất bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Thường xuyên làm tốt công tác sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong PCTT, TKCHCN”.

Nguồn: Qdnd.vn, ngày 30/3/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất