Thực hiện đồng bộ các giải pháp cải cách hành chính
Phó
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính
của Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các
nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai
đoạn 2011-2020; tăng cường công tác chỉ đạo; đề cao trách nhiệm người
đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp về kết quả cải cách hành
chính...
Trong
năm 2015, công tác cải cách hành chính đã được các bộ, ngành, địa
phương quan tâm tổ chức thực hiện. Các lĩnh vực cải cách thể chế, tổ
chức bộ máy, thủ tục hành chính, công vụ, công chức, tài chính công và
hiện đại hóa nền hành chính đạt được kết quả rõ rệt, thiết thực, góp
phần tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 của cả
nước.
Tuy
nhiên, công tác cải cách hành chính còn một số hạn chế: Thủ tục hành
chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, quy trình còn phức tạp.... Để
khắc phục những hạn chế trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa
phương tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ các nội dung của Chương trình
tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; tăng cường
công tác chỉ đạo, điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả nền hành chính;
đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp
về kết quả CCHC.
Về
công tác cải cách thủ tục hành chính, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ,
ngành, địa phương tiếp tục rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính rườm
rà, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường kiểm tra, thanh
tra công vụ; công bố công khai, minh bạch các quy trình thủ tục, tạo
thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp; đổi mới mạnh mẽ việc giải
quyết thủ tục hành chính theo hướng trực tiếp, tập trung, có sự giám sát
của cấp có thẩm quyền, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức liên quan.
Cải
cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền tự do kinh
doanh của công dân trong các ngành nghề mà pháp luật không cấm theo đúng
quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư; nâng cao chất lượng,
hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo Quyết
định số 09/2015/QĐ-TTg; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các
hành vi vi phạm của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất
là trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Về
cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và xây dựng, nâng cao chất
lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Phó Thủ tướng yêu cầu các
bộ, ngành nghiêm túc thực hiện quy định không thành lập phòng trong Vụ
hoặc thành lập phòng mới trong Cục; tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề
án Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên
chức; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách chế độ công vụ, công chức,
thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc nâng cao chất lượng đội ngũ công
chức, viên chức theo vị trí việc làm đã được phê duyệt; nghiên cứu đổi
mới quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi
tuyển công chức, viên chức, đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch,
chất lượng trong công tác tuyển dụng.
Đồng
thời, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai xã hội hóa dịch vụ
công, đổi mới tổ chức, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; tiếp
tục triển khai cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo
hướng đổi mới cơ chế hoạt động gắn với lộ trình thực hiện tính giá dịch
vụ sự nghiệp công; đẩy mạnh việc chuyển từ phương thức hỗ trợ trực tiếp
của Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế đặt
hàng...
Đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp
Thủ
tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công
chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2025 nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán
bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ và
năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất
nước và hội nhập quốc tế.
Mục
tiêu cụ thể của Đề án nhằm xây dựng hệ thống thể chế thống nhất, đồng
bộ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, phù
hợp với điều kiện của Việt Nam và yêu cầu hội nhập quốc tế; hệ thống
chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức học tập và tự học
để không ngừng nâng cao trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ, công vụ
được giao.
Tổ
chức hệ thống quản lý và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức,
viên chức gọn nhẹ, khoa học, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đào
tạo, bồi dưỡng; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động
thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu
Hội đồng nhân dân các cấp.
Đề
án phấn đấu đến năm 2020, 100% cán bộ, công chức ở Trung ương, cấp
tỉnh, cấp huyện đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm
ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; bảo đảm hàng năm ít nhất 80%
cán bộ, công chức được cập nhật kiến thức pháp luật, được bồi dưỡng về
đạo đức công vụ; 70% được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương
pháp thực thi công vụ.
Đến
năm 2020, 100% cán bộ, công chức cấp xã có trình độ chuyên môn từ trung
cấp trở lên; 90% công chức cấp xã có trình độ chuyên môn phù hợp với vị
trí đảm nhiệm. Đến năm 2025, 100% cán bộ, công chức người dân tộc Kinh
công tác tại vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống sử dụng được ít
nhất một thứ tiếng dân tộc tại địa bàn công tác. Người hoạt động không
chuyên trách ở cấp xã được bồi dưỡng cập nhật và nâng cao kỹ năng,
phương pháp hoạt động ít nhất 01 lần trong thời gian 02 năm.
Bảo
đảm đến năm 2020, ít nhất 70% và đến năm 2025, 100% viên chức giữ chức
vụ quản lý được bồi dưỡng năng lực, kỹ năng quản lý trước khi bổ nhiệm.
Hàng năm, ít nhất 60% viên chức được bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp;
cập nhật nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành.
100%
đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 và nhiệm kỳ
2021-2026 được bồi dưỡng kiến thức pháp luật; kiến thức, kỹ năng và
phương pháp hoạt động...
Quy định mới về số lượng Phó Chủ tịch UBND
Chính
phủ vừa ban hành Nghị định 08/2016/NĐ-CP quy định số lượng Phó Chủ tịch
UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều
động, cách chức thành viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Nghị định
này có hiệu lực thi hành từ ngày 10-3-2016.
Theo
đó, số lượng Phó Chủ tịch UBND được xác định theo phân loại đơn vị hành
chính quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định này
và các quy định của pháp luật có liên quan.
Trường
hợp cơ quan có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ thực hiện chủ
trương luân chuyển, điều động cán bộ về đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch
UBND thì Phó Chủ tịch UBND do luân chuyển, điều động nằm ngoài số lượng
Phó Chủ tịch UBND quy định tại Nghị định này.
Chủ
tịch UBND cấp tỉnh có văn bản gửi Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ
quyết định việc tăng thêm Phó Chủ tịch UBND các cấp để thực hiện chủ
trương luân chuyển, điều động cán bộ, nhưng bảo đảm số lượng Phó Chủ
tịch UBND tăng thêm tại một đơn vị hành chính do luân chuyển hoặc điều
động không quá một người.
Cụ
thể, đối với đơn vị hành chính ở nông thôn, tỉnh loại I có không quá 4
Phó Chủ tịch UBND; tỉnh loại II, loại III có không quá 03 Phó Chủ tịch
UBND. Huyện loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND; huyện loại II,
loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND. Xã loại I có không quá 02
Phó Chủ tịch UBND, xã loại II, loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.
Đối
với đơn vị hành chính ở đô thị, Nghị định quy định thành phố Hà Nội và
thành phố Hồ Chí Minh có không quá 05 Phó Chủ tịch UBND; thành phố trực
thuộc trung ương còn lại có không quá 04 Phó Chủ tịch UBND.
Quận,
thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc
trung ương loại I có không quá 03 Phó Chủ tịch UBND; quận, thị xã, thành
phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương loại
II, loại III có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND.
Phường, thị trấn loại I có không quá 02 Phó Chủ tịch UBND; phường, thị trấn loại II, loại III có 01 Phó Chủ tịch UBND.
Nghị
định quy định rõ, khi nhiều đơn vị hành chính nhập thành một đơn vị
hành chính mới cùng cấp thì căn cứ theo phân loại của đơn vị hành chính
mới để xác định số lượng tối đa Phó Chủ tịch UBND theo quy định trên.
Trường hợp đơn vị hành chính mới chưa được phân loại thì số lượng tối đa
Phó Chủ tịch UBND xác định theo loại đơn vị hành chính cao nhất của các
đơn vị hành chính trước khi sáp nhập cho đến khi đơn vị hành chính mới
được phân loại.
Khi
một đơn vị hành chính được chia thành nhiều đơn vị hành chính mới cùng
cấp thì căn cứ theo phân loại của các đơn vị hành chính mới để xác định
số lượng tối đa Phó Chủ tịch UBND theo quy định trên. Trường hợp đơn vị
hành chính mới chưa được phân loại thì số lượng tối đa Phó Chủ tịch UBND
được xác định theo loại đơn vị hành chính cùng cấp loại III cho đến khi
đơn vị hành chính mới được phân loại.
Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Hội đồng nhân dân bầu Phó Chủ tịch UBND bảo đảm không vượt quá số lượng quy định trên.
Văn bản nợ đọng giảm so cùng kỳ năm 2015
Bộ
Tư pháp cho biết, cuối năm 2015, công tác xây dựng, ban hành văn bản
quy định chi tiết đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, do chậm
tiến độ xây dựng văn bản quy định chi tiết các luật có hiệu lực kể từ
ngày 01-01-2016, dẫn đến số lượng văn bản nợ đọng hiện là 48, tăng 15
văn bản so với cuối tháng 12-2015 (65 văn bản), nhưng giảm 43 văn bản so
với cùng kỳ năm 2015 (91 văn bản).
Trong
tháng 01-2016, các bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ xây dựng, trình
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền
110 văn bản quy định chi tiết. Bao gồm: 57 văn bản nợ ban hành (16 nghị
định, 32 thông tư, 9 thông tư liên tịch) quy định chi tiết 20 luật đã có
hiệu lực kể từ ngày 01-01-2016 trở về trước và 53 văn bản (18 nghị
định, 3 quyết định, 32 thông tư) quy định chi tiết 7 luật được Quốc hội
khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và thứ 9, có hiệu lực hoặc nội dung
giao quy định chi tiết có hiệu lực trong thời gian tới.
Từ
ngày 26-12-2015 đến ngày 26-01-2016, đối với 57 văn bản nợ ban hành,
Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 9/57 văn bản (4
nghị định, 5 thông tư). Tuy nhiên, còn 48/57 văn bản vẫn còn nợ chưa
ban hành (12 nghị định, 27 thông tư, 9 thông tư liên tịch).
Nguyên
nhân chủ yếu của tình trạng nêu trên là do các bộ, cơ quan ngang bộ
phải xây dựng, ban hành một số lượng lớn văn bản quy định chi tiết.
Trong
tháng 2 và những tháng tiếp theo của năm 2016, nhiệm vụ xây dựng, ban
hành văn bản quy định chi tiết của các bộ, cơ quan ngang bBộ là rất nặng
với 195 văn bản. Ngoài ra, các bộ, cơ quan ngang bộ còn có nhiệm vụ xây
dựng, ban hành hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực
hiện kế hoạch triển khai thi hành các luật được Quốc hội thông tại Kỳ
họp thứ 10.
Quy định mới về chức năng, cơ cấu tổ chức của Sở Kế hoạch và Đầu tư
Bộ
Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư liên tịch
21/2015/TTLT-BKHĐT-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ
cấu tổ chức của Sở Kế hoạch và Đầu tư thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương và Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban
nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Theo
đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư
có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo,
quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn,
nghiệp vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thông
tư nêu rõ Sở Kế hoạch và Đầu tư có Giám đốc và không quá 03 Phó Giám
đốc. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển,
khen thưởng, kỷ luật, cho từ chức, nghỉ hưu và thực hiện các chế độ,
chính sách đối với Giám đốc Sở và Phó Giám đốc Sở do Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Cơ
cấu tổ chức của Sở Kế hoạch và Đầu tư gồm: a) Văn phòng; b) Thanh tra;
c) Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ: Phòng Tổng hợp, Quy hoạch; Phòng
Đăng ký kinh doanh; Phòng Kinh tế ngành; Phòng Đấu thầu, Thẩm định và
Giám sát đầu tư; Phòng Kinh tế đối ngoại; Phòng Khoa giáo, Văn xã; Phòng
Doanh nghiệp, kinh tế tập thể và tư nhân.
Đối
với biên chế công chức, số lượng người làm việc, Thông tư nêu rõ, biên
chế công chức, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công
lập của Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao trên cơ sở vị trí việc làm, gắn
với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động và nằm trong tổng số biên chế
công chức, số lượng người làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành
chính, đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương được cấp có thẩm quyền giao hoặc phê duyệt.
Nhiều cơ quan của Khánh Hòa cải cách hành chính chưa tốt
Theo
kết quả xếp hạng cải cách hành chính năm 2015 vừa được UBND tỉnh Khánh
Hòa công bố, trong 42 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp toàn tỉnh
được đánh giá thì có 12 đơn vị đạt loại tốt, 12 đơn vị xếp loại trung
bình và một đơn vị xếp loại yếu. Lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Khánh Hòa cho
biết việc chấm điểm, đánh giá để xếp hạng cải cách hành chính của từng
đơn vị được thực hiện rất chặt chẽ.
Trong
số mấy chục tiêu chí thuộc nhiều lĩnh vực được chấm điểm, đánh giá để
xếp hạng thì kết quả xếp hạng về sự hài lòng của công dân đối với từng
đơn vị, cơ quan hành chính nhà nước là một trong những tiêu chí quan
trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả xếp hạng của mỗi cơ quan, đơn vị
đó.
“Kết
quả xếp hạng về sự hài lòng của công dân bao giờ cũng tỉ lệ thuận với
xếp hạng về kết quả cải cách hành chính của từng cơ quan, đơn vị hành
chính đã được đánh giá” - ông Nguyễn Trọng Thái, phó giám đốc Sở Nội vụ
tỉnh Khánh Hòa, nói.
Thành phố Thanh Hóa: Tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính
Xác
định cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá, những năm qua, UBND
Thành phố Thanh Hóa đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời luôn ý
thức nâng cao trách nhiệm và năng lực chuyên môn là chìa khóa để thực
hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính.
Ông
Lê Trần Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm một cửa liên thông UBND TP. Thanh
Hóa cho biết: “Trong quá trình thực hiện cải cách thủ tục hành chính,
UBND Thành phố đã chủ động rà soát giảm thiểu một số khâu bất hợp lý, từ
đó rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tăng cường
những nội dung có thể hoàn thành trong ngày để đảm bảo quyền lợi chính
đáng cho nhân dân. Đây là một kết quả đáng khích lệ, thể hiện tinh thần
làm việc có trách nhiệm của tập thể cán bộ, công chức ở Trung tâm một
cửa liên thông và của chính quyền Thành phố”.
Với
những giải pháp cụ thể: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mở
rộng mang tin học; Áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001: 2008 đối với tất cả các
cơ quan, đơn vị quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn, Thành phố
Thanh Hóa đã giải quyết kịp thời các giao dịch hành chính cho tổ chức,
cá nhân. Nếu như năm 2010 số lượng hồ sơ trả đúng hạn đạt tỷ lệ 92,3%
thì năm 2015, số lượng hồ sơ trả đúng hạn đạt 98,8%.
Bên
cạnh đó, công tác tiếp dân của UBND Thành phố luôn được chú trọng. Đây
vừa là một thủ tục hành chính, vừa là một kênh thông tin hiệu quả để
chính quyền gần dân hơn, giải quyết thấu đáo hơn những nguyện vọng chính
đáng của nhân dân.
Với
những nỗ lực trên đây, hiệu quả quản lý nhà nước của Thành phố Thanh
Hóa ngày một nâng cao, làm tiền đề cho sự phát triển toàn diện về kinh
tế - xã hội trong giai đoạn đổi mới và hộp nhập quốc tế hiện nay./.
Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 1/2/2016