Thứ Bảy, 11/1/2025
Năm 2015: Thanh tra phát hiện hơn 97 nghìn tỷ đồng sai phạm
Toàn cảnh họp báo. (Ảnh: TH).

Kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 24 nghìn tỷ đồng

Ông Trần Hồng Lĩnh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính tổng hợp cho biết: Năm 2015, toàn ngành đã triển khai 6.527 cuộc thanh tra hành chính và 243.661 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 97.423 tỷ đồng, 16.457 ha đất, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 24.029 tỷ đồng và 6.714 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 73.394 tỷ đồng, 9.743 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.683 tập thể; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 11.460 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 67 vụ, 74 đối tượng. Toàn ngành kiểm tra, đôn đốc thực hiện 3.365 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, thu hồi 2.825,5 tỷ đồng (đạt 58,3%); 7.141 ha đất (đạt 71%), đôn đốc xử lý 688 tập thể, 1.619 cá nhân, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 40 vụ, 133 đối tượng.

Cũng trong năm 2015, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp 385.526 lượt công dân (giảm 1,5% so với năm 2014) với 188.340 vụ việc; có 5.174 đoàn đông người (tăng 6,2%).

Năm 2015, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp nhận, xử lý 252.108 đơn thư; có 41.782 đơn khiếu nại, tố cáo (KNTC), trong đó có 31.469 đơn khiếu nại, 7.028 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính với 31.989 vụ việc; đã giải quyết 26.870/32.050 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 84%.

Trong 5 năm qua, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện vi phạm trên 265 ngàn tỷ đồng, trên 310 ngàn ha đất; đã kiến nghị thu hồi trên 135 ngàn tỷ đồng, 25 ngàn ha đất; xử phạt vi phạm hành chính gần 39 ngàn tỷ đồng; xử lý khác gần 130 ngàn tỷ đồng, 294 ngàn ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 7.738 tập thể, 22.700 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 351 vụ, 397 đối tượng. So với nhiệm kỳ trước thì kết quả thanh tra phát hiện vi phạm về tiền tăng gấp 3,5 lần; xử lý vi phạm đối với cá nhân tăng gấp 2 lần; xử lý sau thanh tra tăng tỷ lệ thực hiện từ trên 30% lên gần 68%.

Trong năm 2016, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra tăng cường xây dựng kế hoạch và tiến hành thanh tra công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội của các ngành, các cấp trên các lĩnh vực, chú ý tập trung vào những lĩnh vực có nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng; Thực hiện tốt thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm và thanh tra các vụ việc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước giao, gắn hoạt động thanh tra với giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản do vi phạm, tiêu cực, tham nhũng. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo đảm an ninh, trật tự nhất là trong thời điểm diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021...

Đã tiếp nhận hơn 300 tin báo về tham nhũng

Xung quanh việc kết luận thanh tra mới đây của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, lương viên chức quản lý (gồm 4 người) của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang bình quân là 60,8 triệu đồng/người/tháng, thu nhập bình quân năm là 730 triệu đồng/người, Phó Tổng Thanh tra Ngô Văn Khánh khẳng định tiền lương, chi tiêu của Công ty xổ số kiến thiết Tiền Giang nói riêng và các đơn vị sự nghiệp hoạt động như công ty xổ số nói chung đều có quy định cụ thể.

“Nhưng con số tiền lương như vậy là rất cao và dư luận đều thấy bất thường. Còn sai cụ thể khoản nào, lấy nguồn nào để chi thì phải thanh kiểm tra. Để kết luận sai như thế nào, lấy ở đâu ra, chi cho cái đó có thường xuyên hàng năm hay thường kỳ thì phải thanh tra kiểm tra cụ thể”- ông Khánh nói.

Thông tin về “đường dây nóng” của Thanh tra Chính phủ, Cục trưởng Cục chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt cho biết: Sau 25 ngày công bố “đường dây nóng” để phản ánh, tố cáo các hành vi tham nhũng, tặng quà Tết trái quy định, đã thu được 329 cuộc điện thoại và tin nhắn, chủ yếu là qua hai số máy di động của Cục trưởng.

Các cuộc điện thoại và tin nhắn đến từ 27 địa phương 12 bộ, ngành, ở các lĩnh vực khác nhau như kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, nổi lên nhiều nhất là đất đai, khoáng sản; thuế, ngân hàng, tài chính và công tác cán bộ và liên quan đến các lực lượng công quyền trực tiếp xử lý vụ việc của người dân, có dấu hiệu mãi lộ, nhận hối lộ, ví dụ như cảnh sát giao thông, thuế vụ, kiểm lâm;  xuất nhập khẩu và chạy công ăn việc làm; xây dựng công trình, dự án, chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo…

Trong số các nguồn tin đã nhận được: Khoảng 160 nguồn tin (50%) đã được cơ quan thanh tra chuyển cho các cơ quan chức năng khác theo thẩm quyền; khoảng 120 nguồn tin (30%) phản ánh dấu hiệu sai phạm thuộc các ngành, các địa phương, cơ quan ghi nhận, đề nghị chuyển thêm tài liệu; còn lại khoảng hơn 40 nguồn tin (15%)  có cơ sở dấu hiệu tham những, tiêu cực thuộc chức năng của Cục chống tham nhũng trực tiếp xử lý.

“Đã có 6 nguồn tin chúng tôi đang làm, có tính khả thi, đề xuất Tổng thanh tra tiến hành thanh tra” -  ông Đạt nói./.

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 7/1/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất