Thứ Sáu, 29/11/2024
Khi người dân chấm điểm cán bộ
 
Người dân đến giao dịch tại Trung tâm giao dịch một cửa liên thông huyện Bố Trạch. 

Hiệu quả bước đầu của Dự án

Đúng ngày hẹn ghi trên phiếu, bà Nguyễn Thị Minh (50 tuổi, xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch) cùng với người con trai đã có mặt từ rất sớm ở Trung tâm giao dịch một cửa liên thông huyện Bố Trạch để nhận mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chia sẻ với chúng tôi sau khi đã nhận kết quả, bà Minh cho biết: “Tôi rất vui khi được tham gia chấm điểm cán bộ. Nhờ có dự án dân chấm điểm nên cán bộ làm hồ sơ cho tôi hiệu quả hơn. Trước đây, có trường hợp cán bộ gây khó khăn, vòi vĩnh người dân nhưng từ khi triển khai dự án tôi thấy cán bộ làm việc tận tình hơn”.

Không chỉ có bà Minh mà ông Nguyễn Hữu Tiềng, (ở xóm 3, xã Hòa Trạch) cũng rất hài lòng sau khi tham gia giao dịch ở trung tâm, ông nói “So với trước đây thì bây giờ đi giải quyết thủ tục hành chính đã đơn giản hơn. Tôi thấy các cán bộ đã nhiệt tình, đúng hẹn nên rất hài lòng”.

Còn đối với những người làm ở Trung tâm giao dịch công chứng liên thông thì từ khi triển khai dự án đã giúp họ làm việc có trách nhiệm, nhiệt tình với người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch.

Ông Đinh Tiến Dũng, Phó chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Minh Hóa chia sẻ: Từ khi Dự án Dân chấm điểm được triển khai, cán bộ làm việc tại Trung tâm phải nỗ lực hơn nữa để làm việc vì người dân. Do đó, khi tiếp nhận hồ sơ phải cẩn thận, hướng dẫn tận tình, kiểm tra kỹ hồ sơ để trách sai sót, gây phiền hà và làm mất thời gian của người dân. Ngoài ra, còn đốc thúc các phòng, ban sớm giải quyết hồ sơ yêu cầu của người dân và doanh nghiệp để trả đúng hẹn.

Tạo phương thức giám sát cho người dân

Dân Chấm điểm M-Score (Mobilephone Scorecard - thẻ đánh giá chất lượng dịch vụ công trên điện thoại) là một công cụ khảo sát hỏi người dân và doanh nghiệp qua điện thoại di động về chất lượng phục vụ của cơ quan nhà nước vừa được triển khai thực hiện từ tháng 1/2016 tại tỉnh Quảng Bình.

Theo đó, khi người dân đến giao dịch tại các Trung tâm giao dịch một cửa liên thông ở các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh sẽ được bộ phận tiếp nhận hồ sơ xin thông tin cá nhân, số điện thoại. Sau khi hoàn thành giao dịch tại Trung tâm, người đến giao dịch sẽ nhận được tin nhắn hoặc điện thoại từ tổng đài gọi đến để hỏi các vấn đề liên quan đến dịch vụ, đánh giá kết quả phục vụ của cán bộ đối với xử lý công việc mà mình vừa thực hiện ở Trung tâm giao dịch một cửa.

Người đến giao dịch (người dân) có thể chấm điểm cơ quan Nhà nước thông qua điện thoại bằng cách trả lời các câu hỏi hoặc nhắn tin trả lời miễn phí.

Đặc biệt, người dân còn có thể gọi điện đến đường dây nóng 18008081 để biết thông tin về hiện trạng hồ sơ của mình, đồng thời phản ánh, góp ý về thái độ và cách làm việc của cán bộ Trung tâm giao dịch một cửa liên thông tại địa phương.

Tiếp đó, trên cơ sở kết quả khảo sát được công bố, HĐND tỉnh Quảng Bình sẽ tổng hợp, phân tích để kiến nghị đến các địa phương, ban ngành nhằm khắc phục những thiếu sót, bất cập trong thực hiện các dịch vụ hành chính công, tạo sự công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Ngọc Thanh, Chánh văn phòng UBND huyện Bố Trạch cho biết: Triển khai thực hiện Dự án Dân chấm điểm M-Score nhằm thiết lập cơ chế để người dân có thể phản hồi và yêu cầu chính quyền giải trình về chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân; thiết lập cơ chế đánh giá chất lượng dịch vụ công tại cấp cơ sở cho người dân một cách đơn giản, thuận tiện và hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ công tại cấp cơ sở; đặc biệt, tạo phương thức giám sát, đánh giá chất lượng dịch vụ công cho các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan dân cử.

Tăng cường công tác tuyên truyền

Thực hiện Dự án, Ban thường vụ Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức các lớp truyền thông, đưa thông tin sáng kiến Dân Chấm điểm vào Trang thông tin điện tử của hội; tổ chức truyền thông lồng ghép thông qua Hội nghị tập huấn, sinh hoạt, hội nghị chuyên đề; cung cấp các tài liệu liên quanĐặc biệt là tổ chức Cuộc thi viết “Nông dân tìm hiểu Dự án sáng kiến Dân Chấm điểm M-Score” với hơn 14.000 bài viết tham gia.

Tiếp đó, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Bình đã tổ chức phát tài liệu, tuyên truyền cho cán bộ chủ chốt ở cấp hội cơ sở để hướng dẫn lại cho hội viên những nội dung như quy trình, nội dung thực hiện, ý nghĩa của sáng kiến và kế hoạch tổng thể.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình cũng đã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cách thức chấm điểm cho cán bộ Mặt trận cơ sở, người dân tại các huyện, thị xã, thành phố.

Còn tại các huyện, thị xã, thành phố, lãnh đạo các địa phương đã chỉ đạo phòng Văn hóa – Thông tin, Đài Truyền thanh, các cơ quan, đơn vị cấp huyện, UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung, mục đích, ý nghĩa của Dự án Dân chấm điểm M-Score để nhân dân biết và hưởng ứng, mạnh dạn cung cấp thông tin, trả lời các câu hỏi. Đến nay, hầu hết người dân ở Quảng Bình đã biết và thực hiện Dự án dân chấm điểm cán bộ.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng ban Quản lý Dự án Dân chấm điểm M-Score, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình cho biết: Dự án Dân chấm điểm M-Score tại Quảng Bình là một đột phá mới góp phần nâng cao chất lượng cải cách hành chính công; tạo động lực cho cán bộ làm việc tốt, đồng thời là cơ hội để người dân đánh giá, chấm điểm cán bộ thông qua tổng đài, qua đó tạo niềm tin của nhân dân với chính quyền. Trong thời gian tới, Dự án Dân chấm điểm M-Score tại Quảng Bình sẽ được nhân rộng và mang lại hiệu quả thiết thực nhất.

Nguồn: daidoanket.vn, ngày 18/3/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất