Sau những cơn mưa đầu mùa, vườn mía của gia
đình bà Bùi Thị Cẫy, xóm Bưng 4, xã Thu Phong, huyện Cao Phong (Hòa
Bình) càng trở nên xanh tốt. Từ khi chồng hy sinh năm 1972, bà Cẫy tần
tảo nuôi bốn người con khôn lớn trưởng thành. Trong căn nhà nhỏ của bà,
tài sản lớn nhất là những tấm huân, huy chương kháng chiến, Bằng Tổ
quốc ghi công,...của người chồng để lại. Ở tuổi ngoài 85, niềm vui của
bà Cẫy là hằng ngày được chăm sóc đàn gà và vườn mía cạnh nhà.
“Tôi bị ốm phải nằm điều trị ở bệnh viện huyện. Thấy bệnh tình đã đỡ,
tôi xin ra viện để về nhà trồng ruộng mía cho kịp mùa vụ. Về đến nhà,
nghe chị hàng xóm bảo bộ đội trồng giúp bà rồi, tôi tưởng chị ấy nói
đùa. Nhưng khi ra đến nơi, thấy ruộng mía gần 1.000 m2 đã được bộ đội
giúp trồng xong. Nếu không có các chú bộ đội giúp đỡ, một mình tôi
chẳng biết xoay xở thế nào và giờ chắc cũng chẳng có ruộng mía xanh tốt
thế này…!”, bà Cẫy không giấu nổi niềm vui.
Cũng giống như 78 gia đình được xây tặng “nhà đồng đội”, “nhà tình
nghĩa”, “mái ấm công đoàn” và “ngôi nhà 100 đồng” trên địa bàn Quân
khu, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống LLVT Quân khu 3, gia
đình ông Bùi Văn Đông, ở xóm Đúng, xã Thu Phong, là con của liệt sĩ giờ
đây được sống trong ngôi nhà cấp bốn khang trang do Quân khu xây tặng.
Nhìn ngôi nhà ngói đỏ của mình mọc lên giữa nền trời xanh của núi rừng
tây bắc, ông Đông xúc động kể: Gần 50 tuổi, vợ chồng tôi làm lụng vất
vả quanh năm cũng chỉ đủ lo cho các con ăn học và chi tiêu tiết kiệm
trong sinh hoạt gia đình. Dành dụm mãi mới cất được ngôi nhà tạm, trời
mưa thì dột, trời nắng thì nóng bức. Trước hoàn cảnh ấy, Ban CHQS huyện
đã xét, đề nghị Bộ CHQS tỉnh và Quân khu 3 hỗ trợ 70 triệu đồng để gia
đình tôi xây dựng nhà. Phần còn lại là số tiền dành dụm và vay mượn
của anh em họ hàng… Ngày làm nhà mới, các anh bộ đội còn đến giúp công
đào móng, lợp ngói cho nên gia đình tôi mới xây dựng được ngôi nhà to,
đẹp thế này. Tôi và gia đình cảm ơn bộ đội rất nhiều.
Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Thu Phong Bùi Thanh Tuấn chia sẻ: Nắm vững
chủ trương tiến hành công tác dân vận của chỉ huy các cấp, căn cứ vào
đặc điểm của địa phương, chúng tôi xác định, giúp đỡ nhân dân bằng việc
làm cụ thể, thiết thực, như: duy trì lực lượng dọn dẹp vệ sinh, phát
quang đường làng, ngõ xóm; phân công cán bộ, chiến sĩ giúp các gia đình
chính sách, gia đình khó khăn làm ruộng, làm vườn, xây dựng nhà. Những
trường hợp đặc biệt khó khăn, cán bộ, chiến sĩ tự nguyện đóng góp tiền
và ngày công, hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế như: tặng lợn giống,
ngọn mía giống...
Cao Phong là huyện miền núi, trong số 13 xã, thị trấn thì có hai xã
và 14 xóm thuộc vùng 135, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Trung
tá Triệu Kim Thắng, Chính trị viên Ban CHQS huyện chia sẻ: Để công tác
dân vận đạt hiệu quả cao, đơn vị đã tập trung giáo dục, quán triệt cho
cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của công tác dân
vận; phối hợp các ban, ngành, đoàn thể của huyện xây dựng chương trình
thực hiện công tác dân vận cụ thể, thiết thực. Bên cạnh việc tham gia
quyên góp ủng hộ các quỹ ở địa phương, tổ chức lực lượng thường xuyên
giúp đỡ nhân dân, đơn vị còn thực hiện đề án của Bộ CHQS tỉnh về tổ chức
diễn tập chiến đấu trị an gắn giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế - xã
hội, là bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ, tạo sức lan tỏa trong
công tác dân vận. Từ năm 2011 đến nay, cùng với việc tổ chức thành công
cuộc diễn tập khu vực phòng thủ huyện, 15 lượt diễn tập chiến đấu trị
an; đơn vị đã huy động hơn 8.000 ngày công, 40 xe ô-tô, máy xúc và hơn
1.000 xe thô sơ để tu sửa 50 km đường cấp phối, san lấp ổ gà đoạn đường
hơn 30 km... Qua đó, cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện luôn được cấp ủy,
chính quyền và nhân dân địa phương tin yêu, mến phục.