|
Lãnh đạo Cục Dân vận trao quà của Ban chỉ đạo Hành trình “Quân đội chung tay vì sức khỏe
cộng đồng” tặng người có công ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắc Nông). Nguồn: Qdnd.vn
|
Phát huy kết quả, thành tích của công tác dân vận trong các cuộc kháng chiến và trong những năm đất nước đổi mới; 5 năm qua (2011 - 2015), quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; được sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương, công tác dân vận của Quân đội đã được triển khai toàn diện, ngày càng đi vào nền nếp, phát triển cả về diện rộng và chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Trong đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” là một điểm sáng trong tiến hành công tác dân vận, là thực tiễn sinh động, là trường học lớn góp phần rèn luyện tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, tính kỷ luật để phát triển toàn diện nhân cách người quân nhân cách mạng - Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Với trách nhiệm chính trị và phương pháp, hình thức công tác dân vận phù hợp, cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã thực hiện tốt phương châm hướng mạnh về cơ sở, tham gia có hiệu quả vào việc tuyên truyền, vận động nhân dân; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, trọng tâm là tuyên truyền về nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh ngăn chặn và làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo… Toàn quân đã cử hàng trăm tổ, đội công tác tăng cường cơ sở ngày đêm bám địa bàn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố nâng cao chất lượng hoạt động gần 320 xã đặc biệt khó khăn và phức tạp, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, trong đó 295 xã yếu kém có nhiều chuyển biến tốt. Bộ đội Biên phòng đã cử hơn 300 cán bộ tăng cường cho các xã biên giới; nhiều đồng chí được đảm nhiệm các chức danh chủ chốt trong cấp ủy, ủy ban nhân dân… Trong hoạt động tuyên truyền đối ngoại quân sự, đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân, các đơn vị bám sát đặc điểm, nhiệm vụ, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, thắm tình đoàn kết với nhân dân và quân đội nước bạn, góp phần củng cố quan hệ hoà bình, hữu nghị, hợp tác trên các tuyến biên giới.
Gắn kết phong trào thi đua “Dân vận khéo” với các phong trào, các cuộc vận động cách mạng của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Quân đội và địa phương phát động; các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tham gia hàng trăm chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chính sách xã hội, chính sách hậu phương quân đội, giúp nhân dân định canh, định cư, hỗ trợ giống, vốn sản xuất, kết hợp quân dân y, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, xây dựng các điểm sáng văn hóa vùng cao biên giới, hải đảo, góp phần thực hiện có hiệu quả các chính sách về kinh tế của Chính phủ, xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Nhiều phương thức hoạt động, mô hình mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả to lớn, tạo hiệu ứng xã hội, có sức lan tỏa rộng rãi, như: phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, hành trình “Quân đội chung tay vì sức khỏe cộng đồng”, mô hình “Gắn kết hộ người Kinh với hộ đồng bào dân tộc thiểu số”, chương trình “Mái ấm cho đồng bào nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “1000 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách vùng căn cứ kháng chiến”, “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, “Hũ gạo vì người nghèo”, “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc)…
Thông qua các hoạt động, toàn quân đã tham gia giúp dân với hàng triệu ngày công lao động, làm gần 15.000km đường giao thông, giúp đỡ trên 72.000 hộ dân xóa đói, giảm nghèo; xây dựng 6.345 nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa; xây, sửa chữa trên 5.000 phòng học, trường học; phụng dưỡng 1.776 Mẹ Việt Nam Anh hùng; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần 3 triệu lượt người; tặng trang thiết bị y tế cho các trạm y tế địa phương, bệnh xá kết hợp quân dân y; thăm, tặng quà các đối tượng chính sách, người nghèo với hàng nghìn tỷ đồng…
Đặc biệt, là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, Quân đội luôn ở tuyến đầu, xung kích, có mặt kịp thời ở những nơi xảy ra thiên tai, bão lũ và dịch bệnh, bất chấp hiểm nguy, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, giúp nhân dân sơ tán, phòng tránh, hỗ trợ kịp thời tiền, lương thực, thực phẩm, thuốc men, nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất và cuộc sống. Trong 5 năm, đã huy động 30.900 phương tiện, 1.235.680 lượt cán bộ chiến sĩ, giúp sơ tán 4.762.692 lượt người dân đến nơi an toàn; ủng hộ nhân dân vùng bị thiên tai, tai nạn, thảm họa hàng tỷ đồng. Nổi bật như: Tham gia khắc phục hạn hán tại tỉnh Ninh Thuận; cứu nạn 12 công nhân trong vụ sập hầm Thủy điện Đạ Dâng - Lâm Đồng (tháng 12/2014); giúp nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong đợt mưa lũ lịch sử năm 2015...
Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng, với Đảng và Quân đội, tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, công tác dân vận của Quân đội cần tập trung vào một số nhiệm vụ cơ bản sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác dân vận, Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Chương trình hành động số 620-Ctr/QU của Quân ủy Trung ương về thực hiện Nghị quyết số 25 (khóa XI); Nghị quyết số 49-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Quân đội trong tình hình mới”; cụ thể hóa mục tiêu, quan điểm, các nhiệm vụ, giải pháp vào từng nội dung, chương trình hoạt động công tác dân vận, phù hợp với từng đơn vị, địa phương, địa bàn.
Đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng các địa phương ngày càng giàu mạnh. Không ngừng nâng cao nhận thức chính trị, củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của các cấp chính quyền và tính nghiêm minh của pháp luật, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo; đồng thời, giúp nhân dân nâng cao cảnh giác cách mạng, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Hai là, tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng các cấp; năng lực và trách nhiệm của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp đối với công tác dân vận. Gắn công tác dân vận với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương; lấy kết quả công tác dân vận để đánh giá công tác lãnh đạo của cấp ủy đảng, trách nhiệm quản lý, điều hành của người chỉ huy. Phát huy vai trò tham mưu của cơ quan chính trị trong phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và các lực lượng trên địa bàn thực hiện tốt công tác dân vận. Bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng trong tiến hành công tác dân vận. Chủ động làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý những biểu hiện nhận thức lệch lạc và những việc làm không đúng về công tác dân vận, vi phạm kỷ luật quan hệ quân - dân.
Ba là, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nghĩa, huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận, hoạt động của cán bộ tăng cường cơ sở, tổ công tác dân vận theo Thông tư số 157/2011/TT-BQP của Bộ Quốc phòng “Quy định về tổ chức và hoạt động của tổ công tác dân vận ở đơn vị cơ sở trong QĐND Việt Nam”, Chỉ thị số 76/CT-BQP của Bộ Quốc phòng về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận của Dân quân tự vệ trong tình hình mới”. Đổi mới cơ chế, nâng cao chất lượng phối hợp hoạt động giữa các đơn vị Quân đội với cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; huy động các lực lượng tham gia, tăng nguồn lực cho công tác dân vận. Chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương nắm chắc tình hình, giải quyết hiệu quả các vụ việc phức tạp; hạn chế, không để xảy ra các điểm nóng, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; nâng cao hiệu quả hoạt động tham gia giúp dân xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; phòng, chống tội phạm, xây dựng địa bàn an toàn v.v.. Nghiên cứu hình thức công tác vận động quần chúng của các đơn vị làm nhiệm vụ ở nước ngoài nhằm phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân nước sở tại tin tưởng, giữ gìn quan hệ truyền thống hữu nghị, bình đẳng, hợp tác cùng phát triển.
Bốn là, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, biên chế hệ thống cơ quan dân vận theo đúng Quy chế công tác dân vận trong QĐND Việt Nam. Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về công tác dân vận. Nâng cao năng lực, trình độ và kỹ năng nghiệp vụ công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, cán bộ tăng cường cơ sở, các tổ công tác dân vận để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quản lý sử dụng đội ngũ cán bộ dân vận chuyên trách là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo; phải nắm chắc đặc điểm, tình hình, diễn biến ở cơ sở; không được chủ quan, phiến diện; thường xuyên suy nghĩ, tìm tòi, phát hiện, có dự báo chính xác; từ đó tham mưu, đề xuất, giúp cấp uỷ, chính quyền địa phương giải quyết đúng, trúng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Năm là, coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” ở từng cơ quan, đơn vị; kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích tốt. Kiên quyết khắc phục tình trạng công tác dân vận chỉ nặng về hành chính quân sự, cán bộ dân vận quan liêu, không nắm chắc tình hình cơ sở, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của chiến sỹ và nhân dân.
Thực hiện tốt những nội dung trên sẽ giúp cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”; đồng thời, góp phần phát huy truyền thống QĐND Việt Nam anh hùng “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Thiếu tướng Ngô Văn Bích
Cục trưởng Cục Dân vận, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam