Thứ Sáu, 29/11/2024
‘Bảo bối’ thi hành án hiệu quả

Số lượng việc thụ lý của ngành thi hành án (THA) dân sự Long An xếp thứ tám trong cả nước nhưng Long An lại là tỉnh mà khiếu nại, tố cáo liên quan đến THA rất ít. Đơn khiếu nại giảm dần qua từng năm (năm 2013 có 43 đơn, năm 2014 có 36 đơn, năm 2015 chỉ còn 24 đơn). Trong khi đó, tỉ lệ giải quyết THA thành công tăng dần qua từng năm: Năm 2013 thụ lý hơn 26.000 việc, giải quyết xong và có điều kiện giải quyết đạt tỉ lệ gần 84%. Năm 2014 thụ lý gần 29.000 việc, giải quyết xong và có điều kiện giải quyết đạt tỉ lệ 88%. Năm 2015 thụ lý gần 29.000 việc, giải quyết xong và có điều kiện giải quyết đạt tỉ lệ gần 89%.

Đặc biệt, có rất nhiều vụ việc THA thành công chỉ qua vận động, thuyết phục mà cơ quan THA không phải cưỡng chế.

Mô hình tổ vận động

Vậy ngành THA Long An có “bảo bối” gì để đạt được điều này? Gặp chúng tôi, Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Long An Nguyễn Văn Gấu khoe ngay về mô hình tổ vận động THA ở tỉnh này.

Thành viên tổ vận động có cả những thanh niên rất trẻ lẫn người đầu đã bạc trắng. Họ đến từ các ban ngành, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, cán bộ xã… cho tới các ông, bà trưởng ấp. Nếu như trước kia, chỉ có một mình chấp hành viên (CHV) xuống vận động đương sự không được thì phải ra về tay không. Nhưng từ khi có tổ vận động, mọi chuyện đã khác hẳn.

“Hổng ai như chúng tôi, vài hôm không thấy CHV là tự động gọi điện thoại hỏi thăm để phối hợp đi xuống địa bàn vận động, tuyên truyền liền à” - anh Nguyễn Văn Sen (cán bộ tư pháp-hộ tịch thị trấn Tầm Vu, Châu Thành) cười, nói.

Rồi anh Sen dẫn tôi đến thăm bà LTB, người phải THA cho một bản án từ năm 2008 với số tiền án phí 2 triệu đồng. Bà mang trong người đủ thứ bệnh tật, nào là u đại tràng, nào là thần kinh tọa… Ngồi nói chuyện, tôi phải cố gắng lắm mới nghe rõ lời bà nói.

 
Anh Nguyễn Văn Sen (thành viên tổ vận động THA huyện Châu Thành, Long An)
trò chuyện với  một đương sự. Ảnh: N.NGA
 

Trước đây, nhiều lần xuống vận động, anh Sen chỉ nhận được lời hứa. Có bữa, dù nhà bà B. không khóa cửa, anh Sen gọi hoài chẳng thấy ai, đành ra về. Sau đó, bà B. đóng được ba lần, mỗi lần khoảng 500.000 đồng. Anh Sen bèn đi vận động các đoàn thể mỗi người góp một ít, thế là bà B. xóa xong nợ.

“Chú này cứ đến nhà hoài. Không có tiền, tôi quê muốn chết nên thấy có tiếng xe là tôi trốn mất tiêu. Được xóa nợ, giờ chú ấy còn ghé thăm, tôi mừng” - bà B. cười móm mém với tôi.

Chào bà B. ra về, tôi thắc mắc với anh Sen: “Bà ấy có nhà, có ruộng, nếu cơ quan THA cưỡng chế có phải nhanh hơn không, tránh để án kéo dài, đỡ mất công mất sức đi lại?”. “Mình phải tạo điều kiện cho bà B. xoay xở bởi bà ấy khó khăn thật chứ không phải có tiền mà không chịu THA. Không thể vì mấy triệu bạc mà mình lại đi cưỡng chế kê biên căn nhà của bà ấy được” - anh Sen trả lời.

Gần dân, hiểu dân

Lợi thế lớn nhất của mô hình tổ vận động THA là gần dân, sát dân nên nắm rõ tình hình đời sống, sinh hoạt, thu nhập… của người phải THA, từ đó đề xuất được các phương án THA khéo léo, linh hoạt. Tổ vận động nắm được từng hoàn cảnh gia đình đương sự, chỉ có họ mới biết khi nào cưỡng chế phù hợp, khi nào đương sự có dấu hiệu tẩu tán tài sản…

Anh NVT ở huyện Châu Thành vay 40 triệu đồng rồi không trả được. Thua kiện, anh chỉ mới đóng xong án phí, nợ vẫn còn đó. Mỗi lần anh Sen ghé nhà vận động THA, hai vợ chồng anh T. lại… gây lộn với nhau. Họ khó khăn thật sự, chỉ có một căn nhà bé tí. Hằng ngày, vợ anh T. bán từng ký gạo để nuôi mẹ già.

CHV và anh Sen thuyết phục mãi chưa xong, cơ quan THA đành ra quyết định cưỡng chế. Trước ngày cưỡng chế, anh Sen lại đến, mong vợ chồng anh T. suy nghĩ lại: “Ước tính chi phí cưỡng chế khoảng 40 triệu đồng, tương đương với số tiền phải THA, cộng lại anh sẽ phải chịu 80 triệu đồng. Anh chị cố vay mượn trả trước một phần, còn lại tụi tui ráng thuyết phục chủ nợ cho anh chị trả chậm một phần, như vậy sẽ khỏi bị cưỡng chế nữa”. Nghe ra, vợ chồng anh T. vay được 20 triệu đồng để trả cho chủ nợ, số còn lại được chủ nợ chấp nhận cho trả dần. Thế là việc THA thành công mà Chi cục THA không phải tổ chức cưỡng chế.

“Mình phải hiểu hoàn cảnh của dân mới vận động được chứ nắm không rõ mà xuống nói suông là họ không hợp tác đâu. Đích cuối cùng cũng chỉ mong không đẩy họ vào đường cùng” - anh Sen tâm sự.

Anh Đinh Chí Thanh (Chi cục THA dân sự TP Tân An) cũng cho biết: Chỉ có tổ vận động mới nắm chính xác lúc nào người phải THA có tiền. Trường hợp của bà T. là điển hình. Bà T. phải đóng án phí hơn 10 triệu đồng nhưng gặp khó khăn, cơ quan THA đành xếp vào việc chưa có điều kiện thi hành. Một hôm, con bà T. lên xã làm hồ sơ, lúc đó xã biết con bà T. làm việc ở ngân hàng. Thế là qua vận động, bà T. đã tự nguyện mang tiền lên nộp. “Các đoàn thể thuộc hết danh sách án, hễ có phát sinh gì mới là họ biết liền. Nhiều khi CHV không nắm vững hoàn cảnh từng đương sự bằng họ” - anh Thanh nói. (Còn tiếp)

Mua vịt giúp đương sự

Lúc còn công tác tại Chi cục THA dân sự TP Tân An, anh Tô Minh Tâm (hiện là Phó Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự huyện Châu Thành) được giao nhiệm vụ tổ chức THA cho một bản án với số tiền án phí chỉ 500.000 đồng. Lần đầu xác minh, đương sự nói chưa có tiền đóng, anh Tâm về. Lần sau, anh cùng tổ vận động xuống thuyết phục. Từ căn chòi lá ọp ẹp, đương sự bước ra vườn, tóm hai con vịt: “Tôi không có tiền, hai con vịt này chú đem về cấn trừ giúp tôi!”.

Trước tình thế “khó đỡ” này, sợ mang tiếng là đi vận động mà cầm vịt của dân, anh Tâm nhờ trưởng ấp tới làm chứng. Đồng thời, anh cùng bốn người trong tổ vận động bỏ ra mỗi người 100.000 đồng mua vịt để đương sự có tiền THA dù thật ra hai con vịt ấy giá chưa tới 500.000 đồng.

“Để THA suôn sẻ, không phải lúc nào cũng đem luật ra căng với đương sự. Mới đây thôi, tôi đến nhà ông H. vận động THA thì gặp ông ấy đang ngồi nhậu với bạn. Ông H. nhận ra tôi liền bảo: “Chú muốn tôi đóng tiền phải không? Chú chào bàn ba ly rồi nói gì thì nói”. Tôi phải nhấp môi và xin phép họ để tiếp tục công việc. Không ngờ nhờ cái nhấp môi ấy mà ông H. kêu người nhà vào trong lấy tiền ra đóng liền. Mừng hết biết!” - anh Tâm kể.

Thay đổi nhận thức

Mô hình tổ vận động bắt đầu từ năm 2005, do nguyên Giám đốc Sở Tư pháp Trương Thành Út tham mưu cho lãnh đạo tỉnh và chủ tịch UBND tỉnh đã ra chỉ thị huy động cả hệ thống các ban ngành cùng tham gia công tác THA dân sự. Chúng tôi gọi vui mô hình này là “bảo bối”. Trong đó, chủ tịch UBND tỉnh sẽ là trưởng Ban chỉ đạo công tác THA dân sự tỉnh. Xuống nữa có chủ tịch UBND huyện, chủ tịch UBND xã chỉ đạo các đoàn thể cùng tham gia công tác THA.

Thời gian đầu cũng gặp khó khăn vì các cấp quan niệm công tác THA là của riêng ngành THA. Nhưng hằng năm chúng tôi đều tổng kết hoạt động, mời các đồng chí trưởng Ban chỉ đạo THA dân sự huyện về dự. Dần dần đã vào nề nếp, thay đổi nhận thức là không chỉ riêng ngành THA mà các cấp cũng phải có trách nhiệm với công tác THA dân sự.

Ông NGUYỄN VĂN GẤU, Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Long An

Nguồn: plo.vn, ngày 6/7/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất