Thứ Sáu, 3/5/2024
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 30-5 đến ngày 05-6-2016

Tập trung giải quyết điểm nghẽn thể chế

Ngày 01-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 với nội dung chủ yếu là công tác xây dựng pháp luật.

Tại phiên họp, Thủ tướng khẳng định quyết tâm giải quyết các điểm nghẽn về thể chế. Nhắc đi nhắc lại cụm từ “thể chế”, Thủ tướng nhìn nhận nợ đọng thể chế là nút thắt quan trọng, là khâu đột phá đã được xác định. Phát triển hay kìm hãm chính là do thể chế. Xử lý từng vụ việc cụ thể rất quan trọng nhưng phải dành thời gian nhiều hơn nữa cho công tác thể chế.

Báo cáo về tình hình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tình hình rất đáng lo ngại. Tính đến ngày 31-5, Chính phủ cần phải ban hành 51 văn bản hướng dẫn nhưng mới ban hành được 14, còn nợ 37 văn bản (trong đó, 11 văn bản đã xây dựng xong dự thảo và đang trong quy trình xử lý, còn lại là chưa trình). Ngoài ra, còn 91 thông tư và 13 thông tư liên tịch chưa ban hành. Tuy nhiên, các vấn đề liên tịch thuộc thẩm quyền của nhiều bộ và phải được ban hành trong nghị định của Chính phủ, tức là tăng thêm 13 dự thảo nghị định cần xây dựng, ban hành.

Về các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết cần ban hành 49 nghị định. Trong đó, tới ngày 31-5 đã trình Chính phủ 35 nghị định, chưa trình 14 nghị định (trong đó, đã thẩm định 10 dự thảo nghị định và chưa thẩm định 4 dự thảo).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi vì sao chúng ta vẫn chưa phát triển mạnh và cho rằng nguyên nhân rất quan trọng là ở cải cách hành chính, bộ máy, thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Chúng ta chưa tạo môi trường tốt cho sự phát triển. Cái chính là pháp luật còn ràng buộc, tính minh bạch còn hạn chế, rồi đạo đức công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, bộ máy cán bộ, công chức… còn phải đổi mới nhiều hơn.

Thủ tướng nhắc lại yêu cầu tất cả nghị định về điều kiện kinh doanh phải được ban hành trước thời điểm 01-7, không để khoảng trống pháp luật. Đồng thời, phải bảo đảm chất lượng các văn bản này và bảo đảm công khai, minh bạch, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động. Quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, người dân và doanh nghiệp đọc là hiểu ngay; đơn giản hóa tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm theo tinh thần hậu kiểm là chính; tăng cường giao dịch qua mạng để tạo thuận lợi cho phát triển, chống tiêu cực, nhũng nhiễu. “Tăng cường trách nhiệm cá nhân của các bộ trưởng ký ban hành thông tư, của Thủ tướng ký ban hành nghị định, không còn tình trạng “cha chung không ai khóc” - Thủ tướng lưu ý.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng phần lớn các dự thảo nghị định về điều kiện kinh doanh mới chỉ “nâng cấp” một cách cơ học từ thông tư mà chưa bãi bỏ các điều kiện không còn phù hợp, chưa làm rõ những điều kiện còn chưa cụ thể, chưa rõ ràng, tức là chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ. Do đó, sau ngày 01-7, phải tiếp tục rà soát lại các điều kiện kinh doanh theo tinh thần đổi mới của Chính phủ.

Soạn thảo 27 văn bản quy định chi tiết thi hành 7 luật

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành các luật được thông qua tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã phân công 9 bộ chủ trì soạn thảo 25 nghị định và 2 quyết định để quy định chi tiết thi hành 7 luật: Luật Trẻ em; Luật Tiếp cận thông tin; Luật Báo chí; Luật Điều ước quốc tế; Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Trong đó, để quy định chi tiết Luật Trẻ em sẽ có hiệu lực từ 01-6-2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em; Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao chủ trì soạn thảo Nghị định của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ soạn thảo Nghị định quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, Nghị định quy định về lưu chiểu điện tử đối với báo nói, báo hình và báo điện tử độc lập với cơ quan báo chí. 2 Nghị định này nhằm quy định chi tiết Luật Báo chí sẽ có hiệu lực từ ngày 01-01-2017.

Để hướng dẫn chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ 01-7-2016, Bộ Tài chính sẽ chủ trì soạn thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định về thuế. Bộ Tài chính phải trình dự thảo Nghị định này trước ngày 15-6-2016.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng được giao chủ trì soạn thảo 14 Nghị định quy định chi tiết Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sẽ có hiệu lực từ 01-9-2016 gồm: Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Nghị định về kinh doanh hàng miễn thuế; Nghị định quy định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan...

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ chủ trì soạn thảo phải trực tiếp chỉ đạo việc nghiên cứu, soạn thảo các văn bản, bảo đảm chất lượng và tiến độ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp với các cơ quan có liên quan chủ động nghiên cứu xây dựng, ban hành các thông tư quy định chi tiết thi hành các vấn đề được luật giao, bảo đảm chất lượng, tiến độ, để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật.

Hà Nội cần đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước

Ngày 04-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển” do UBND TP. Hà Nội tổ chức.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội cần đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước. Chính quyền thành phố phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chấp nhận cái mới, có nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Hà Nội thay vì phải thành lập ở nước ngoài để thoát khỏi gánh nặng thủ tục hành chính của chúng ta.

Về việc xây dựng chính quyền điện tử, Hà Nội cần lưu ý áp dụng tối đa công nghệ thông tin vào phục vụ doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính cũng như xây dựng hệ thống quản lý thông tin để lãnh đạo thành phố có thể theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời, đảm bảo thực hiện nghiêm túc các cam kết với doanh nghiệp, người dân.

Cần tạo được động lực để từng đơn vị, từng cán bộ phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; chẳng hạn: i) thí điểm áp dụng chương trình chấm điểm của người dân và doanh nghiệp ở một số cơ quan, quận, huyện trên địa bàn thành phố; ii) có cơ chế ghi nhận, khuyến khích kịp thời, thích đáng với các cơ quan, cán bộ làm tốt, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Thủ tướng lưu ý, việc xây dựng năng lực hệ thống, tạo được động lực làm việc chính là nền tảng quan trọng để thực hiện sự đổi mới, cải cách kinh tế- xã hội và kết quả mới bền vững, lâu dài.

Ngành Tài chính: Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

Bộ Tài chính vừa ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28-4-2016 của Chính phủ. Mục tiêu đặt ra là thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp cải cách hành chính mà trọng tâm là: tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan, rút ngắn quy trình xử lý, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước; giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước; cải cách toàn diện quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Mục tiêu cụ thể, đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế bao gồm cả 03 nhóm chỉ tiêu: hoàn thuế; quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế. Rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu và 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu.

Bên cạnh đó bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, bảo đảm hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính. Giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế để phát triển thị trường tài chính, dịch vụ tài chính tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp và người dân. Bảo đảm chỉ số mức độ sẵn có và đầy đủ dịch vụ tài chính thuộc nhóm 50 nước đứng đầu.

Phối hợp hạn chế rào cản phi thuế quan thuộc nhóm 40 nước đứng đầu. Mục tiêu đến năm 2020, thời gian nộp thuế tối đa là 110 giờ/năm; thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu.

Lĩnh vực hải quan với 04 nhóm nhiệm vụ với 39 giải pháp gắn với các sản phẩm đầu ra như: Đổi mới phương pháp kiểm tra chuyên ngành theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, giảm chi phí, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Hoàn thiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; Thực hiện thanh toán điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia; Triển khai mở rộng toàn quốc các thủ tục đối với phương tiện, hàng hóa vận tải vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi; các thủ tục đối với phương tiện vận tải vào, rời cảng hàng không thông qua Cơ chế một cửa quốc gia...

Triển khai cung cấp 49 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong năm 2016. Đến cuối năm 2017, bảo đảm 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3 và 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Lĩnh vực thuế có 07 nhiệm vụ với 21 giải pháp. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin tối thiểu đạt 95% trong nộp tờ khai, nộp thuế. Trong năm 2016- 2017 bảo đảm 95% doanh nghiệp thực hiện kê khai, nộp thuế đạt cấp độ 4; thực hiện điện tử hóa từ Tổng cục Thuế xuống chi cục thuế; cán bộ, công chức thuế tác nghiệp theo hướng chuyển từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử.

Bên cạnh đó thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong hoàn thuế điện tử; Công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra. Nghiên cứu thực hiện thí điểm giao dịch thuế điện tử đối với hoạt động đăng ký xe ô tô, xe gắn máy.

Hà Nội: Quy định điều kiện Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại

UBND TP. Hà Nội ban hành Công văn số 2956/UBND-NC ngày 20-5-2016 về việc xây dựng, hoàn thiện Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Theo đó, ngoài việc số hóa các quy trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, 100% thủ tục hành chính phải quy định rõ trách nhiệm cá nhân giải quyết.

Công văn số 2956 đưa ra tiêu chí của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại. Yêu cầu đầu tiên là phải đủ điều kiện về địa điểm, cơ sở vật chất, trang thiết bị và diện tích theo quy định tại Quyết định số 07/2016/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội theo lộ trình hợp lý. Hạ tầng công nghệ thông tin, các thiết bị và phần mềm "một cửa" điện tử thông suốt, hiệu quả, rõ ràng, tiện lợi, có tính tự động cao và bảo đảm quản lý được toàn bộ hoạt động tiếp nhận, chuyển, xử lý hồ sơ, trả kết quả giải quyết; in được phiếu hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả, phiếu kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ; chuẩn hóa mã số hồ sơ hành chính, đưa mã số hồ sơ (mã vạch) vào quản lý một cách khoa học, tăng hiệu quả trong công tác theo dõi quá trình xử lý hồ sơ, tìm kiếm, tra cứu trạng thái và kết quả giải quyết. Đồng thời, tích hợp chữ ký số trong quá trình giải quyết hồ sơ; sẵn sàng kết nối đến các ứng dụng, dịch vụ công do thành phố triển khai; đủ điều kiện để áp dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4...
UBND thành phố cũng yêu cầu công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại phải có chuyên môn nghiệp vụ phù hợp, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao, tác phong, thái độ chuẩn mực, khả năng giao tiếp tốt. Tại bộ phận, không có hồ sơ giải quyết quá thời hạn quy định; 100% các thủ tục hành chính ban hành quy trình giải quyết rõ người, rõ việc, rõ thời gian và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quản lý ISO, từng bước triển khai ISO điện tử. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt tỷ lệ theo lộ trình của thành phố. Mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị đạt từ 90% trở lên…

Để xây dựng được Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại theo yêu cầu của UBND thành phố cần sự chú trọng triển khai đồng bộ của các cơ quan hành chính các cấp, nhất là người đứng đầu. Bên cạnh đó, việc kiểm tra là một kênh không thể lơ là để cơ quan quản lý tiếp nhận thông tin, chỉ đạo khắc phục ngay những yếu kém còn tồn tại.

Thừa Thiên Huế tìm giải pháp nâng cao chỉ số PCI

Ngày 31-5, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội nghị Năng cao nâng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 nhằm đưa ra các giải pháp để cải thiện về chất lượng quản lý, điều hành và môi trường kinh doanh của tỉnh trong thời gian tới.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến, kiến nghị, đề xuất mong được tháo gỡ như: Cơ chế một cửa cần có đội ngũ cán bộ có đức, tài và có kinh nghiệm để hướng dẫn nhà đầu tư thuận lợi; cần xem lại môi trường đầu tư “tại sao doanh nghiệp tìm đến Thừa Thiên Huế đầu tư và lý do nào họ lại ra đi”; công khai các chính sách về giải phóng, đền bù, cơ sở hạ tầng và các số liệu, dữ liệu của tỉnh cần có đầu mối để doanh nghiệp có số liệu chuẩn xác; nên hỗ trợ mạnh những nhà đầu tư tiên phong, có hiệu quả...

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2016, Thừa Thiên Huế lựa chọn là Năm doanh nghiệp, vì vậy mục tiêu đưa ra là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường tính minh bạch, tạo những điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp giảm chi phí gia nhập thị trường…

Chủ tịch Nguyễn Văn Cao chia sẻ: Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, để rút ngắn thời gian cũng như công khai minh bạch chỉ tiêu, đất đai, thông tin dự án cho doanh nghiệp. Tăng cường dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 tiến tới mức 5 và mở chuyên mục góp ý nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trên Công thông tin điện tử tỉnh. Về lâu dài sẽ sắp xếp lại các đơn vị xúc tiến đầu tư ở các sở, ngành để giảm đầu mối, tiến tới thành lập Trung tâm hành chính công và Trung tâm hành chỉnh một cửa cấp tỉnh./.

Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 6/6/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi