Thứ Bảy, 11/1/2025
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 22 đến ngày 28/02/2016

Bộ máy hành chính cồng kềnh tạo kẽ hở cho tham nhũng

Trình bày báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định cho biết: Trong năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6. Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam trong 5 năm tăng 19 bậc. Mức hữu dụng và chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam tăng 36 bậc trong 5 năm 2011-2015. Trong số 26 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2011-2015, có 17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, 9 chỉ tiêu không đạt. Cũng trong nhiệm kỳ qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Từ năm 2011 đến nay có 4.471/4.723 thủ tục hành chính được đơn giản hóa.

Tuy nhiên, ông Định cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, việc tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa tinh gọn, hiệu quả và còn chồng chéo. “Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số bộ ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi”.

Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật - cho biết: Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực cải cách hành chính, bước đầu đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận như kiện toàn bộ máy hành chính từ trung ương đến cơ sở, nhiều thủ tục hành chính không cần thiết được loại bỏ. Tuy nhiên đến nay kết quả cải cách hành chính chưa cao, một số thủ tục trong hoạt động của Nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin-cho”. “Bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh tạo ra nhiều khe hở, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực; chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa cao gây lãng phí, tốn kém cho xã hội” - ông Lý nói.

“Chúng ta đâu mất tiền, chúng ta chỉ đơn giản hóa nó thôi”

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trong buổi làm việc với huyện Ba Vì sáng 23-02 khi đề cập những hạn chế của cải cách hành chính, đã thẳng thắn cho rằng đây không chỉ là hạn chế của huyện mà chung của thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng: “Tháo gỡ cái hạn chế đấy chúng ta không mất nhiều tiền. Các đồng chí đều nói nguồn lực hết, tiền ở đâu ra... nhưng có mỗi cái cải cách hành chính chúng ta đâu mất tiền, chúng ta chỉ đơn giản hóa nó thôi. Tại sao việc này mất ba ngày mà không phải mất một ngày? Tại sao việc này mất ba năm mà không phải chỉ 1-2 tháng? Những nỗ lực ấy đòi hỏi chúng ta phải có trí tuệ và phải hết sức xây dựng."

"Nếu ban ngành nào cũng ngồi co vào bảo đây là việc của tôi, không qua tôi thì không có được thì chúng ta sẽ nát hết. Và như vậy phải có sự cam kết, sự nỗ lực của các đồng chí lãnh đạo, những người đứng đầu các đơn vị. Chúng ta không mất tiền trong việc này, chúng ta chỉ cần nỗ lực, chỉ cần đồng tâm” - Bí thư Hoàng Trung Hải nói.

Tăng cường bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm sát

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2016 - 2020" với mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Mục tiêu đến năm 2020 xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản của ngành Kiểm sát nhân dân bảo đảm cụ thể hóa các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; có cơ chế khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức học tập, không ngừng nâng cao trình độ, năng lực, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; quản lý và phát triển các loại hình hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Để đạt được mục đích trên, Đề án sẽ nâng cao nhận thức và tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành, chú trọng tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ở từng Viện kiểm sát nhân dân địa phương, đơn vị trong Ngành; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định, kế hoạch về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân…

Khắc phục cơ bản tình trạng nợ đọng văn bản trong quý I-2016

Từ ngày 27-01-2016 đến hết ngày 26-02-2016, đối với 48 văn bản nợ ban hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 2 văn bản; còn 46 văn bản nợ chưa ban hành (10 nghị định, 27 thông tư, 9 thông tư liên tịch). Trong đó, 27/46 văn bản đang soạn thảo; 5/46 văn bản đã thẩm định và cơ quan chủ trì soạn thảo đang nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định; 14/46 văn bản đã trình cấp có thẩm quyền để xem xét, ký ban hành. Theo Bộ Tư pháp, số lượng văn bản nợ ban hành đã giảm 39 văn bản so với cùng kỳ năm 2015 (85 văn bản).

Trong tháng 3 và những tháng tiếp theo của năm 2016, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm quy chế công vụ, tập trung chỉnh lý, hoàn thiện để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 46 văn bản nợ ban hành; chủ động nghiên cứu, xây dựng 139 văn bản bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ và có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị chuyên môn với tổ chức pháp chế, giữa bộ, cơ quan ngang bộ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật nhằm nâng cao chất lượng công tác góp ý, kiểm soát thủ tục hành chính, thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản; bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác tiền kiểm với công tác hậu kiểm tra sau ban hành; tiếp tục rà soát, nghiên cứu hạn chế nội dung giao quy định chi tiết khi soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh; thực hiện lồng ghép nội dung các văn bản quy định chi tiết nhằm hạn chế số văn bản cần ban hành để tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng của văn bản.

Không để lọt thủ tục hành chính trong Thông tư

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường yêu cầu trong năm 2016, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính có biện pháp kiểm soát, thực hiện thật tốt quy định cấm ban hành thủ tục hành chính trong các Thông tư, Thông tư liên tịch… theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực từ 01-7-2016.

Hội đồng cần tiếp tục chủ động tham gia ý kiến có chất lượng đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua trong năm nay, nhất là các dự án luật liên quan đến triển khai Hiến pháp.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề nghị Hội đồng đẩy mạnh việc đánh giá thủ tục hành chính tại các bộ, ngành địa phương, trong đó lưu ý đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19 của Chính phủ.

Hội đồng tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp xây dựng tiêu chí đánh giá cải cách thủ tục hành chính của các bộ, cơ quan địa phương, trong đó lưu ý sáng kiến, kinh nghiệm của các địa phương như Quảng Ninh.

Bộ trưởng cũng yêu cầu Hội đồng chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an, các bộ liên quan trong quá trình triển khai Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân gắn với việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hộ tịch.

Đặc biệt, phải triển khai thành công việc thí điểm đăng ký khai sinh đồng thời với cấp số định danh cá nhân, kết thúc chủ trương này cuối quý I-2016 trước khi triển khai trên diện rộng.

Với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính - đơn vị thường trực của Hội đồng, Bộ trưởng Hà Hùng Cường, đề nghị Cục đẩy mạnh huy động sự tham gia của tổ chức pháp chế của các bộ, ngành, Sở Tư pháp để các hoạt động của Hội đồng được triển khai đồng bộ, đi vào chiều sâu và có hiệu quả thực chất, nhất là việc tham mưu đề xuất các giải pháp nhằm phát huy sáng kiến cải cách quy định thủ tục hành chính cũng như đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành và địa phương.

Bí thư Đà Nẵng nhận hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn/ngày

Ngày 26-02, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho biết, sau khi được bầu làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông quyết định công bố công khai số điện thoại (0903675512) và địa chỉ e-mail (anhnx@danang.gov.vn) của mình để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của người dân quan tâm đến đến sự phát triển của TP. Đà Nẵng. “Việc công khai số điện thoại để nhận thông tin phản ánh từ người dân trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực”, ông Anh cho biết.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, trung bình mỗi ngày, điện thoại và e-mail của ông nhận được hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn và thư phản ánh tất cả các vấn đề về kinh tế, xã hội, trật tự đô thị, môi trường, an ninh trật tự… của thành phố.

Bên cạnh đó là những góp ý, hiến kế cho lãnh đạo thành phố đã và đang được nghiên cứu, áp dụng, mang lại hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Bên cạnh số điện thoại đường dây nóng, e-mail của Bí thư, Đà Nẵng còn triển khai nhiều kênh thông tin để tiếp nhận phản ánh của người dân như số điện thoại của Hội đồng nhân dân thành phố; đường dây nóng tiếp nhận góp ý, phản ảnh của nhân dân với chính quyền thành phố; hệ thống tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân tại chuyên mục góp ý…

Phấn đấu 70% số thủ tục đưa vào kết nối một cửa quốc gia

Ngày 25-02, Tổng cục Hải quan đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016. Đến dự và phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã đánh giá cao những nỗ lực của ngành Hải quan trong công tác thu ngân sách, cải cách hành chính, góp phần tích cực vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của Bộ Tài chính…

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, trong những năm qua, ngành Hải quan luôn đi đầu ngành Tài chính trong việc cải cách thủ tục hành chính được Chính phủ, các bộ ngành, cộng đồng quốc tế và doanh nghiệp ghi nhận thông qua việc triển khai hệ thống VNACCS/VCIS. Toàn ngành đã tích cực thực hiện hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính,… qua đó, đưa thứ bậc đánh giá xếp hạng về cải cách hành chính của Bộ Tài chính tăng tiến vững chắc, từ vị trí thứ 8 năm 2013, lên vị trí thứ 4 năm 2014, đạt vị trí thứ 2 năm 2015.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu ngành Hải quan nhanh chóng triển khai các giải pháp phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2016 được giao là 270.000 tỷ đồng; tiếp tục cải cách hành chính theo hướng đơn giản, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế và chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết 19/NQ-CP. Cùng với đó, ngành Hải quan chủ động phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh kết nối một cửa quốc gia và một cửa ASEAN, mục tiêu là mở rộng số thủ tục kết nối một cửa quốc gia và một cửa ASEAN đạt 70%. Hiện nay tỷ lệ kết nối thủ tục giữa các bộ, ngành còn hạn chế (mới đạt 20-30%)... Hoàn thiện bộ máy tổ chức ngành Hải quan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Luật Hải quan 2014; tăng cường công tác kỷ cương, kỷ luật công vụ, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập mới…

Hà Nội tinh giản 4.000 biên chế trong 2 năm

Sáng ngày 25-02, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy chủ trì hội nghị.

Theo dự thảo kế hoạch của Thành ủy Hà Nội, về tổ chức bộ máy của thành phố, trước mắt giữ ổn định tổ chức như hiện nay. Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập từ thành phố đến cơ sở phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021) và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện theo từng năm. Tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của đơn vị.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.

Đẩy mạnh kiêm nhiệm đối với một số chức danh của cán bộ, công chức từ cấp thành phố đến cấp xã, nhất là kiêm nhiệm đối với các chức danh cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã xác định cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức viên chức là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ này và đề nghị: "Các cơ quan đơn vị chủ động nghiêm túc thực hiện việc rà soát, xây dựng, triển khai có hiệu quả đề án tinh giản biên chế cho phù hợp với vị trí yêu cầu công tác. Sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng cán bộ công chức viên chức và người lao động. Chủ động việc hoàn thành xác định vị trí việc làm trong các cơ quan chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội từ thành phố đến cơ sở để làm căn cứ xác định biên chế cho phù hợp”./.

Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 29/2/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất