Thứ Bảy, 11/1/2025
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 11 đến ngày 17/01/2016

Ngành Tài chính tiếp tục cải cách toàn diện trong năm 2016

Bộ Tài chính vừa có quyết định ban hành Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2016 của ngành Tài chính.
Trong nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính, Bộ Tài chính sẽ tập trung rà soát và đề xuất các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ, trong đó tập trung vào các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Thuế, Hải quan theo Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu kiến nghị đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ công dân theo Đề án đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngành cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn nữa các thủ tục hành chính mới ban hành; thực hiện đánh giá tác động, ban hành các Quyết định công bố thủ tục hành chính; tổ chức kiểm tra việc thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính tại các đơn vị thuộc và trực thuộc; tập trung rà soát chuẩn hóa và kịp thời công bố, công khai thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý.

Trong cải cách tài chính công, năm 2016, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong quản lý ngân sách, công khai ngân sách, đảm bảo chủ động trong điều hành, ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp chính quyền địa phương đã thực hiện có dự phòng ngân sách và tăng dự trữ tài chính.

Trong xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng tổ chức triển khai công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, công tác quy hoạch, luân chuyển, luân phiên, chuyển đổi vị trí công tác, điều động, bổ nhiệm cán bộ, công tác đánh giá, xếp loại, công chức, viên chức theo hướng thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt quan tâm đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chuyên gia, cán bộ cấp cơ sở và thực hiện đúng lộ trình phát triển các cơ sở đào tạo; thực hiện nghiêm công tác luân phiên, luân chuyển định kỳ chuyển đổi vị trí công tác cán bộ.

Nhằm hiện đại hóa hành chính, ngành Tài chính sẽ hoàn thành cơ bản hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng thực hiện dịch vụ công trực tuyến với mức độ cao trên môi trường mạng, đảm bảo cho cá nhân, tổ chức có thể tìm kiếm, khai thác các thông tin liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính; tổ chức triển khai các Đề án Hiện đại hóa hệ thống Hải quan điện tử VNACCS/VCIS, cơ chế hải quan một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử…

Bộ Công Thương tinh giản gần 200 người trong năm 2015

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch của Chính phủ về tinh giản biên chế do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 12-01, tại Hà Nội, ông Thái Quang Toản, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế (Bộ Nội vụ) cho biết: Tính đến 31-12-2015, đã có 25 lượt bộ, ngành và 64 lượt địa phương (có địa phương thực hiện 2 đợt) thực hiện tinh giản biên chế năm 2015, 2016 với tổng số đối tượng là 9.129 người. Trong đó khối Đảng, đoàn thể là 303 người; khối hành chính 1.084 người; khối sự nghiệp 5.695 người; khối cán bộ, công chức cấp xã 1.868 người; khối doanh nghiệp nhà nước 39 người.

Cụ thể, trong năm 2015 đã có 15 bộ, ngành và 39 địa phương thực hiện tinh giản biên chế với số đối tượng là 5.318 người. Trong đó đa số là người hưởng chính sách về hưu trước tuổi; 827 người hưởng chính sách thôi việc ngay... Với 6 tháng đầu năm 2016, đại diện Bộ Nội vụ cho biết đã có 10 bộ, ngành và 35 địa phương đề nghị giải quyết tinh giản biên chế với số đối tượng giải quyết là 3.748 người, trong đó 479 người hưởng chính sách thôi việc ngay, 2 người hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học, 3 người hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Trong 2015, tỉnh tích cực thực hiện tinh giản biên chế nhất là Quảng Ngãi với 505 người. Về bộ ngành, Bộ Công Thương đứng đầu danh sách tinh giản biên chế với 199 người, trong khi đó Bộ Tài chính chỉ tinh giản biên chế 2 người.

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện một số bộ, ngành địa phương đã nêu ra một số khó khăn, bất cập trong việc thực hiện tinh giản biên chế. Còn theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, việc thực hiện tinh giản biên chế nếu không thống nhất về nhận thức hoặc công tác chính trị, tư tưởng sẽ dễ gây mất đoàn kết trong đơn vị. Do vậy, trách nhiệm người đứng đầu rất quan trọng.

Cũng theo ông Tuấn, việc tinh giản biên chế không chỉ là việc đưa một số lượng người ra khỏi biên chế mà phải đồng bộ với các hoạt động cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; nâng cao chất lượng khu vực dịch vụ công và đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp công, cải cách tiền lương và đổi mới tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng…

Triển khai hoạt động của Cổng thông tin điện tử pháp điển

Pháp điển là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển.

Thực hiện Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, Nghị định số 63/2013/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã xây dựng và đưa Cổng thông tin điện tử pháp điển vào sử dụng trên mạng internet tại địa chỉ truy cập phapdien.moj.gov.vn.

Cổng thông tin điện tử pháp điển là điểm truy cập duy nhất về công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên môi trường mạng, liên kết, tích hợp Bộ pháp điển điện tử và các thông tin khác nhằm phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và thông tin, giới thiệu về Bộ pháp điển, công tác xây dựng Bộ pháp điển. Đây là Cổng thông tin điện tử thành phần của Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.

Cổng thông tin điện tử pháp điển chủ yếu đăng tải nội dung Bộ pháp điển điện tử; thông tin giới thiệu về công tác xây dựng Bộ pháp điển, thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước ở Trung ương trong việc thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, kinh nghiệm thực hiện pháp điển của một số nước trên thế giới; đăng các tin, bài về hoạt động, tình hình triển khai thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật tại các bộ, ngành.

Đồng thời, cập nhật hệ thống văn bản về công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ thuật thực hiện pháp điển; dự thảo lấy ý kiến và đăng tải các dự thảo về công tác pháp điển; đăng tải các câu hỏi, thắc mắc của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước về triển khai thực hiện, về nghiệp vụ, kỹ thuật thực hiện pháp điển và các giải đáp…

Cổng thông tin điện tử pháp điển là cầu nối, chuyển tải thông tin về hoạt động pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đến với công chúng cũng như giữa các cơ quan thực hiện pháp điển, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật, bảo đảm tiến độ xây dựng Bộ pháp điển của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia

Bộ Tài chính đã phối hợp cùng 3 Bộ liên quan ban hành Thông tư liên tịch 178/2015/TTLT-BTC-BNNPTNT-BTNMT-BYT hướng dẫn thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia.

Đối tượng áp dụng của Thông tư gồm: Các cơ quan, đơn vị thuộc hoặc được chỉ định của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế xử lý, cấp phép các thủ tục hành chính quy định. Tổ chức, cá nhân thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa lựa chọn phương thức thực hiện các thủ tục hành chính một cửa thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Các thủ tục hành chính một cửa và việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan xử lý thông tin qua Cổng thông tin một cửa quốc gia được thực hiện như sau: Người khai, các cơ quan xử lý gửi thông tin về thủ tục hành chính một cửa tới Cổng thông tin một cửa quốc gia; Cổng thông tin một cửa quốc gia tiếp nhận và chuyển tiếp thông tin đến các hệ thống xử lý chuyên ngành; các cơ quan xử lý tiếp nhận, xử lý thông tin, phản hồi trạng thái tiếp nhận, xử lý, trả kết quả xử lý tới Cổng thông tin một cửa quốc gia; Cổng thông tin một cửa quốc gia phản hồi trạng thái tiếp nhận, xử lý trả kết quả qua xử lý thông tin tới người khai và hệ thống xử lý chuyên ngành có liên quan.

Thông tư cũng nêu rõ, Cổng thông tin một cửa quốc gia có chức năng tiếp nhận chứng từ điện tử và các thông tin có liên quan, xác thực chữ ký số của người khai và các cơ quan xử lý gửi tới. Chuyển chứng từ điện tử, thông tin khác của người khai đến hệ thống xử lý chuyên ngành (bao gồm cả chữ ký số trong trường hợp người khai sử dụng chữ ký số) đồng thời lưu trữ thông tin từ người khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia nhằm mục đích tra cứu, thống kê; tiếp nhận thông báo từ hệ thống xử lý chuyên ngành.

Trả các chứng từ điện tử cho người khai (bao gồm cả chữ ký số trong trường hợp các hệ thống xử lý chuyên ngành sử dụng chữ ký số); phản hồi kết quả xử lý của các Bộ tới các hệ thống xử lý chuyên ngành có liên quan…

Thông tư quy định rõ các thủ tục hành chính một cửa của Bộ Tài chính gồm các thủ tục hải quan điện tử đối với: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán hàng hóa; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện hợp đồng gia công với thương nhân nước ngoài; Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ…

Các thủ tục hành chính một cửa của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm: Đăng ký cấp Giấy chứng nhận chất lượng thức ăn Thủy sản nhập khẩu; cấp Giấy phép nhập khẩu Giống cây trồng nông nghiệp; cấp Giấy phép nhập khẩu phân bón…

Các thủ tục hành chính một cửa của Bộ Tài nguyên và Môi trường gồm: Đăng ký vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại; xác nhận đăng ký nhập khẩu các chất HCFC…

Các thủ tục hành chính một cửa của Bộ Y tế gồm: Thủ tục nhập khẩu mỹ phẩm đã công bố lưu hành tại Việt Nam; giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế…

“Giảm quyền lực, tăng trách nhiệm, chia sẻ khó khăn” là phương châm hành động của tỉnh Đồng Tháp

Điều này được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương khẳng định tại hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính tỉnh Đồng Tháp năm 2016.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức nhân rộng và thực hiện có hiệu quả các mô hình xây dựng chính quyền thân thiện; kịp thời phát hiện những yếu kém trong công tác cải cách hành chính để khắc phục, sửa đổi; nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, cải tiến lề lối làm việc, đặc biệt là thủ trưởng đơn vị.

UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã quyết định công bố bảng xếp hạng Chỉ số đánh giá cải cách hành chính năm 2015 của các sở, ngành và UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Văn phòng UBND tỉnh tiếp tục đứng vị trí đầu bảng chỉ số cải cách hành chính các sở, ban, ngành tỉnh với 90,44 điểm. Vị trí thứ 2 và thứ 3 lần lượt thuộc về Sở Lao động- Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Sở Kế hoạch và Đầu tư xếp cuối bảng với 70,92 điểm. UBND thành phố Cao Lãnh đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính cấp huyện với 93,19 điểm. UBND thành phố Sa Đéc, UBND huyện Tam Nông lần lượt xếp ở vị trí thứ 2 và thứ 3. UBND huyện Lai Vung đứng cuối bảng với 75,69 điểm.

Với mục tiêu “xây dựng chính quyền phục vụ”, năm 2016, công tác cải cách hành chính tỉnh Đồng Tháp sẽ tập trung vào 08 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Công tác thông tin, tuyên truyền; chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; hiện đại hóa hành chính; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công.Trong đó, UBND tỉnh Đồng Tháp sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành hoàn thiện phần mềm một cửa điện tử đến cấp xã; khảo sát sự hài lòng của tổ chức, công dân đối với dịch vụ công trên lĩnh vực tài nguyên và môi trường; triển khai khảo sát trực tuyến sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với dịch vụ hành chính công và công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các huyện, thị xã trên toàn tỉnh; tiếp tục hoàn thiện Đề án vị trí việc làm của tỉnh…

“Ý tưởng sáng tạo, khơi nguồn thành công”, “Giảm quyền lực, tăng trách nhiệm, chia sẻ khó khăn” là phương châm hành động của tỉnh Đồng Tháp trong năm 2016.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương yêu cầu các ngành, địa phương thể hiện tinh thần trách nhiệm, quyết tâm khắc phục hạn chế, phát huy trách nhiệm người lãnh đạo, khơi dậy nhiệt huyết, xây dựng bộ máy đồng thuận, vận hành nhanh hơn để thích ứng với sự thay đổi.

Quảng Ninh thí điểm thi tuyển công chức cấp xã tập trung

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý với đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh về việc tổ chức thí điểm thi tuyển công chức cấp xã theo hình thức thi tập trung ở cấp tỉnh.

Theo quy định của Nghị định số 112/2011/NĐ-CP về công chức xã, phường, thị trấn thì việc thì tuyển công chức cấp xã do UBND cấp huyện tổ chức.

Tuy nhiên, số lượng cần tuyển hàng năm của từng huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh không nhiều (khoảng 10 người/năm). Do vậy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị Thủ tướng được tổ chức thi tuyển công chức cấp xã theo hình thức tập trung ở cấp tỉnh, bảo đảm tiết kiệm, phù hợp với thực tiễn.

Xét đề nghị của tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng đã đồng ý với đề nghị của tỉnh về việc tổ chức thí điểm thi tuyển công chức cấp xã theo hình thức thi tập trung ở cấp tỉnh.

Thủ tướng lưu ý việc tổ chức thi tuyển cần bảo đảm trách nhiệm của UBND cấp huyện trong việc quản lý công chức cấp xã.

Trước đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng có đề nghị tương tự về việc tuyển dụng công chức cấp xã và đã được Thủ tướng cho phép thí điểm./.

Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 18/1/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất