Tinh giản biên chế còn nhiều khó khăn
Ông
Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ , cho hay cả nước sẽ kiên trì chủ
trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm đến năm
2021, về cơ bản không tăng tổng biên chế của bộ, ngành ở trung ương,
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương so với biên chế được giao của năm
2015. Đây được xem là nhiệm vụ then chốt được cụ thể hóa trong kế hoạch
của Chính phủ nhằm thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản
biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo
báo cáo thẩm tra sơ bộ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm
2015, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh không chỉ gây kém hiệu quả mà còn là
gánh nặng của chi ngân sách nhà nước. Tỉ lệ chi thường xuyên trong tổng
chi ngân sách nhà nước lớn (67,7%), trong đó phần chi lương cho bộ máy
chiếm tỉ lệ cao. Công tác cải cách thủ tục hành chính ở nhiều địa
phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự trở thành động lực cho sự phát
triển. Tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ vẫn khá phổ biến; tổ
chức bộ máy còn cồng kềnh, kém hiệu quả; nhiều thủ tục hành chính phiền
hà chưa được loại bỏ, gây bức xúc trong người dân. Còn tình trạng lạm
phát cấp phó của các sở, ngành ở nhiều địa phương. Mặc dù đã có quy định
mỗi sở, ngành không quá 3 cấp phó nhưng hiện nay, một số sở, ngành ở
tỉnh Đắk Lắk có 4 - 5 cấp phó như: Sở Công Thương, Sở Nội vụ… Ở Hà Tĩnh,
tình trạng này cũng khá phổ biến. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn có 6 phó giám đốc, Sở Y tế Hà Tĩnh cũng có tới 5 phó giám đốc,
Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh có 6 người làm phó trưởng ban quản lý
khu kinh tế... Tại Bình Định, nhiều sở có 4 phó giám đốc như Sở Giáo dục
và Đào tạo, Sở Công Thương; 5 phó giám đốc như Sở Tài nguyên và Môi
trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Văn phòng UBND tỉnh cũng
có 5 phó chánh văn phòng (hàm tương đương phó giám đốc sở).
Thứ
trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng quá trình thực hiện quản lý
biên chế sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Đó là sức ép thành lập các tổ chức
mới. Ví dụ như để đáp ứng yêu cầu về giáo dục, chăm sóc sức khỏe cho
người dân, các địa phương vẫn phải thành lập thêm trường học, bệnh viện
và khi có trường học, bệnh viện thì sẽ thêm thầy giáo, thầy thuốc…
“Chúng tôi thấy trong việc tinh giản biên chế và quản lý chặt chẽ biên
chế hiện nay, sức ép từ các cơ quan, đơn vị cũng rất lớn vì vẫn lấy lý
do là phải có người để làm việc” - ông Trần Anh Tuấn nêu.
100% địa phương hoàn thành liên thông văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ
Thực
hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, đến nay, 63 tỉnh, thành
phố, 10 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã hoàn thành
liên thông văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ qua trục liên thông
Chính phủ.
Trong
đó, 10 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã hoàn thành gồm:
Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương; Bộ Xây dựng; Bộ Y tế;
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Ủy ban Dân tộc; Viện Hàn lâm Khoa
học và Công nghệ Việt Nam.
Như
vậy, liên thông văn bản điện tử theo Kế hoạch giai đoạn 1 đã hoàn thành
(30 bộ, ngành, địa phương). Giai đoạn 2 đã có 42 bộ, ngành, địa phương
liên thông văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ, chỉ còn Học viện
Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh là chưa hoàn thành.
Theo
Kế hoạch của Văn phòng Chính phủ, đến 01-8-2016, 15 bộ, cơ quan sẽ hoàn
thành liên thông văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ gồm: Bộ Giao
thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi
trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bảo hiểm xã
hội Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam,
Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ủy ban Giám sát tài chính
Quốc gia.
Việc
liên thông văn bản điện tử sẽ góp phần giảm tỷ lệ sử dụng giấy tờ, giảm
thời gian xử lý công việc, cung cấp công cụ để kiểm tra, giám sát quá
trình thực thi công việc một cách nhanh chóng, hiệu quả, chính xác, góp
phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ
quan quản lý nhà nước.
Thủ tục phức tạp gây khó khăn cho doanh nghiệp
Sáng
16-6, hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035: Phát triển khu vực kinh tế tư
nhân năng động và yêu cầu hiện đại hóa thể chế” đã diễn ra tại TP. Hồ
Chí Minh. Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp
Việt Nam (VCCI), đánh giá nước ta đã ký kết nhiều hiệp định thương mại
tự do, nhưng đến nay kết quả mang lại không như kỳ vọng. Nguyên nhân là
những tồn tại chưa được giải quyết.
Theo
khảo sát của VCCI thì có 70% doanh nghiệp thừa nhận phải hối lộ, còn
theo khảo sát của Ngân hàng thế giới (WB) thì đến 91% doanh nghiệp thừa
nhận phải trả chi phí không chính thức - tỷ lệ cao nhất trên thế giới.
Do vậy, các chuyên gia cho rằng, chính các khoản chi không chính thức đã
cản trở con đường hội nhập của Việt Nam.
TS.
Trần Du Lịch khẳng định Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư của Việt Nam rất
thông thoáng nhưng vì sao doanh nghiệp lại kêu, đó là vì ở con người.
Vì các quy định dưới luật không minh bạch, không rõ ràng nên dễ nảy sinh
tiêu cực. Do vậy, TS. Trần Du Lịch cho rằng cải cách thể chế phải đi
kèm với cải cách con người, đồng thời nâng cao tính minh bạch trong công
vụ. Các đại biểu khác cũng đồng tình và cho rằng chính việc thân quen
trong xử lý hành chính đã làm méo mó hoạt động bộ máy nhà nước. Luật ban
hành là công bằng nhưng khi thực thi thì không đồng nhất. Ông Võ Tân
Thành cũng cho rằng, hiện nay doanh nghiệp phải gánh nặng rủi ro về
chính sách, nặng thủ tục xin cho, phiền hà. Các doanh nghiệp nước ngoài
ngại nhất ở Việt Nam là thủ tục hành chính. Mỗi bộ, ngành áp dụng luật
mỗi kiểu nên nảy sinh… phong bì. Do vậy, cải cách hành chính, giảm thủ
tục, bớt phiền hà, giảm “chi phí ngoài” sẽ có ý nghĩa rất lớn trong sự
phát triển của doanh nghiệp.
Bà
Trần Thị Lan Hương, chuyên gia WB, bổ sung: Cải cách thể chế thì phải
cho dân kiểm soát tham nhũng. Bà nhận định rằng bộ máy hành chính hiện
nay chưa chuyên nghiệp, cơ chế kiểm soát chưa hiệu quả, chưa minh bạch,
trách nhiệm chưa rõ ràng. Theo khảo sát của VCCI thì có 10% doanh nghiệp
cho rằng chính sách không được thực hiện nhất quán ở địa phương.
Ngoài
ra, các chuyên gia cũng đề nghị, cải cách con người phải cải cách ngay
“đầu vào”. Hiện nay, hoạt động tuyển dụng, bổ nhiệm dựa vào quan hệ chứ
không chỉ dựa vào năng lực trình độ. Chính cán bộ yếu kém ảnh hưởng đến
tính chuyên nghiệp của bộ máy nhà nước.
Bí thư Hà Nội nhận trách nhiệm vì hệ thống hành chính kém hiệu quả
Sáng
18-6, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo thành phố
với đại diện Bí thư, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng trên địa
bàn.
Tại
cuộc gặp, nhiều ý kiến tập trung kiến nghị, đề xuất các giải pháp phát
triển thành phố ở các lĩnh vực: phát triển kinh tế tri thức, hình thành
thị trường khoa học - công nghệ; giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh
của kinh tế Thủ đô; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao;
cải cách hành chính;…
Phát
biểu tại cuộc gặp, Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, rất
xúc động vì nhận được khoảng hơn 100 kiến nghị, đề xuất rất nghiêm túc,
sát sườn, thể hiện sự quan tâm đến Hà Nội. “Hà Nội rất may mắn, tự hào
vì có nguồn tài sản trí tuệ rất lớn. Nếu không phát huy được nguồn tài
sản trí tuệ này thì đánh mất đi một cơ hội vô cùng quý giá”, Bí thư Hải
nói.
Về
công tác cải cách hành chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận trách nhiệm
vì hệ thống hành chính kém hiệu quả, “càng xuống dưới thì càng thấy hẹp
lại" và cho biết, sẽ xây dựng hệ thống chính quyền điện tử thân thiện,
minh bạch hiệu quả. “Đây chính là vấn đề ai cũng mong muốn. Như các đồng
chí vừa nói, đến gặp lãnh đạo thì vui vẻ, ông nào cũng thông thoáng
nhưng càng xuống dưới thì càng thấy hẹp lại. Việc này chúng tôi xin nhận
trách nhiệm, nhận lỗi với các đồng chí. Hệ thống hành chính của chúng
tôi chưa có hiệu quả cao, chưa được minh bạch thì trong thời gian tới sẽ
tập trung, phải làm tốt hơn nữa, xứng đáng với mong muốn, với lòng tin
của các đồng chí”, Bí thư chia sẻ.
Lâm Đồng: 80% người dân hài lòng trong việc giải quyết thủ tục hành chính
Báo
cáo Cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2016 tại Lâm Đồng cho biết,
ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã xác định mục tiêu của kế hoạch cải cách thủ
tục hành chính là chuẩn hóa, công bố công khai đầy đủ, kịp thời và tuân
thủ giải quyết đúng quy định; thực hiện tiếp nhận và xử lý kịp thời
100% những phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục hành
chính thuộc thẩm quyền giải quyết; đảm bảo tỷ lệ hài lòng của cá nhân,
tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính trong giải quyết thủ
tục hành chính đạt trên 80%.
Tính
đến đầu tháng 6-2016, Lâm Đồng đã ban hành 11 quyết định công bố thủ
tục hành chính, trong đó có 7 quyết định thủ tục hành chính cấp tỉnh gồm
các lĩnh vực: Tư pháp, lao động, tài chính, tài nguyên và môi trường,
thông tin và truyền thông, ban quản lý khu công nghiệp. Tổng số thủ tục
hành chính đã công bố là 246 thủ tục hành chính thay thế các thủ tục
hành chính đã được UBND tỉnh công bố trước đây gồm 212 thủ tục hành
chính.
Tính
đến nay, số lượng thủ tục hành chính đã được chính quyền địa phương
công bố, công khai thực hiện trên địa bàn tỉnh là 1.754 thủ tục hành
chính, trong đó cấp tỉnh có 1.345 thủ tục. Bộ phận một cửa cấp tỉnh được
bố trí chung tại Trung tâm hành chính tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động
ổn định, giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên
thông cho người dân và doanh nghiệp không để chậm trễ, ách tắc. Cơ chế
một cửa liên thông vẫn tiếp tục triển khai thực hiện tại 20/20 sở, ban,
ngành, 12 huyện, thành phố và 147/147 xã, phường, thị trấn trong toàn
tỉnh.
Nghệ An: Lựa chọn cán bộ có năng lực phục vụ hoạt động một cửa liên thông
Sau
2 năm thực hiện đề án, đến nay đã có 462/480 xã thực hiện cơ chế một
cửa, đạt tỷ lệ 96,25%. Về mô hình một cửa liên thông hiện đại ở cấp
huyện đã triển khai 13 đơn vị. Có 7 sở, ngành đã được phê duyệt để hiện
đại hóa bộ phận 1 cửa trong giai đoạn 2014 - 2015.
Qua
thực hiện cho thấy kết quả xử lý hồ sơ ở 1 bộ phận 1 cửa có nhiều
chuyển biến tích cực. Năm 2014, kết quả xử lý hồ sơ đúng hẹn ở cấp tỉnh
đạt 99,76%, và cấp huyện là 99,37%; năm 2015 cấp tỉnh là 99,98% và cấp
huyện là 99,40%.
Cơ
chế vận hành và quy chế hoạt động được đánh giá cao về trình tự, thủ
tục cũng như việc rút ngắn thời gian xử lý so với các quy định của pháp
luật liên quan, đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính hiện nay.
Tuy
nhiên vẫn còn một số tồn tại đó là cơ chế một cửa ở một số sở ngành,
địa phương còn hình thức. Sự phối hợp trong thực hiện cơ chế một cửa
liên thông ở một số lĩnh vực chưa chặt chẽ nên hiệu quả chưa cao. Vẫn
còn tình trạng tiếp nhận hồ sơ một nơi, lấy kết quả ở nhiều nơi gây tùy
tiện và trái quy định.
Sau
khi nghe các ý kiến phát biểu của các sở ngành, đồng chí Lê Xuân Đại -
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kết luận: Việc thực hiện cơ chế một
cửa, một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh chưa đạt yêu cầu; bộ phận báo
cáo cần cập nhật lại các số liệu để phản ánh đúng thực trạng của mô hình
một cửa và một cửa liên thông. Tiến tới cần phải xây dựng mô hình một
cửa, một cửa liên thông hiện đại, hướng tới mục tiêu giảm phiền hà cho
người dân và doanh nghiệp. Phải xem người dân và doanh nghiệp là đối
tượng được phục vụ; giảm các chi phí không chính thức có vậy mới cải
thiện được chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) và PAPI (chỉ
số hài lòng người dân) - PAR-INDEX (chỉ số cải cách hành chính).
Để
thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông có hiệu quả cần ý chí
quyết tâm của người lãnh đạo; lựa chọn cán bộ trực cơ chế một cửa có
năng lực chuyên môn nghiệp vụ; quan tâm công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho
cán bộ trực một cửa; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong
điều hành quản lý; tạo sự đồng bộ, thống nhất trong ứng dụng công nghệ
thông tin có sự kết nối giữa các sở, ngành./.
Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 20/6/2016