Thứ Bảy, 11/1/2025
Niềm tin của người dân là phần thưởng lớn nhất

Những ngày cuối cùng của năm cũ, thị trường tiền tệ lại chứng kiến "cú sốc" tỷ giá khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tuyên bố, để chống đô la hóa, gửi USD có thể sẽ phải đóng phí. Đặc biệt, một cơ chế điều hành tỷ giá mới sẽ được áp dụng trong năm 2016. Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với tư lệnh ngành ngân hàng xung quanh những vấn đề này.

Tỷ giá mới sẽ linh hoạt hơn

Thống đốc vừa hé lộ cách thức điều hành tỷ giá mới, theo đó tỷ giá sẽ được linh hoạt và thị trường hơn, ông có thể cho biết những điểm mới của cách thức điều hành này?

Niềm tin của người dân là phần thưởng lớn nhất - ảnh 1

Chúng tôi là công chức, là công bộc của dân. Đã là công bộc của dân thì phải phục vụ nhân dân. Nên niềm tin của người dân là phần thưởng lớn nhất, là thước đo chính xác nhất để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức

Niềm tin của người dân là phần thưởng lớn nhất - ảnh 2

Trước hết, phải khẳng định, chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước luôn nhất quán và kiên định mục tiêu giữ ổn định thị trường ngoại tệ, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý. Tỷ giá sẽ được điều hành linh hoạt trên cơ sở diễn biến thị trường ngoại hối trong nước và quốc tế, cũng như trên cơ sở mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ nói riêng và mục tiêu chính sách kinh tế vĩ mô nói chung. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị các bước để chuyển sang cách thức điều hành mới phù hợp với bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Theo đó thương mại và đầu tư quốc tế sẽ luân chuyển nhanh hơn và mạnh hơn. Việc cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hơn nhưng vẫn đảm bảo yếu tố quản lý để đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, sẽ giúp tăng tính hiệu quả của việc thực thi chính sách tiền tệ, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế quốc tế đến thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước.

Được biết theo cách điều hành mới, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ công bố tỷ giá, vậy tỷ giá này được dựa trên những yếu tố nào và tần suất ra sao, thưa ông?

Đúng vậy, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ công bố tỷ giá hằng ngày nhưng tỷ giá này được xác định trên cơ sở tham chiếu diễn biến của đồng USD và một số đồng tiền trên thế giới; tham chiếu tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng và trên cơ sở các cân đối với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô. Cách thức điều hành mới này sẽ cho phép tỷ giá phản ứng linh hoạt, kịp thời hơn với diễn biến trong nước và quốc tế. Tạo ra khoảng đệm đỡ tự động hỗ trợ quá trình hội nhập ngày càng sâu của nền kinh tế.

Đầu năm 2015 ông đã khẳng định việc đưa mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% là nhằm hạn chế tín dụng. Nhưng trong năm “Ngân hàng Nhà nước đã nới room” tín dụng cho một số ngân hàng khiến nhiều người đang lo ngại nguy cơ bùng nổ tín dụng năm 2016...

Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2015 của Quốc hội và Chính phủ là 6,2%, lạm phát dưới 5%, ngay từ đầu năm chúng tôi đã cân đối tất cả các nhu cầu của nền kinh tế để đưa ra chỉ tiêu tín dụng năm 2015 tăng khoảng 13 - 15%. Tuy nhiên, với diễn biến phục hồi của nền kinh tế, tổng cầu tiếp tục được cải thiện, và trên cơ sở lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (dưới 1%), thì để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của một số tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, việc nới "room" này chỉ được thực hiện với các ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ... nên cả năm 2015, tăng trưởng tín dụng đâu đó khoảng 18%. Sang năm 2016, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội thông qua khoảng 6,7%, dự kiến tăng trưởng tín dụng tiếp tục được kiểm soát ở mức khoảng 18 - 20%. Chúng tôi sẽ theo dõi sát diễn biến và có sự điều hành phù hợp, đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra.

Hóa giải "bộ ba bất khả thi"

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình chia sẻ: “Năm 2016 chúng tôi tiếp tục thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng để tiến tới trong 5 năm tới chỉ còn khoảng 15 tổ chức tín dụng. Chúng tôi sẽ tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách và giải quyết nợ xấu trên nguyên tắc thị trường có sự quản lý của nhà nước; áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong xây dựng và quản trị hệ thống ngân hàng, nỗ lực bằng mọi biện pháp khắc phục những bất cập để lành mạnh và phát triển thị trường tài chính”.

Tái cơ cấu ngân hàng có được kết quả rõ nét nhưng đây cũng là mảng có xáo trộn lớn nhất, mạnh nhất với một số ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng, nhiều ngân hàng được sáp nhập... Khó khăn nhất trong việc này là gì, thưa ông?

Cái khó nhất là nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu phải trên nguyên tắc không sử dụng ngân sách nhà nước vì đất nước mình còn nhiều khó khăn. Cũng không thể cho phá sản tổ chức tín dụng vì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định của hệ thống và an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Hệ thống ngân hàng phải tự tái cơ cấu trên nguồn lực của chính mình. Hơn nữa, cơ sở pháp lý cho việc này còn nhiều bất cập do những tình huống phát sinh trong nền kinh tế thị trường mà pháp luật chưa đồng bộ và chưa theo kịp thị trường. Nhưng đến nay về số lượng, toàn hệ thống đã giảm được 19 tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đây là những con số biết nói bởi đằng sau đó là sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống. Chúng tôi phải vượt qua thách thức, đặc biệt là khó khăn trước áp lực dư luận.

Về chất lượng thì rõ ràng hệ thống ngân hàng hiện nay đã vượt qua được thời kỳ khó khăn nhất trong 5 năm qua và đang phát triển ổn định. Thanh khoản của hệ thống ổn định, nợ xấu đã được đưa về mức dưới 3% (tháng 11.2015 là 2,72%); dòng vốn của nền kinh tế từng bước được khơi thông, tín dụng ngân hàng tiếp tục được mở rộng và hướng vào các lĩnh vực ưu tiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững; hiệu quả của hệ thống quản trị, điều hành, kiểm soát, kiểm toán nội bộ được tăng cường và nâng cao; một số tổ chức tín dụng được tái cơ cấu đã hoạt động bước đầu hiệu quả.

Nhìn lại cả chặng đường 5 năm tái cơ cấu, điều gì khiến cho ông hài lòng nhất?

Có hai vấn đề tôi không thể không nhắc tới. Đầu tiên, cách đây gần 5 năm, năm 2011 ngành ngân hàng phải đối mặt với nhiều khó khăn như lạm phát, lãi suất, tình trạng vàng hóa, đô la hóa nền kinh tế đều rất cao, tỷ giá trên thị trường ngoại tệ biến động khôn lường. Trước thực trạng đó, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước nhiệm vụ là phải kiềm chế lạm phát, đưa lãi suất xuống thấp, ổn định tỷ giá. Về lý thuyết, đây là “bộ ba bất khả thi” mà thế giới đã chứng minh không thể xử lý đồng thời cả ba vấn đề. Tuy nhiên, với những bước đi phù hợp, đến nay chúng ta đã thực hiện được cả ba mục tiêu này. Nếu năm 2011 lạm phát lên tới 18,3% thì năm 2012 được kéo xuống chỉ còn 6,8% và tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Đến năm 2015 vừa qua, lạm phát chỉ còn 0,63%. Tương tự, tỷ giá và thị trường ngoại tệ 5 năm qua hết sức ổn định. Đây là thời kỳ ổn định lâu nhất từ trước tới nay của thị trường ngoại hối. Trên cơ sở đó mới tạo được thanh khoản tốt hơn cho hệ thống ngân hàng, cho nền kinh tế và có điều kiện giảm được mặt bằng lãi suất như hiện nay.

Một điều khác mà tôi cũng rất muốn chia sẻ đó là niềm tin của xã hội, của người dân, của tập thể và của đồng đội. Chúng tôi là công chức, là công bộc của dân. Đã là công bộc của dân thì phải phục vụ nhân dân. Nên niềm tin của người dân là phần thưởng lớn nhất, là thước đo chính xác nhất để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức. Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban ngành, doanh nghiệp và người dân đã dành niềm tin cho ngành ngân hàng trong suốt quãng thời gian vừa qua. Nhờ đó mà chúng tôi đã thực hiện được những nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi như tôi vừa nói.

Theo thanhnien online

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất