Thứ Bảy, 11/1/2025
Tuần tin cải cách hành chính đến ngày 14/02/2016

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam: Năm 2015, số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế chỉ còn 117 giờ 

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, trong năm 2014-2015, với việc triển khai có hiệu quả các giải pháp đồng bộ, kết quả số giờ nộp thuế của doanh nghiệp đã giảm được 420 giờ, số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế chỉ còn 117 giờ, đạt và vượt mục tiêu mà Nghị quyết 19 năm 2015 của Chính phủ đã đặt ra.

Những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính thuế của Tổng cục Thuế đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá khá tốt thể hiện qua kết quả khảo sát đánh giá “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp” do Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và cơ quan Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp thực hiện. Cụ thể, đã có 71% doanh nghiệp đánh giá sự hài lòng với cải cách thủ tục hành chính, trong đó 92% doanh nghiệp cho rằng những quy định về chính sách, pháp luật thuế đã có sự chuyển biến tích cực.
Về việc bổ sung các tiêu chí thành phần về hoàn thuế, thanh tra kiểm tra và giải quyết khiếu nại khi tính toán chỉ số nộp thuế năm 2016 do Ngân hàng thế giới mới công bố, Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam cho rằng chắc chắn sẽ có tác động tương đối lớn tới kết quả xếp hạng chỉ số nộp thuế của tất cả các nước nói chung. 

Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các vụ, đơn vị có liên quan thực hiện rà soát, nắm bắt những vướng mắc của doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hành chính thuế đặc biệt liên quan đến thủ tục, quy trình thực hiện ở các khâu sau kê khai để từ đó đưa ra các đề xuất đơn giản hoá cần tiếp tục thực hiện trong năm tiếp theo.

Trong thời gian tới, bên cạnh việc triển khai các nhóm giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính thuế, ngành thuế sẽ xây dựng và triển khai hệ thống quản lý thuế tập trung, tạo tiền đề cho việc tập trung cơ sở dữ liệu để thực hiện quản lý thuế theo đánh giá rủi ro nhằm nâng cao hiệu lực công tác quản lý thuế nói chung.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Ba trở ngại khi tinh giản biên chế 

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tính đến ngày 11-01, có 25 lượt bộ, ngành và 79 lượt địa phương đã thực hiện tinh giản biên chế năm 2015, 2016 với tổng số đối tượng giải quyết tinh giản biên chế là 9.595 người. Trong số đó, khối Đảng, đoàn thể là 339 người; khối hành chính là 1.204 người; khối sự nghiệp là 5.999 người; khối cán bộ, công chức cấp xã 2.004 người; doanh nghiệp nhà nước 49 người. 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã trao đổi với phóng viên về ba trở ngại khi tinh giản biên chế.

Thứ nhất là sức ép thành lập các tổ chức mới. Ví dụ như để đáp ứng yêu cầu về giáo dục, về chăm sóc sức khỏe cho người dân, các địa phương vẫn phải thành lập thêm các trường học, bệnh viện và khi có trường học, bệnh viện thì phải có thêm thầy giáo, thầy thuốc… Do đó, việc tinh giản biên chế và quản lý chặt chẽ biên chế cũng gặp khó khăn. Khi có đơn vị sự nghiệp thành lập mới, chúng ta phải xử lý như thế nào? Trước mắt, một là vẫn phải điều hòa trong tổng biên chế mà các bộ, ngành, địa phương đang có. 

Thứ hai, không thể không bổ sung biên chế nhưng phải quản lý, kiểm soát một cách chặt chẽ. Đấy cũng là một cái khó.

Thứ ba là trong việc tinh giản biên chế và quản lý chặt chẽ biên chế hiện nay, sức ép từ các cơ quan đơn vị cũng rất lớn vì vẫn lấy lý do là phải có người để làm việc.

Giải pháp để khắc phục khó khăn này, theo Thứ trưởng, đó chính là tiếp tục đẩy mạnh xác định vị trí việc làm. Chúng ta vẫn phải thực hiện việc đánh giá phân loại cán bộ, công chức thật đúng để có thể xác định được số lượng người làm việc hợp lý trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, phát hiện ra những người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ để đưa vào diện tinh giản biên chế, trên cơ sở đó mới có được số biên chế 50% để lại bổ sung cho tổ chức mới được thành lập. 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, chúng ta vẫn phải nghiên cứu, tìm ra các giải pháp để khắc phục và vượt qua được những khó khăn gặp phải trong quá trình tinh giản biên chế hiện nay.

Bảo đảm thuận lợi cho người dân và cơ quan đăng ký hộ tịch

Luật Hộ tịch đã được Quốc hội khóa XIII thông qua gồm 7 chương và 77 điều, chủ yếu luật hóa các quy định hiện hành (trong các Nghị định của Chính phủ, Thông tư, Thông tư liên tịch của bộ, liên bộ) đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đồng thời quy định một số nội dung mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch, hiện đại gắn kết với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch, nhằm bảo đảm lợi ích của người dân và tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch.

Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh cho biết để kịp thời triển khai luật, Bộ Tư pháp đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Theo đó, quy định cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch ở cả hai cấp xã và huyện, bảo đảm thuận lợi cho người dân và cơ quan đăng ký hộ tịch.

Nghị định đã cắt giảm mạnh các giấy tờ phải nộp khi đăng ký hộ tịch trong giai đoạn chuyển tiếp. Ngay cả khi thủ tục hành chính quy định giấy tờ phải nộp là bản sao có chứng thực, nhưng nếu người dân chỉ nộp bản chụp giấy tờ (không có chứng thực) thì Nghị định quy định cũng được chấp nhận, nhưng cần có bản chính để đối chiếu.

Trong giai đoạn chuyển tiếp, khi đăng ký hộ tịch, người dân vẫn cần nộp, xuất trình một số giấy tờ cần thiết để chứng minh về nhân thân, nơi cư trú cũng như chứng minh về yêu cầu đăng ký hộ tịch. Khi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân sự vận hành thống nhất, người dân chỉ cần xuất trình duy nhất một loại giấy tờ (có Số định danh cá nhân) khi yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính nói chung, đăng ký hộ tịch nói riêng mà không cần phải nộp giấy tờ để chứng minh về nhân thân, nơi cư trú.

Nghị định quy định cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để giải quyết các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài cho người dân. Để bảo đảm lợi ích của người dân, tránh gây phiền hà, tốn kém, Nghị định quy định thống nhất một thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp loại giấy này cho cá nhân có yêu cầu, nhằm sử dụng trong nước cũng như ở nước ngoài vào mục đích kết hôn cũng như không kết hôn.

Thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong quản lý hành chính

Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư liên tịch số 18/2015/TTLT-BTP-BTC-TTCP hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính. Theo đó, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc giải quyết bồi thường kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật.

Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính chỉ phát sinh khi có đủ các căn cứ sau: a- Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật; b- Hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều 13 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; c- Có thiệt hại thực tế xảy ra; d- Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.

Thông tư nêu rõ, trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là người do các cơ quan có tư cách pháp nhân trực thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh quản lý được quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ là cơ quan có trách nhiệm bồi thường. 

Cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người vào trường giáo dưỡng, đưa người vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa người vào cơ sở chữa bệnh không đúng quy định của pháp luật được xác định theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 và Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012. 

Thông tư cũng quy định, người bị thiệt hại có thể gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Sau khi thụ lý đơn, xác minh thiệt hại và thương lượng việc bồi thường, người đại diện phải hoàn thành dự thảo quyết định giải quyết bồi thường để báo cáo Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Căn cứ vào kết quả xác minh thiệt hại, thương lượng với người bị thiệt hại và ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có), Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường ban hành quyết định giải quyết bồi thường.

Thực hiện dân chủ trong cơ quan hành chính nhà nước

Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Thông tư này hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập gồm: Tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; chế độ báo cáo định kỳ. 

Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức là hình thức dân chủ trực tiếp để cán bộ, công chức, viên chức tham gia quản lý, xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Hội nghị được tổ chức hợp lệ khi có ít nhất 2/3 cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị hoặc ít nhất 2/3 đại biểu được triệu tập có mặt dự hội nghị. Nghị quyết, quyết định của hội nghị được thông qua khi có trên 50% số người dự hội nghị tán thành và nội dung không trái với quy định của pháp luật.

Hội nghị thường kỳ được tổ chức mỗi năm một lần vào cuối năm. Đối với các cơ sở giáo dục đào tạo, có thể tổ chức hội nghị vào thời gian kết thúc năm học để phù hợp với đặc thù của ngành.

Hội nghị bất thường được tổ chức khi có 1/3 cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị hoặc Ban chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị yêu cầu hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị thấy cần thiết.
Về thành phần tham dự hội nghị, Thông tư nêu rõ, đối với cơ quan, đơn vị có tổng số cán bộ, công chức, viên chức từ 200 người trở xuống: Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức tham dự hội nghị.

Đối với cơ quan, đơn vị có tổng số cán bộ, công chức, viên chức trên 200 người; hoặc có từ 200 người trở xuống nhưng làm việc phân tán trên địa bàn rộng hoặc vì lý do nghiệp vụ không thể bỏ vị trí làm việc: Người đứng đầu cơ quan, đơn vị thống nhất với công đoàn cơ quan, đơn vị quyết định thành phần tham dự hội nghị là toàn thể cán bộ, công chức, viên chức hoặc đại biểu theo quy định phù hợp với đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-3-2016.

Ủy nhiệm thu thuế khoán với hộ kinh doanh: Giảm chi phí, minh bạch hóa

Theo báo cáo "Nguy cơ tham nhũng trong khu vực hộ kinh doanh Việt Nam" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, 50% hộ kinh doanh cho biết, chấp nhận chi cho cán bộ thuế để thỏa thuận mức thuế hợp lý. Để xóa bỏ những "góc tối" trong lĩnh vực thu thuế với hộ kinh doanh, năm 2016, ngành Thuế sẽ điện tử hóa việc nộp thuế cá nhân nhằm tiết giảm chi phí và minh bạch hóa môi trường kinh doanh. 

Với 1,6 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, tổng số thuế thu từ khu vực này bình quân đạt 12.362 tỷ đồng/năm, chiếm 2% tổng thu ngân sách. Sau khi VCCI công bố báo cáo về nguy cơ tham nhũng trong khu vực hộ kinh doanh, ngành Thuế đã khẩn trương rà soát việc thu, nộp thuế với hộ kinh doanh. Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, số lượng hộ kinh doanh khá lớn nên việc triển khai nộp thuế điện tử là một yêu cầu tất yếu. Ngành Thuế đã thí điểm kê khai, nộp thuế điện tử đối với cá nhân tại các địa phương có hạ tầng mạng tốt, như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cùng với đó, ngành Thuế sẽ phối hợp, sử dụng thông tin của các cơ quan công an, tài nguyên môi trường... để quản lý thu - nộp thuế. Theo lộ trình, từ 01-01-2016, Tổng cục Thuế thí điểm ủy nhiệm thu thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán. Hộ kinh doanh có thể khai thuế điện tử và nộp thuế điện tử qua đơn vị ủy nhiệm thu bằng các hình thức như: Nộp qua dịch vụ thanh toán điện tử Bankplus của Ngân hàng Quân đội, nộp qua thẻ, nộp qua internet Banking... Từ 01-7-2016, Tổng cục Thuế sẽ triển khai nộp thuế điện tử cho cá nhân khai lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, cho thuê nhà, nộp các khoản thu liên quan đến đất. Từ 01-01-2017, sẽ triển khai diện rộng toàn quốc cả 3 lĩnh vực thí điểm trên và mở rộng cho các lĩnh vực khác.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc các hộ kinh doanh tự nộp tiền thuế vào Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng, trên thực tế, đã bộc lộ nhiều bất cập. Bộ Tài chính cũng nhất trí thí điểm nộp thuế điện tử tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Mính, Đà Nẵng. Quy trình này phải bảo đảm không gây xáo trộn về việc kinh doanh và việc nộp thuế của các hộ kinh doanh./.

Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 15/2/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất