Thứ Bảy, 11/1/2025
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 29/02 đến ngày 06/3/2016

Cải cách thủ tục hành chính - thông điệp quan trọng từ Bí thư Thành ủy Hà Nội

Tròn một tháng thực hiện nhiệm vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, có thể thấy rất rõ thông điệp cần phải cải cách thủ tục hành chính thật tốt của đồng chí Hoàng Trung Hải. 

Trong cuộc gặp gỡ đầu năm với báo chí, đồng chí đánh giá: “Báo chí đã đóng góp lớn cho Thành phố để Hà Nội phát triển xứng đáng với sự kỳ vọng của người dân cả nước”. Qua báo chí, Bí thư Thành ủy đã nhắc ngay tới cải cách hành chính. Đồng chí cho rằng: “Hà Nội còn phải nỗ lực hơn nữa trong cải cách hành chính, xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu còn tồn tại đâu đó”.
Ngày 23-02-2016, khi làm việc với huyện Ba Vì về các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải lại nhắc tới chuyện cải cách hành chính. Đồng chí chỉ rõ: “Hạn chế về cải cách thủ tục hành chính không chỉ của huyện Ba Vì mà của chung cả thành phố. Tuy Hà Nội đã xếp thứ 3/63 tỉnh-thành về cải cách hành chính và chỉ số PCI của Hà Nội được nâng lên cấp 26 nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Chính vì vậy, trong việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh thì tập trung cải cách hành chính là nhiệm vụ số một.

Đến ngày 29-02, tại Hội nghị lần thứ ba xây dựng Chương trình công tác toàn khóa, quy chế làm việc và chương trình kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2015-2020, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải tiếp tục nhấn mạnh: “Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ lề lối, phương pháp làm việc theo hướng kiên quyết hơn, hiệu quả hơn, sáng tạo hơn và hợp tác chặt chẽ hơn”. Đồng chí đặc biệt lưu ý vấn đề cải cách trong toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính quyền, nâng cao một bước về ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ của đội ngũ công chức và nhấn mạnh sự tự giác, gương mẫu chấp hành từ từng đồng chí Thành ủy viên, phát huy tính công khai dân chủ trong Đảng đi đôi với kỷ luật kỷ cương.

Ngày 04-3, khi dẫn đầu Đoàn công tác Thành ủy Hà Nội tới làm việc với Khu Công nghiệp Thăng Long - Hà Nội, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội lại chú ý tới chuyện cải cách hành chính. Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã chỉ rõ cần phải cải cách thủ tục hành chính thật tốt và nhiệm vụ này hoàn toàn có thể làm được, chỉ cần các đơn vị nỗ lực, quyết tâm và phối hợp chặt chẽ với nhau. “Hãy bỏ cái tôi, bỏ cái ích kỷ của từng cơ quan, tổ chức ra ngoài là chúng ta làm được. Nếu chúng ta đều nghĩ làm tốt công tác cải cách hành chính là góp phần cho phát triển Hà Nội”, “Từ nay đến cuối năm, đơn vị nào không làm tốt cải cách hành chính thì xử lý cán bộ đứng đầu”...

Sau một tháng ở cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, có lẽ thông điệp mạnh mẽ nhất của đồng chí chính là cải cách thủ tục hành chính. Đồng chí yêu cầu, phổ cập cơ chế mọi việc, mọi vấn đề nảy sinh phải có từng cấp, từng người chịu trách nhiệm cụ thể. Cải cách thủ tục hành chính tốt là tạo ra môi trường hoạt động để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và người dân đóng góp vào việc xây dựng Thủ đô đạt hiệu quả tốt nhất.

Hơn 70% doanh nghiệp hài lòng với cải cách thủ tục hành chính thuế 

Kết quả khảo sát đánh giá “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp” về cải cách thủ tục hành chính thuế do Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp thực hiện cho thấy, 71% doanh nghiệp đánh giá sự hài lòng với cải cách thủ tục hành chính; trong đó, 92% doanh nghiệp cho rằng những quy định về chính sách, pháp luật thuế có sự chuyển biến tích cực. 

Một số chuyên gia trong lĩnh vực thuế cũng cho rằng cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế thời gian qua đã mang tới những luồng gió mới. Các dự án hiện đại hóa công tác thu nộp thuế được triển khai mạnh mẽ. Nhờ đó, trên 98% số doanh nghiệp kê khai thuế điện tử và triển khai ký kết thỏa thuận với các ngân hàng thương mại để thực hiện nộp thuế điện tử tại 63 địa phương trong cả nước. Bên cạnh hiện đại hóa ngành từ ứng dụng công nghệ thông tin, cơ quan này cũng kiên quyết xử lý dứt điểm tồn tại để các doanh nghiệp luôn cảm thấy bình đẳng, không có sự phân biệt trong vấn đề chấp hành nghĩa vụ nộp thuế. 
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thuế Bùi Văn Nam cho biết, hiện còn một số quy định, chính sách ưu đãi áp dụng đối với một số nhóm doanh nghiệp đáp ứng điều kiện nhất định nhưng ở Việt Nam chỉ có một cơ chế quản lý thuế thống nhất áp dụng chung cho tất cả các đối tượng là doanh nghiệp và không có bất kỳ sự phân biệt, đối xử. Trong những năm tới, Tổng cục Thuế sẽ triển khai một số giải pháp cụ thể hơn nhằm cải thiện, nâng cao mức độ hài lòng chung của doanh nghiệp đối với quy trình, thủ tục về thuế. 

Với việc triển khai có hiệu quả các giải pháp đồng bộ, số giờ nộp thuế của doanh nghiệp đã giảm được 420 giờ, số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế chỉ còn 117 giờ (đã đạt và vượt mục tiêu mà Nghị quyết 19 năm 2015 về cải cách thủ tục hành chính đặt ra). 

Về thông Ngân hàng Thế giới đã đưa ba lĩnh vực được tính toán vào thời gian nộp thuế là giải quyết khiếu nại, thanh tra thuế và hoàn thuế, ông Bùi Văn Nam cho biết, việc bổ sung các tiêu chí thành phần về hoàn thuế, thanh tra kiểm tra và giải quyết khiếu nại khi tính toán chỉ số nộp thuế chắc chắn sẽ có tác động tương đối lớn tới kết quả xếp hạng chỉ số nộp thuế của tất cả các nước nói chung. Tổng cục Thuế đã chủ động tổ chức các đợt làm việc, mời các bên có liên quan tham dự (như đại diện nhóm nghiên cứu chỉ số nộp thuế của Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Tài chính quốc tế, Hội tư vấn thuế, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Công ty kiểm toán PWC) cùng làm việc với các vụ, đơn vị trong Tổng cục Thuế để đánh giá kết quả cải cách thủ tục hành chính thuế và tiếp tục rà soát, đề xuất đơn giản hóa các thủ tục hành chính thuế ở khâu sau kê khai. 

Thông qua các đợt làm việc, Tổng cục Thuế đã hiểu thêm về cách tiếp cận và phương pháp xác định các chỉ số đánh giá mới từ năm 2017 của Ngân hàng Thế giới về việc tuân thủ thuế đối với hoàn thuế, thanh tra kiểm tra và giải quyết khiếu nại về thuế; một số kinh nghiệm tốt của quốc tế về việc thực hiện đơn giản hóa về thủ tục hành chính thuế và quản lý theo rủi ro...

Trong thời gian tới, bên cạnh việc triển khai các nhóm giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính thuế, ngành thuế sẽ tập trung xây dựng và triển khai hệ thống quản lý thuế tập trung, tạo tiền đề cho việc tập trung cơ sở dữ liệu để thực hiện quản lý thuế theo đánh giá rủi ro nhằm nâng cao hiệu lực công tác quản lý nói chung. Bên cạnh những giải pháp trên, ngành thuế đẩy mạnh thông tin hỗ trợ, tuyên truyền, công khai chính sách về thuế, nghiên cứu, tiếp nhận, hỗ trợ thông tin đối với người nộp thuế. Xây dựng cơ sở dữ liệu, áp dụng cơ chế quản lý rủi ro đối với tất cả các khâu trong cải cách thủ tục hành chính thuế, ngăn chặn, phòng ngừa các trường hợp gian lận, chiếm dụng tiền hoàn thuế của Nhà nước. 

Tinh gọn bộ máy Kho bạc nhà nước

Quyết định 26/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra yêu cầu hệ thống Kho bạc nhà nước phải hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm thiểu các đầu mối quản lý nội bộ phù hợp với mục tiêu cải cách hành chính trong giai đoạn tới. 

Từ chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, hệ thống Kho bạc nhà nước đã xác định các công việc trọng tâm mà trước hết là làm tốt công tác tuyên truyền và quán triệt tới toàn thể cán bộ, công chức khi triển khai mô hình tổ chức mới. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị rà soát, bàn giao công việc kết hợp việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy với công tác luân chuyển, luân phiên điều động và định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.

Việc xác định rõ các mục tiêu và sự chuẩn bị kỹ càng cũng như thống nhất trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện đã góp phần quan trọng tạo nên sự thành công của công tác kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống Kho bạc nhà nước. Tổng giám đốc Nguyễn Hồng Hà đã phấn khởi thông báo đến nay, mô hình tổ chức bộ máy mới của Kho bạc nhà nước đã vận hành ổn định, thông suốt ở cả 3 cấp từ Trung ương đến Kho bạc nhà nước cấp huyện. Đặc biệt, so với cơ cấu tổ chức trước đây giảm được 7 phòng tại cơ quan Kho bạc nhà nước, 123 phòng tại Kho bạc nhà nước cấp tỉnh và giảm trên 660 tổ (phòng) tại Kho bạc nhà nước cấp huyện; bộ máy của Kho bạc nhà nước các cấp được tổ chức thống nhất theo chức năng, giảm thiểu các đầu mối làm công tác nội vụ.

Tới đây, Kho bạc nhà nước tiếp tục xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ thông qua các hình thức đào tạo dài hạn cho các cán bộ chuyên sâu; đào tạo ngắn hạn cho cán bộ đi luân chuyển; đào tạo tiền công vụ cho cán bộ mới tuyển dụng. Chủ động cử công chức có trình độ chuyên môn cơ bản đi đào tạo chuyên sâu về Tổng kế toán và Quản lý ngân quỹ tại các quốc gia có kinh nghiệm để tạo nguồn then chốt triển khai hiệu quả chức năng Tổng kế toán Nhà nước và Quản lý ngân quỹ.

TP. Hồ Chí Minh: "Cải cách hành chính phải thỏa mãn được yêu cầu của người dân"

Sáng 29-02, ông Võ Văn Hoan - Chánh Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh chủ trì buổi họp báo bàn về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh Thành phố, thông báo nhiều vấn đề “nóng” đang diễn ra trên địa bàn được dư luận xã hội quan tâm… Đặc biệt, ông Hoan đã cho biết chính quyền đang đẩy mạnh tận gốc cải cách hành chính tại các cơ quan công quyền nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân. 

Ông Võ Văn Hoan nói: “Phải làm cho công tác cải cách hành chính đi vào chiều sâu, thường xuyên, thực chất hơn. Cải cách hành chính phải thỏa mãn nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích của người dân”. Ông Hoan cho hay, UBND Thành phố đang đẩy mạnh việc sửa đổi lề lối làm việc đến tận từng cán bộ, công chức; mọi vấn đề cần giải quyết phải xử lý, phân cấp, chuyển hồ sơ vụ việc nhanh, gọn để không tồn đọng, ảnh hưởng quyền lợi của dân…

Đề cập tới việc UBND Thành phố lập “đường dây nóng”, ông Hoan cho rằng phải hiểu “đường dây nóng” theo nghĩa rộng hơn, là tinh thần lắng nghe dân, để dân góp ý tất cả những vấn đề bức xúc. Nhưng không nhất thiết chỉ phản ánh bằng điện thoại, sẽ quá tải, mà phải bằng nhiều kênh, như email, các đường dây nóng của các cơ quan khác… Theo ông Hoan, UBND Thành phố đã phân làm 4 cấp độ “nóng” từ đường dây nóng để chỉ đạo các cấp thực hiện.

Ngoài ra, ông Võ Văn Hoan cũng cho biết, sắp tới, UBND Thành phố sẽ “mở cửa” cho phép báo chí được vào UBND Thành phố lấy tin “thoải mái hơn”; sẽ lập một phòng riêng, có đủ phương tiên màn hình thông tin các cuộc họp tại 4 phòng họp của UBND thành phố để các nhà báo thông tin. Những vụ việc đột xuất, UBND Thành phố sẽ chủ động họp báo thông tin cho báo chí. Bên cạnh đó, UBND Thành phố sẽ xóa “mật” trên lịch công tác và báo cáo tuần để tạo điều kiện cho báo chí lấy tin, theo dõi hoạt động của chính quyền Thành phố.

Quận Nam Từ Liêm hướng tới “Chính quyền điện tử”

Lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, Nam Từ Liêm là đơn vị đầu tiên trong 30 quận, huyện trong toàn thành phố thực hiện thành công một cửa liên thông 3 trong 1 thủ tục hành chính. 

Theo đó, các thủ tục hành chính như: đăng ký khai báo về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.. thay cho việc phải đi lại 6 lần ở 3 cơ quan với tổng thời gian chờ đợi 27 ngày thì nay người dân chỉ phải đi đến bộ phận 1 cửa của phường 2 lần và trong vòng 7 ngày nhận được kết quả.

Đặc biệt từ năm 2016, những thủ tục này được rút ngắn xuống còn 3 ngày. Cụ thể, người dân chỉ cần đăng ký khai báo qua mạng gửi đến UBND các phường trong quận, sau 03 ngày làm việc kết quả được cán bộ trả tại nhà, người dân không phải bỏ chi phí cho việc thực hiện (ngoài phí dịch vụ theo quy định của Nhà nước). Việc rút gọn thời gian trả kết quả, người dân rút ngắn thời gian đi lại được nhân dân trong quận đánh giá cao.

Năm 2015, Nam Từ Liêm được Sở Nội vụ đánh giá là quận đứng thứ hai/30 quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác cải cách hành chính.

Nam Từ Liêm cũng đã xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện cấp đăng ký kinh doanh cho hộ kinh doanh qua mạng, bước đầu đã đạt kết quả tích cực với 25% hồ sơ đã thực hiện kê khai qua mạng. Ngoài ra, quận cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước trên địa bàn cho 100% các phường, các phòng ban chuyên môn, đạt 100% kế hoạch.

Năm 2016, quận Nam Từ Liêm đặt kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; nâng cao ý thức, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân gắn với xây dựng “chính quyền điện tử”. Nhiệm vụ này được quận Nam Từ Liêm xác định là một trong những khâu đột phá trong năm nay.

Bên cạnh đó, quận Nam Từ Liêm triển khai kế hoạch xây dựng chính quyền công sở thân thiện tại quận và 10 phường; mặt khác đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan hành chính nhà nước các cấp từng bước chuyển sang chính quyền thân thiện ngày càng gần gũi người dân./.

Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 7/3/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất