Thứ Bảy, 11/1/2025
Hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp quá trình phát triển kinh tế

Thời gian qua, chính sách giảm nghèo tiếp tục được hoàn thiện theo hướng: tăng cường hỗ trợ người nghèo toàn diện; tập trung giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng nghèo, huyện nghèo; cải cách, đổi mới thể chế chính sách, nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình giảm nghèo; cải cách quản lý, thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.

Đến cuối năm 2015, tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc gia còn dưới 4,5%; các chương trình giảm nghèo đã có tác dụng tích cực làm tăng khả năng thoát nghèo của hộ nghèo, giảm khoảng cách nghèo giữa các vùng, miền, nhóm dân tộc; đời sống của người dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế được cải thiện và nâng cao.

Tuy nhiên, việc bảo đảm an sinh xã hội hiện nay vẫn tồn tại một số thách thức: Kết quả đạt được chưa bền vững; sự tham gia của cơ quan, đoàn thể và xã hội, huy động nguồn lực cho thực hiện chính sách còn hạn chế; nhận thức về vai trò của an sinh xã hội ở không ít cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, tổ chức, doanh nghiệp và người dân chưa đúng và chưa đầy đủ. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, luật pháp, thanh kiểm tra việc thực hiện an sinh xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Năng lực xây dựng chính sách an sinh xã hội còn hạn chế,...

Trong thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế.

Cụ thể là tiếp tục cải cách thể chế kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP trong thời gian tới hơn 6,5%/năm để có thêm việc làm, thu nhập và nguồn lực chi cho an sinh xã hội.

Tập trung thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1-6-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong xây dựng và thực hiện chính sách xã hội, coi các chính sách xã hội là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài, liên tục từ đó chủ động đề ra các giải pháp phù hợp nhằm mục tiêu bảo đảm tốt an sinh xã hội, chăm lo cải thiện và không ngừng nâng cao đời sống cho người dân. Tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ và người dân hiểu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước về các chính sách an sinh xã hội. Tiếp tục rà soát, đánh giá các chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để hoàn thiện, sửa đổi và bổ sung theo hướng tinh gọn, tích hợp chính sách, thu gọn đầu mối quản lý; mở rộng quyền tham gia và thụ hưởng cho người dân đối với chính sách trợ giúp xã hội.

Tiếp tục phát triển thị trường lao động, phát triển việc làm, bảo đảm an sinh xã hội bền vững, từng bước hoàn thiện thị trường lao động, kết nối cung cầu lao động; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo việc làm và chuyển dịch cơ cấu việc làm; tăng cường đối thoại lao động, bảo đảm tiêu chuẩn lao động; tăng cường đào tạo và phát triển kỹ năng cho người lao động…

Hoàn thiện chương trình đào tạo nghề cho nông dân nông thôn; triển khai chương trình việc làm công nhằm tạo thu nhập tạm thời ở mức tối thiểu cho người dân, đặc biệt là người lao động nghèo, người thất nghiệp. Tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bổ sung các quy định, chế tài về các nghĩa vụ tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; có chính sách hỗ trợ người lao động phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội,…

Tăng cường trợ giúp xã hội. Xây dựng mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội; có lộ trình tiếp tục điều chỉnh độ tuổi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng; mở rộng chính sách trợ giúp xã hội đối với người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số; tiếp tục điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp thường xuyên phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước; tách bạch nhiệm vụ quản lý nhà nước với cung cấp dịch vụ công; tích hợp việc thực hiện các chính sách khác nhau đối với cùng nhóm đối tượng,...

Đổi mới chính sách giảm nghèo, từ tiếp cận đơn chiều (dựa vào thu nhập) sang đa chiều (dựa vào các yếu tố khác ngoài thu nhập); tập trung nguồn lực trước hết vào thực hiện ở những nơi khó khăn nhất, nghèo nhất để giảm nghèo bền vững; tổng kết các mô hình giảm nghèo, an sinh xã hội đã và đang thực hiện có hiệu quả ở địa phương để có cơ sở hoàn thiện và nhân rộng ra các địa phương khác,…

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 28/1/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất