Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ lâu dài với khối lượng công việc khổng lồ, kinh phí đầu tư lớn, nếu không biết vận dụng sức mạnh trong dân thì không thể thành công.
Thực tế tại Hà Tĩnh, từ năm 2010 đến nay, trong tổng vốn huy động hơn 60.000 tỷ đồng, riêng nguồn đóng góp trong dân, con em xa quê đã lên đến trên 3.700 tỷ đồng. Con số này một lần nữa khẳng định chương trình xây dựng NTM thực sự là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân và được dân đồng thuận, có sức lan tỏa lớn trong xã hội.
Mỗi tổ chức một cách làm, mỗi đoàn thể một phương pháp tiếp cận, với khả năng tập hợp lực lượng to lớn đã tạo ra nhiều nguồn lực trong quá trình thực hiện các tiêu chí NTM. Cựu chiến binh là hạt nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, hiến kế, hiến công, hiến đất ngay từ những ngày đầu thực hiện chương trình NTM... Hội phụ nữ với những hoạt động thiết thực trong cuộc vận động “5 không, 3 sạch” góp phần xây dựng những gia đình văn hóa, thôn xóm bình yên, các mô hình tương trợ, tổ nhóm giúp nhau phát triển sản xuất...
Từ phong trào chung, đã có nhiều mô hình tập thể và cá nhân điển hình sẵn sàng bỏ công, của để xây những cây cầu trị giá hàng trăm triệu đồng, hiến đất, phá bỏ tường rào, nép gọn nhà cửa để có những con đường rộng lớn, tạo sức lan tỏa trong mỗi làng quê. Đoàn thanh niên với nhiệt huyết, khí thế của tuổi trẻ, lực lượng đông đảo, hùng hậu, hầu như ở địa phương nào, tiêu chí nào cũng thể hiện vai trò nòng cốt, xung kích và tình nguyện. Hàng trăm mô hình đường điện thanh niên thắp sáng làng quê trị giá hàng tỷ đồng được hình thành làm đổi thay bộ mặt các vùng nông thôn.
Theo Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh, trong quá trình xây dựng NTM, thực tế cho thấy, ở tổ chức nào, địa phương nào huy động nguồn lực đúng quy trình, đúng đối tượng, công khai, dân chủ thì sẽ được người dân tín nhiệm và quá trình xây dựng NTM sẽ dễ dàng hơn.
Phù Việt (Thạch Hà) là địa phương có nhiều khó khăn trong phát triển KT-XH, xây dựng kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, đến lúc này, từ điện, đường, trường, trạm cho đến các công trình dân sinh, nhà văn hóa cộng đồng đều được hình thành từ sức dân là chính với số tiền lên tới 23,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Thuần - Phó Chủ tịch UBND xã Phù Việt cho biết: “Mỗi việc làm, dù nhỏ nhất, người dân đều được trưng cầu ý kiến, tham gia bàn thảo và giám sát chặt chẽ. Mỗi công trình, dự án đều có vai trò, tiếng nói, có phần việc của nhân dân, được công khai rõ ràng thông qua ban giám sát và đầu tư cộng đồng do chính người dân bầu. Và như thế, trong suốt quá trình, người dân trở thành chủ thể xây dựng NTM, tự mình đưa ra và quyết định bước đi, cách làm phù hợp nhất”.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho rằng: Bài học lớn có ý nghĩa quan trọng và quyết định trong công tác huy động nguồn lực xây dựng NTM là việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân một cách đúng mục đích, đúng đối tượng, minh bạch, công khai và hiệu quả. Đây chính là mấu chốt, cốt lõi để các nguồn vốn phát huy tác dụng, tạo niềm tin, sức mạnh gắn kết trong quần chúng nhân dân.
Tại nhiều địa phương, người dân còn trở thành nhân tố cơ bản, tích cực để kêu gọi con em xa quê, doanh nghiệp hướng về quê hương bằng những công trình thiết thực trị giá hàng tỷ đồng, góp phần gỡ khó nhiều tiêu chí NTM. Hơn bao giờ hết, sự đồng thuận của nhân dân luôn là nền tảng, niềm tin và động lực to lớn trong mọi cuộc cách mạng. Phát huy được sức mạnh của lòng dân cũng chính là chìa khóa tạo ra những thành công của Hà Tĩnh trong sự nghiệp xây dựng NTM bền vững hôm nay.
Nguồn: baohatinh.vn, ngày 17/2/2016