Thứ Sáu, 29/11/2024
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 07 đến ngày 13/3/2016

Giám sát cải cách thủ tục thuế, hải quan tại 13 địa phương

Ngày 07-3, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình giám sát về cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan năm 2015, triển khai giám sát năm 2016.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, chương trình giám sát thực hiện trong năm 2015 đã đạt kết quả tích cực, đưa ra những đánh giá khách quan trong việc thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, qua đó góp phần thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Trong năm 2015, VCCI đã phối hợp với các thành viên tiến hành một cuộc điều tra xã hội học đối với hiệp hội doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã thu thập đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về tình hình thực hiện Nghị quyết 19 và đã nhận được phản hồi của 153 hiệp hội và 27 liên minh hợp tác xã, 59/63 đại diện tỉnh, thành phố có phản hồi.

Bên cạnh đó, một chương trình giám sát thực tế đã được triển khai tại 6 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, An Giang; làm việc với 6 chi cục thuế, hải quan, khảo sát thực tế tại 14 doanh nghiệp, tổ chức 3 cuộc tọa đàm đối thoại trực tuyến với trên 100 đại diện đến từ các hiệp hội, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, chương trình đã đưa ra được những đánh giá khách quan và độc lập, góp phần thúc đẩy quá trình cải cách thủ tục hành chính. Đây cũng là cơ sở, tiền đề để Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh chương trình giám sát cải cách thuế, hải quan trong năm 2016.

Cụ thể, từ tháng 7 đến tháng 10-2016 chương trình giám sát sẽ triển khai tại 13 tỉnh, thành phố có điều tiết ngân sách về trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bắc Ninh… Các đoàn Trung ương sẽ tổ chức giám sát tại TP. Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, còn 10 địa phương khác sẽ giao cho địa phương thực hiện. Từ tháng 11 đến tháng 12-2016, Ban tổ chức chương trình giám sát sẽ xây dựng báo cáo kết quả giám sát, khảo sát đề xuất kiến nghị về cơ chế giải pháp đối với việc thực hiện các nhiệm vụ giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực thuế, hải quan.

Không thể để tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" trong cải cách hành chính

Hà Nội đã đạt được nhiều tiến bộ về cải cách hành chính. Tuy nhiên, đứng trước đòi hỏi từ thực tiễn, Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố tiếp tục thống nhất cao chọn cải cách hành chính là một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ mới. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, các đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đã có những chỉ đạo cho thấy sự quyết tâm, tinh thần quyết liệt tạo chuyển biến mạnh về cải cách hành chính ngay từ những tháng đầu, năm đầu nhiệm kỳ.

Kết luận Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, ngày 29-02, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chỉ đạo: "Đẩy mạnh cải cách hành chính trong toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính quyền, nâng cao một bước về nhận thức, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ của đội ngũ công chức, bảo đảm hiệu quả công việc cao nhất". Ngay sau đó một ngày, tập thể UBND thành phố đã thảo luận về Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước TP. Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Tại đây, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định: "Dù khó khăn cũng sẽ quyết tâm cải cách, làm từng bước, thận trọng, việc nào cấp thiết thì làm trước. Mục tiêu cao nhất là chuyển từ nền hành chính "xin - cho" sang nền hành chính phục vụ".

Các nhiệm vụ trọng tâm, nhất là khâu đột phá đều là những việc khó. Trong quá trình thực hiện thời gian qua, thường có tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Nghĩa là lãnh đạo cấp thành phố thì quyết liệt, nhưng càng xuống cấp dưới thì càng "nguội" dần, thậm chí có cán bộ, công chức còn có biểu hiện thiếu nhiệt tình, trách nhiệm. Hiện tượng để dân phải chờ, cơ quan hành chính "vắng như chùa Bà Đanh" những ngày đầu năm mới như ghi nhận của phóng viên tại một số nơi là minh chứng. Chính vì vậy, vai trò của cấp ủy, của đội ngũ đảng viên trong cải cách hành chính cần phải nâng lên. Vị trí chủ công trong cải cách hành chính của cấp ủy được thể hiện sinh động và hiệu quả khi phát huy được tinh thần gương mẫu đi đầu của cá nhân từng cán bộ, đảng viên.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho rằng: "Ở trên chỉ làm chủ trương, nhưng đến cơ sở mới là làm việc với dân". Chính vì vậy, không thể để tái diễn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", nhất là trong cải cách hành chính.

Cải cách hành chính trong nông nghiệp chưa đủ hấp dẫn đầu tư

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác cải cách hành chính năm 2016, ngày 11-3, tại Hà Nội.

Trong năm 2015, qua kết quả rà soát lĩnh vực thú y đề nghị bãi bỏ 14 mục lệ phí và 21 mục phí; lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đề nghị bãi bỏ 59 danh mục, 554 danh mục phí chuyển sang cơ chế giá, 1 danh mục đề nghị sửa đổi, 136 danh mục tiếp tục thực hiện; bổ sung 30 danh mục phí theo các luật mới ban hành và tổng hợp 18 danh mục phí đề nghị dự thảo Dự án Luật phí, lệ phí.

Về cải cách thể chế, năm nay Bộ tiếp tục hoàn thiện trình Quốc hội các dự án Luật Thủy lợi, Thủy sản (sửa đổi), các Pháp lệnh giống cây trồng, Giống vật nuôi.

Tuy nhiên theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Bộ đang gần như xếp “đội sổ” về vấn đề cải cách hành chính (đứng thứ 3 từ dưới lên) theo danh sách thống kê của Văn phòng Chính phủ về công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành. Lý giải vấn đề này, bà Kim Anh cho rằng các đơn vị chuyên môn trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường gửi “một cục” các hồ sơ thẩm định lên Vụ Pháp chế thì không thể giải quyết nhanh cùng lúc. Đặc biệt, nhiều bộ hồ sơ lại thiếu những điều cơ bản thì không thể thẩm định được, phải trả lại về các vụ, cục chuyên ngành yêu cầu hoàn thiện. Như vậy, theo bà Kim Anh việc theo dõi và xử lý hồ sơ phải chặt chẽ từ các đơn vị chuyên ngành thì các thủ tục mới có thể tiến hành nhanh chóng và chặt chẽ về luật được.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cũng nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính gắn với tái cơ cấu ngành, bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục, cắt bỏ phí, lệ phí thì cần tập trung cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt việc kết nối thông suốt với hệ thống hải quan một cửa quốc gia được Thứ trưởng yêu cầu tất cả các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đảm bảo tiến độ, chất lượng, kết nối thông suốt.

Triển khai Đề án đơn giản hóa giấy tờ công dân năm 2016

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (Ban Chỉ đạo 896) vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án này trong năm 2016.

Theo Kế hoạch, từ tháng 01-2016 đến tháng 9-2016, Bộ Công an sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan thực hiện các thủ tục bảo đảm cho việc triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tháng 9-2016, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc thông điệp dữ liệu công dân trao đổi giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng thành lập Ban Chỉ đạo tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp với Bộ Công an triển khai công tác thu thập, nhập dữ liệu về dân cư, cấp số định danh cá nhân cho công dân ở các địa phương.

Trong năm 2016, các cơ quan Công an cũng thực hiện nhập thông tin công dân để xác lập số định danh cá nhân thông qua việc cấp Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp công dân đăng ký khai sinh trước ngày 01-01-2016. Cơ quan đăng ký hộ tịch phối hợp với cơ quan Công an thực hiện nhập thông tin cho công dân khi công dân đăng ký khai sinh từ ngày 01-01-2016 để xác lập thông tin về công dân và số định danh cá nhân, cấp số định danh cá nhân cho công dân từ khi đăng ký khai sinh...

Trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân

Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 11/2016/TT-BCA quy định về trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-4-2016.

Thông tư quy định, khi tiếp công dân đến làm thủ tục đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, cán bộ tiếp công dân yêu cầu người đến làm thủ tục viết Tờ khai căn cước công dân theo mẫu; kiểm tra thông tin công dân kê khai trong Tờ khai căn cước công dân, các giấy tờ, tài liệu liên quan và tập hợp thành hồ sơ.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, cán bộ chịu trách nhiệm thu nhận thông tin thực hiện như sau: 1- Thu Chứng minh nhân dân, cắt góc và trả lại cho công dân (nếu có); thu thẻ Căn cước công dân đối với trường hợp đổi thẻ; 2- Nhập thông tin về loại cấp thẻ Căn cước công dân (cấp, đổi, cấp lại), thông tin nhân thân, đặc điểm nhận dạng của công dân; 3- Thu nhận vân tay của công dân; 4- Chụp ảnh chân dung của công dân; 5- In Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân, chuyển cho công dân kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên và cán bộ thu nhận thông tin kiểm tra, ký, ghi rõ họ tên; 6- Thu lệ phí đối với trường hợp đổi, cấp lại thẻ theo quy định; 7- Giao giấy hẹn trả kết quả; 8- Cán bộ chịu trách nhiệm thu nhận thông tin cuối ca hoặc cuối buổi tiếp dân, bàn giao hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ cho cán bộ phân loại hồ sơ.

Công an cấp huyện hoàn thành việc xử lý, duyệt hồ sơ và chuyển dữ liệu điện tử đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân lên Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong thời hạn sau: Tại thành phố, thị xã thì trong thời hạn 1,5 ngày làm việc đối với trường hợp cấp, đổi thẻ Căn cước công dân và 5 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại thẻ Căn cước công dân, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ đề nghị. Đối với các huyện miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ đề nghị. Tại các khu vực còn lại thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-4-2016 và thay thế Thông tư số 07/2014/TT-BCA quy định về trình tự cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân.

Giảm 30% thời gian thực hiện thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia

Đây là một trong những mục tiêu vừa được Tổng cục Hải quan đặt ra trong kế hoạch thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 15-10-2015 của Chính phủ về thực hiện Chính phủ điện tử.

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36a trong lĩnh vực Hải quan, Tổng cục Hải quan xác định sẽ vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin cốt lõi của ngành đảm bảo ổn định, an ninh, an toàn 24/7, không làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp.

Tổng cục Hải quan đặt mục tiêu đến tháng 12-2016 giảm từ 15% đến 30% thời gian thực hiện thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) so với thời điểm cuối năm 2015, đến hết năm 2017 giảm tiếp 15% thời gian thực hiện so với thời điểm năm 2016.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan phấn đấu năm 2016 có 70% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp tối thiểu ở mức độ 3, đặc biệt có 50% dịch vụ công cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Đến năm 2017 có 100% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp tối thiểu ở mức độ 3, đặc biệt có 70% dịch vụ công cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4…

34 bộ, ngành, địa phương chưa có kế hoạch thực hiện Nghị quyết 36a

Công văn của Văn phòng Chính phủ gửi các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc gửi báo cáo đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Chính phủ điện tử cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Văn phòng Chính phủ đã xây dựng và trình báo cáo quý IV-2015 về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a tại Hội nghị trực tuyến tháng 12-2015 của Chính phủ với các địa phương.

Đến ngày 01-3-2016, còn một số bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 36a (13 bộ, ngành và 21 tỉnh, thành phố); chưa hoàn thành việc kết nối liên thông hệ thống văn bản quản lý văn bản với Văn phòng Chính phủ (6 bộ, ngành); và chưa công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng TTĐT Chính phủ (18 bộ, ngành và 38 địa phương)./.

Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 14/3/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất