Ngày 24/2, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về: dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước; việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII.
Cho ý kiến về công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ý kiến đề nghị bổ sung những đánh giá khái quát việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong việc bảo đảm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo nghị quyết của QH đầu nhiệm kỳ, kết quả cuối nhiệm kỳ; nêu lên những mặt được, chưa được, nguyên nhân và trách nhiệm. Đồng thời, nêu rõ chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô; đánh giá cụ thể hơn về chất lượng, hiệu quả và việc tổ chức triển khai những chính sách, biện pháp về tái cơ cấu nền kinh tế; nêu rõ kết quả cụ thể việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, kết quả giải quyết nợ xấu, nợ đọng xây dựng cơ bản trong nhiệm kỳ qua; vấn đề thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và bảo tồn, phát triển vốn, hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước, khắc phục tham nhũng, lãng phí của các doanh nghiệp này...
Báo cáo cũng cần phân tích rõ những yếu tố cản trở quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, những bài học, kinh nghiệm rút ra trong quá trình tái cơ cấu vừa qua, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc xây dựng và thực hiện tái cơ cấu. Đánh giá việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thực hiện chủ trương, nghị quyết của QH về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, nhất là kết quả tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; những vấn đề về tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ; kết quả đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn công nghiệp tàu biển và phát triển kinh tế biển. Cần nêu rõ mục tiêu, yêu cầu, thực trạng của việc phát triển kết cấu hạ tầng của nhiệm kỳ này, từ đó làm rõ đã đạt được những mục tiêu gì, tiến độ, chất lượng và năng lực đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội đối với từng lĩnh vực; đồng thời, đánh giá được sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ trong việc xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và nêu lên phương hướng, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cần nêu lên được những giải pháp và kết quả thực hiện chủ trương đột phá về nguồn nhân lực; làm rõ thực trạng về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam cũng như sự phát triển của nguồn nhân lực trong 5 năm vừa qua, khả năng đáp ứng, năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực trong thời gian tới khi Việt Nam thực hiện các hiệp định thương mại quốc tế…
Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực cải cách hành chính, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng đến nay kết quả cải cách hành chính chưa cao, một số thủ tục còn chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin - cho”; bộ máy hành chính nhà nước còn cồng kềnh... tạo ra nhiều khe hở, dẫn đến tham nhũng, tiêu cực,...
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến cụ thể hoàn thiện dự thảo Báo cáo về các nội dung: quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đối ngoại và hội nhập quốc tế; đồng thời, đề nghị làm rõ hơn những bài học kinh nghiệm về tổ chức bộ máy, con người cũng như cách thức, phương thức làm việc của Chính phủ và mối quan hệ giữa các thành viên Chính phủ trong thời gian qua; bài học cho xây dựng và hoàn thiện thể chế… Trong dự thảo Báo cáo cũng cần chỉ ra những vấn đề, nội dung chưa giải quyết được, những hạn chế cần tiếp tục giải quyết.
Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ QH cơ bản nhất trí với Tờ trình về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII. Theo đó, dự kiến tổng thời gian làm việc của QH tại kỳ họp khoảng 16 ngày (không kể các ngày nghỉ), trong đó họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21-3 và dự kiến bế mạc vào ngày 9-4. Cũng tại kỳ họp này, từ ngày 6 đến 8-4, QH sẽ xem xét về công tác nhân sự. Tại kỳ họp thứ 11, dự kiến QH cho ý kiến về dự án Luật Biểu tình và xem xét, thông qua bảy dự án luật, gồm: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi); Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi)… cũng như nhiều nội dung quan trọng khác.
Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 24/2/2016