Thứ Bảy, 11/1/2025
Thắm đượm nghĩa tình nơi biên giới

Đi dân nhớ, ở dân thương

Những ngày đầu Xuân Bính Thân, chúng tôi trở lại xã biên giới Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đác Lắc. Trung úy Thái Công Anh, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Ea H’leo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đác Lắc cho biết: “Hôm nay CBCS đơn vị tổ chức giúp gia đình anh Đặng Hoàng Long, ở thôn Giồng Trôm, xã Ia Lốp chăm sóc vườn thanh long. Giúp dân là công việc thường xuyên của đơn vị”.

Vợ chồng anh Long từ tỉnh Bến Tre lên Ia Lốp lập nghiệp đã hơn 10 năm nay, nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Chán nản, anh định về lại Bến Tre thì được CBCS Đồn Biên phòng Ea H’leo động viên, hỗ trợ, hướng dẫn trồng hơn 500 trụ thanh long ruột đỏ, một loại cây trồng hoàn toàn mới ở vùng đất này. Trong vụ thu hoạch đầu, năm 2015, gia đình anh đã thu về hơn 27 triệu đồng. Anh Long bộc bạch: “Nếu không có CBCS biên phòng, gia đình tôi không được như hôm nay. Chúng tôi sẽ nỗ lực vươn lên cùng CBCS biên phòng xây dựng vùng biên giới ngày càng giàu đẹp”.

Bí thư Đảng ủy xã Ia Lốp Ngô Đức Thắng cho biết: Xã Ia Lốp có diện tích hơn 19.000 ha với 1.584 hộ, 5.884 khẩu, trong đó hơn 62% là hộ nghèo. CBCS Đồn Biên phòng Ea H’leo đã chung sức giúp dân lao động sản xuất, thu hoạch nông sản, làm đường giao thông, xây dựng nhà cửa, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, đồng thời tham mưu cho đảng ủy xã về chương trình giảm nghèo hiệu quả…

Dưới cái nắng nóng hừng hực, tại Phòng khám quân dân y kết hợp ở địa bàn thôn 5, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp vẫn đông người dân đến khám bệnh. Chị Lâm Thị Đại, ở thôn 5, xã Ia Rvê đưa con nhỏ đến khám, tâm sự: “Trước đây, người dân phải lội bộ gần 10 km đến trạm y tế xã. Đi lại cách trở, đã có nhiều trường hợp đau lòng xảy ra. Từ năm 2014, khi có Phòng khám quân dân y, người dân thôn 5 và các thôn lân cận rất vui mừng. Không chỉ được khám, chữa bệnh gần nhà mà khi đau ốm đều được khám, cấp thuốc miễn phí”. Trung úy Cao Hữu Điệp, cán bộ y tế Đồn Biên phòng Ia Rvê, phụ trách phòng khám chia sẻ: “Ngoài khám tại trạm, chúng tôi còn ngày đêm lặn lội đến các thôn, buôn khám bệnh, cấp thuốc, tư vấn phòng, chống dịch bệnh cho người dân. Năm 2015, Phòng khám quân dân y Đồn Biên phòng Ia Rvê đã khám và cấp thuốc miễn phí cho 355 người dân trên tuyến biên giới. Công việc vất vả, nhưng dân tin yêu là chúng tôi vui rồi”.

Lớp học ở buôn Đrăng Phốc, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn nằm lọt thỏm giữa vùng lõi của Vườn quốc gia Yóc Đôn. Hầu hết người dân trong buôn là đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc sống khó khăn, những đứa trẻ dù đã đến tuổi đi học vẫn phải lên nương, rẫy phụ giúp cha mẹ. Để giúp các em biết cái chữ, Đồn Biên phòng Sê-rê-pốc đã phối hợp Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Buôn Đôn mở lớp xóa mù chữ cho các em. Tôi đến thăm lớp học có 15 học sinh từ tám đến 16 tuổi. Thiếu tá Nguyễn Tiến Thanh, Đội phó Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Sê-rê-pốc - thầy giáo đứng lớp cho biết: “Những ngày đầu, vận động gia đình trong buôn và các em đến lớp không hề đơn giản, do nhận thức của người dân và chính các em. Với sự kiên trì vận động, cuối cùng các gia đình đã đồng ý. Để lớp học duy trì sĩ số, bất kể trời nắng hay mưa, trước mỗi buổi học, chúng tôi lại phân chia nhau đi đón các em đến lớp, sau buổi học đưa các em về nhà”. Chị H’Râu, một người dân trong buôn kể: “Vợ chồng mình có bảy con. Đứa lớn là Y Gôn bỏ học ở nhà phụ giúp gia đình từ năm lớp 3, nay đã 16 tuổi rồi mà không biết đọc, biết viết. Biết tin Đồn biên phòng mở lớp dạy chữ cho bọn trẻ, vợ chồng mình động viên mãi mà thằng Y Gôn vẫn không chịu đi học! Chỉ đến khi CBCS Đồn Biên phòng Sê-rê-pốc đến thuyết phục, nó mới chịu. Bây giờ nó đã biết đọc, biết viết rồi, vợ chồng mình vui cái bụng lắm!”.

Thượng tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Đác Lắc cho biết: Khu vực biên giới của tỉnh Đác Lắc gồm năm xã thuộc hai huyện Buôn Đôn và Ea Súp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, BĐBP tỉnh còn thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh trật tự… Đặc biệt, các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn biên giới đều tổ chức các đội công tác địa bàn ngày đêm tổ chức giúp nhân dân về mọi mặt... Vì thế, nghĩa tình quân dân vùng biên ải ngày càng thắm đượm, bền chặt.

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Ở Hà Tĩnh, phong trào “BĐBP chung sức xây dựng NTM” được Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp địa phương thực hiện ngay từ năm 2011. Các đơn vị đã bám sát kế hoạch, mục tiêu cụ thể của từng xã, thôn, xóm do đồn phụ trách, với phương châm “Hỗ trợ hạng mục nào, bố trí lực lượng cùng địa phương thực hiện dứt điểm hạng mục đó”. Mạnh dạn hơn, BĐBP Hà Tĩnh đã nhận đỡ đầu ba xã biên giới khó khăn là Sơn Kim 1, Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn) và xã Hương Vĩnh (huyện Hương Khê) xây dựng NTM.

Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, BĐBP Hà Tĩnh đã huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ các địa phương, như: Phát động CBCS trong toàn lực lượng góp ngày lương với tổng số tiền gần 900 triệu đồng; kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ được gần 14 tỷ đồng; huy động CBCS trực tiếp tham gia hàng nghìn ngày công lao động tại các xã biên giới… Xã Sơn Kim 1, năm 2011 mới đạt tám trong số 19 tiêu chí NTM, đến cuối năm 2014 đã đạt tất cả 19 tiêu chí và được công nhận về đích NTM trước một năm so với kế hoạch. Đây là xã biên giới đầu tiên trong số hơn 1.000 xã biên giới trong cả nước về đích NTM.

Hôm địa phương đón nhận danh hiệu NTM, Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 Nguyễn Sỹ Luận phấn khởi kể: “Sơn Kim 1 giờ đây là điểm sáng nơi cửa ngõ miền tây với kết cấu hạ tầng đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; an ninh chính trị được giữ vững”. Đồng chí Luận dẫn chúng tôi đi thăm các công trình mà BĐBP Hà Tĩnh giúp tiền của, công sức tạo nên. Tuyến đường “xương sống” Khe Năm-Ngã Đôi, trước đây được mệnh danh là con đường “đau khổ” lầy, bụi, nay đã được thảm bê-tông rộng gần chục mét chạy dài tít tắp. Hai bên đường đan kín nhà cửa, phần lớn vừa đưa vào sử dụng… Một số đối tượng ở địa phương sa vào con đường nghiện hút, BĐBP Hà Tĩnh đã thành lập CLB tình thương tập hợp họ lại cai nghiện và bố trí làm bốc xếp tại khu vực cửa khẩu. Nhờ đó, nhiều đối tượng vừa cai nghiện thành công, vừa trở thành tai mắt của biên phòng trong phòng, chống tội phạm và giữ gìn an ninh biên giới… Đồng chí Luận khẳng định: “Không có BĐBP Hà Tĩnh hỗ trợ, giúp đỡ thì chúng tôi không biết đến bao giờ mới hoàn thành được NTM”.

Với trách nhiệm và tình cảm đối với người dân biên giới, năm 2015, BĐBP Hà Tĩnh tiếp tục nhận đỡ đầu hai xã Hương Vĩnh và Sơn Kim 2 xây dựng NTM; vận động quyên góp được gần ba tỷ đồng và tham gia gần 10 nghìn ngày công lao động cùng địa phương nâng cấp và xây mới 14 nhà văn hóa thôn cùng hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng và một số công trình khác… Đại tá Võ Trọng Hải, Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh khẳng định: “BĐBP chung sức xây dựng NTM không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn mà còn thể hiện tình cảm, sự tri ân đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên biên giới đã yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ và đồng hành cùng BĐBP bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia”.

Thắm tình đoàn kết anh em

Chúng tôi đến bản Ka Lô, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (nước bạn Lào), nơi có 64 hộ gia đình đang sinh sống. Cây cầu bắc qua suối Ka Lô nối con đường bê-tông chạy xuyên qua bản như dải lụa mềm. Hai bên đường là những ngôi nhà lợp tôn xanh, đường điện được Việt Nam giúp đỡ xây dựng. Cảm nhận đầu tiên là sự thay đổi lớn lao ở khu vực biên giới Việt - Lào nơi núi rừng hun hút này qua những khuôn mặt rạng rỡ, tươi cười của bà con dân bản. Cán bộ, chiến sĩ BĐBP A Lưới (Thừa Thiên - Huế) kể: Những năm trước, người dân bản Ka Lô sống trong những căn nhà lụp xụp, xơ xác, quanh nhà che chắn bằng những tấm tranh tạm bợ. Họ sống chủ yếu dựa vào rừng bởi sản xuất lương thực mỗi năm chỉ đủ ăn sáu tháng. Bệnh tật thì lấy lá rừng mà chữa, không ai được đi học nên không biết chữ. Tình trạng thất học truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Từ khi có sự hỗ trợ từ Việt Nam, cuộc sống của người dân Ka Lô đã thay đổi và chuyển mình rõ rệt.

Ở bản Ka Lô, giờ đây người lớn siêng năng lên nương rẫy trồng lúa, sắn, mía; trẻ em háo hức đến học trong ngôi trường mới khang trang. Những thiếu nữ trong bộ váy truyền thống sặc sỡ cười thẹn thùng. Sự lo lắng về bất đồng ngôn ngữ được xua tan khi đa số dân bản đã nói được tiếng Việt. Trưởng bản Ka Lô, ông Kê Roi phấn chấn: “Trước đây, bà con chỉ dám mơ đủ ăn thôi, không dám mơ có nhà mới, con cái được đi học. Nhờ Bộ đội Biên phòng Việt Nam, mình đã có nhà mới, dân bản còn được xây thêm trường học, kết hợp nhà văn hóa. Tình cảm quân dân hai nước được gắn kết, cùng nhau giữ gìn an ninh thôn bản, chấp hành nghiêm pháp luật hai nước”.

Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt - BĐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế, Thượng tá Trần Danh Tuệ kể: Từ năm 2013 đến nay, BĐBP Thừa Thiên - Huế đã xây dựng cho bản Ka Lô 42 Nhà hữu nghị và một trường học rộng 90 m2, mang đậm kiến trúc văn hóa của nước bạn Lào; xây dựng cầu Ka Lô trị giá bảy tỷ đồng. BĐBP Thừa Thiên - Huế thường xuyên hỗ trợ gạo, quần áo, sách vở, dụng cụ học tập, đưa y, bác sĩ quân y đến khám, chữa bệnh. Cán bộ, chiến sĩ biên phòng còn hướng dẫn bà con quy hoạch vườn tược, trồng rừng, khai hoang trồng lúa nước, ngô lai hai vụ/năm; trồng rau xanh, các loại cây lâm nghiệp dài ngày”.

Từ bản Ka Lô, vượt qua hơn 70 km đường đèo núi, khe suối heo hút, chúng tôi có mặt tại bản Sê Sáp, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông (Lào). Từ vùng đất khô cằn, nay bản Sê Sáp đã phủ một mầu xanh của những đồng lúa, ngô trải dài, những ngôi nhà mái tôn xanh mới mọc lên vững chắc, nhất là đèn điện đã sáng trong mỗi gia đình. Ông Sum Mây, Trưởng bản Sê Sáp cho biết: “Trước đây dân mình khổ lắm, cứ du canh, du cư, đốt nương làm rẫy, mà cái đói, cái rét cứ bám lấy! Từ khi có BĐBP Việt Nam sang xây nhà, dạy cách trồng trọt, chăn nuôi, xây trường học, khám chữa bệnh… không còn sợ cái đói, cái rét nữa”.

Thượng tá Nguyễn Quang Vinh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhâm cho biết: Với quan điểm giúp bạn là giúp mình, từ cuối năm 2014, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Nhâm thành lập Đội công tác gồm 22 đồng chí sang giúp đỡ, hỗ trợ 13 hộ dân với 68 nhân khẩu của bản Sê Sáp dựng nhà ở, xây dựng hệ thống nước sinh hoạt, sớm ổn định cuộc sống. Hằng năm, BĐBP Thừa Thiên - Huế tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh. Cán bộ, chiến sĩ cũng sang bám trụ giúp bạn phát đồi, làm nương rẫy, đầu tư công trình nước tự chảy. Đơn vị đã tham mưu cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh lập kế hoạch vận động xây dựng trường học, công trình dân sinh và nhà ở cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với sự vận động tích cực của Đồn Biên phòng Nhâm, các cơ quan, ban, ngành đã hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng xây dựng trường học kết hợp nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng cho người dân bản Sê Sáp.

Phó Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đại tá Lê Văn Phương nhận xét: “Công trình có kinh phí không lớn, nhưng chứa đựng tình cảm đặc biệt dành cho nhân dân bản Sê Sáp. Đây là biểu tượng vững chắc của sự đoàn kết hữu nghị, gắn bó keo sơn của hai Đảng, hai Nhà nước và của nhân dân hai dân tộc Việt Nam - Lào nói chung, cũng như tình đoàn kết hữu nghị giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế với tỉnh Sê Kông nói riêng.

Với phương châm "Cọng rau bẻ nửa, hạt muối cắn đôi", quân và dân hai nước Việt Nam - Lào trên tuyến biên giới không chỉ chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo mà còn góp phần bảo vệ đường biên, mốc giới, đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm, làm thất bại âm mưu chống phá tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt của hai nước Việt Nam - Lào.

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 2/3/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất