Thứ Bảy, 11/1/2025
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 15 đến ngày 21/02/2016

Cán bộ, công chức không đi lễ hội trong giờ hành chính

Tại Công điện đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương quán triệt cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ Tết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhu cầu giao dịch của nhân dân; không tổ chức du xuân, liên hoan sa đà, lãng phí, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công. Cán bộ, công chức không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ.

Thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thay đổi thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Theo đó, ông Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ là thành viên Ban Chỉ đạo thay ông Trần Anh Tuấn.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Theo đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Trưởng Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Nội vụ là Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ là Phó Trưởng Ban.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ.

Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách và giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Chính phủ; cho ý kiến về chương trình, kế hoạch cải cách hành chính dài hạn và hằng năm do Bộ Nội vụ trình Chính phủ.

Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính; xem xét nội dung các đề án, dự án quan trọng về cải cách hành chính của Chính phủ, các dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ, quyết định và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có nội dung chủ yếu liên quan đến cải cách hành chính trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Chính phủ; các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, quyết định và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác cải cách hành chính; giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác cải cách hành chính.

Bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại cho công chức ngoại vụ địa phương

Đề án Bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại và ngoại ngữ, biên phiên dịch cho công chức ngoại vụ địa phương giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2020, 100% công chức (theo phân công nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan ngoại vụ địa phương) được trang bị kiến thức đối ngoại nâng cao và nâng cao nghiệp vụ ngoại giao chuyên môn như: lãnh sự, lễ tân và tổ chức sự kiện đối ngoại, thông tin báo chí, công tác biên giới lãnh thổ, văn hoá đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và các kỹ năng như: đàm phán, soạn thảo văn bản đối ngoại, xúc tiến hợp tác đầu tư nước ngoài. 90% lãnh đạo ngoại vụ có trình độ ngoại ngữ đảm bảo yêu cầu công tác đối ngoại; mỗi tỉnh, thành có tối thiểu 2 cán bộ được bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng biên phiên dịch cao cấp tiếng Anh; mỗi tỉnh có ít nhất 3 biên phiên dịch thông thạo ngoại ngữ của nước có chung biên giới là tiếng Campuchia, tiếng Lào và tiếng Trung.

Nội dung chương trình bồi dưỡng gồm: Bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ đối ngoại cơ bản và nâng cao trình độ ngoại ngữ chung cho công chức ngoại vụ chưa được tham gia chương trình đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2011 - 2015 và công chức mới tuyển dụng; bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ đối ngoại nâng cao và chuyên sâu đối với công chức ngoại vụ đã hoàn thành chương trình đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2010 đến 2015; bồi dưỡng và đào tạo biên phiên dịch cao cấp.

Nhiệm vụ và giải pháp của Đề án là xây dựng tiêu chí đánh giá hợp lý, bảo đảm chất lượng các chương trình bồi dưỡng công chức ngoại vụ; thường xuyên tiến hành kiểm điểm, đánh giá chất lượng công tác bồi dưỡng; bảo đảm tính quy hoạch trong công tác bồi dưỡng công chức ngoại vụ.

Bên cạnh đó, đổi mới, cải tiến phương thức, nội dung và chương trình bồi dưỡng theo hướng đa dạng hóa các loại hình bồi dưỡng, tăng cường thực hành; bám sát nhu cầu đối ngoại của các tỉnh, thành trong thời kỳ hội nhập khu vực và quốc tế.

Tập trung xây dựng, tuyển chọn đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, các cán bộ có nhiều kinh nghiệm công tác, các chuyên gia đầu ngành của Bộ Ngoại giao, của Ban Đối ngoại Trung ương và một số bộ, ban, ngành khác, các giảng viên thỉnh giảng có kinh nghiệm từ các cơ quan đối ngoại khác, các chuyên gia ngôn ngữ nước ngoài.

Củng cố, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại cho các cơ sở đào tạo của Bộ Ngoại giao. Nâng cao trách nhiệm của địa phương trong việc cử công chức đi bồi dưỡng. Các địa phương lập kế hoạch, quy hoạch bồi dưỡng hàng năm và 5 năm; kết hợp chặt chẽ giữa tuyển dụng, bồi dưỡng với quy hoạch và sử dụng cán bộ.

Phiên họp toàn thể Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính

Chiều 19-02, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã họp phiên toàn thể, tổng kết hoạt động năm 2015 và triển khai nhiệm vụ năm 2016.

Theo bà Đỗ Thái Hà, Phó Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính, Phó Tổng Thư ký Hội đồng, năm 2015, hoạt động của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ tập trung vào nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách quy định hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân; đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.

Căn cứ đề xuất sáng kiến cải cách quy định, thủ tục hành chính trong 5 lĩnh vực năm 2014 của các cơ quan thành viên Hội đồng, gồm giải quyết chế độ, chính sách cho người nghèo, giải thể doanh nghiệp, hải quan điện tử, quản lý chất thải nguy hại, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã tổ chức tham vấn, lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân, các chuyên gia, hoàn thiện và trình lãnh đạo Hội đồng ký văn bản gửi các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết.

Đến nay, 6/10 bộ, cơ quan nghiên cứu, tiếp thu và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của Hội đồng; trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực thi kiến nghị, đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính về giải quyết chế độ, chính sách cho người nghèo; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ghi nhận để tiếp tục nghiên cứu, xem xét, sửa đổi quy định bình xét ở thôn/bản, tổ dân cư đối với các hộ có tên trong danh sách hộ nghèo sau khi điều tra, rà soát; quy định thống nhất việc Ủy ban Nhân dân cấp xã thực hiện việc cấp Sổ (hoặc Giấy chứng nhận) hộ nghèo; quy định mẫu Sổ/Giấy chứng nhận để thống nhất sử dụng trong toàn quốc; bổ sung quy định về cấp lại Sổ/Giấy chứng nhận hộ nghèo.

Triển khai hoạt động đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, Thư ký Hội đồng đã phối hợp với các cơ quan thành viên chủ trì đề xuất sáng kiến thực hiện việc nghiên cứu, rà soát độc lập các quy định, thủ tục hành chính trong các lĩnh vực nhập khẩu trang thiết bị cũ và hàng công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam, quản lý lao động nước ngoài, phát mại tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu.

Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06-01-2015 ban hành Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015, Hội đồng đã tổ chức họp tham vấn và lấy ý kiến bằng văn bản đối với dự thảo phương án đơn giản hóa 09/13 nhóm quy định, thủ tục hành chính và tổng hợp ý kiến của các thành viên Hội đồng, gửi các bộ, ngành chủ trì nghiên cứu.

Nhiều ý kiến của Hội đồng trong các lĩnh vực như: tuyển dụng, nâng ngạch công chức, viên chức; ưu đãi chế độ giáo dục, đào tạo cho người có công và con của họ; đào tạo đại học và sau đại học; khám chữa bệnh cho người dân... đã được các Bộ, ngành chủ trì tiếp thu, trình các cấp có thẩm quyền.

Năm 2015, Hội đồng đã tổ chức đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan. Trên cơ sở kết quả giám sát và hoạt động khảo sát, đánh giá được giao chủ trì, VCCI đã có Báo cáo đánh giá gửi Hội đồng, trong đó đưa ra những ý kiến nhận định, chỉ ra các khó khăn vướng mắc, bất cập trong quá trình doanh nghiệp thực hiện các thủ tục thuế, hải quan, từ đó kiến nghị các cơ quan nhà nước, cán bộ công chức khắc phục.

Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm năm 2016, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cho rằng Hội đồng cần triển khai có hiệu quả các Luật, Bộ Luật mới được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực tới đây, kiểm soát thật tốt quy định về cấm ban hành thủ tục hành chính trong quy định thông tư của các bộ và văn bản quy phạm pháp luật của các Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố; chủ động tham gia ý kiến có chất lượng với các dự án luật pháp lệnh trong năm 2016 Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, các luật liên quan đến triển khai thi hành Hiến pháp, thủ tục hành chính phải làm sao thuận lợi, đơn giản nhất, thực sự hợp lý, cần thiết, hợp pháp. Đẩy mạnh đánh giá thủ tục hành chính ở bộ, ngành, địa phương; trong đó lưu ý đến việc đánh giá chất lượng thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19-NQ/CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bí Thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng yêu cầu lãnh đạo huyện giảm bớt hội họp

Ngày 18-02, Đoàn công tác của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh do đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Củ Chi về việc quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020.

Đánh giá cao việc huyện Củ Chi đã nghiêm túc thực hiện quán triệt và triển khai Nghị quyết Đảng bộ thành phố, đồng chí Đinh La Thăng nhấn mạnh trong giai đoạn hiện nay, các cấp lãnh đạo huyện cần xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, mấu chốt để thực hiện các nhiệm vụ phát triển xã hội. Để thực hiện thành công các nhiệm vụ trên, hệ thống chính trị huyện cần thống nhất cao trong hành động, cùng hướng tới mục tiêu lớn nhất đó là vì dân. Tất cả mọi giải pháp đưa ra đều phải lấy người dân làm trung tâm, tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc của người dân.

Đồng chí Đinh La Thăng yêu cầu huyện tập trung cải cách hành chính hướng tới xây dựng mô hình chính quyền điện tử, lãnh đạo các cấp giảm bớt việc hội họp, dành thời gian đến gần với dân hơn để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, từ đó có những giải pháp thiết thực, có lợi cho dân, huy động được lực lượng người dân.

Song song với đó, huyện cần đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công, tập trung rà soát điều kiện, đời sống, việc làm của người dân, nhất là các gia đình chính sách để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, thiết thực.

Đồng chí Đinh La Thăng yêu cầu lãnh đạo huyện tiếp tục quan tâm thực hiện các chương trình an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, làm sao cho người dân có việc làm, ổn định đời sống; tập trung chống các tệ nạn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông; công khai minh bạch để người dân nắm bắt thông tin kịp thời; đặc biệt cần có đường dây nóng để lãnh đạo huyện có thêm điều kiện tiếp xúc với người dân.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu kiểm tra công vụ đột xuất

Trước tình hình một số công sở ở Hà Nội vẫn còn “vui Tết, đón Xuân,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa chỉ đạo Sở Nội vụ Hà Nội triển khai kiểm tra công vụ đột xuất đối với các cơ quan, đơn vị, đặc biệt đối với các bộ phận trực tiếp thực thi công vụ và giải quyết các công việc thường xuyên của người dân, doanh nghiệp. Nội dung kiểm tra công vụ báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố trước ngày 25-02.

Trước đó, thông tin báo chí phản ánh rằng “công sở ngày làm việc đầu tiên sau Tết, dân vẫn phải chờ cán bộ” phản ánh một số cơ quan, đơn vị vẫn vắng bóng người, đơn cử như ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm và Quầy thông tin hỗ trợ du khách tại Vườn hoa Lý Thái Tổ (thuộc Sở Du lịch). Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Sở Du lịch, Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm kiểm tra, xử lý ngay những vấn đề liên quan.

Các sở, ban, ngành thành phố; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chấm dứt việc chúc Tết đầu năm, tập trung vào việc giải quyết các công việc, nhiệm vụ trọng tâm theo chỉ đạo của thành phố; nghiêm cấm cán bộ công chức, viên chức, tập thể cơ quan, đơn vị sử dụng xe công đi lễ hội./.

Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 22/2/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất