Thứ Sáu, 29/11/2024
Đồng Tháp: Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ cơ sở là động lực để phát triển kinh tế - xã hội

 Người dân phát huy quyền làm chủ thông qua việc bỏ phiếu bầu cử

Thực hiện chủ trương này, những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ĐồngThaps quan tâm lãnh đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở. Việc triển khai, quán triệt thực hiện QCDC ở các cấp trong tỉnh được tiến hành từ trong nội bộ cán bộ, đảng viên đến quần chúng nhân dân. Xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở cũng đã góp phần làm cho dân chủ được mở rộng, ý thức tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân được nâng lên, lề lối làm việc và vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền các cấp có chuyển biến tích cực, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể, hội quần chúng phát huy được vai trò nòng cốt, giải quyết kịp thời tình hình đời sống, tâm tư, nguyện vọng, tạo đồng thuận trong nhân dân.

Đặc biệt, phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” từng bước được thể chế hóa trong các lĩnh vực đời sống xã hội; công tác giám sát của MTTQ và các đoàn thể đối với việc thực hiện QCDC ở cơ sở được chú trọng và đạt nhiều kết quả khích lệ; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Nổi bật là việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp, các cơ quan, doanh nghiệp. Đồng thời củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; mối quan hệ giữa đảng viên và quần chúng. Vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ được phát huy hiệu quả, huy động nguồn lực xã hội thực hiện các chủ trương lớn của tỉnh.

Bên cạnh đó, thực hiện QCDC ở cơ sở đã tăng cường công tác đối thoại, mở rộng dân chủ ở tất cả các cấp. Cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể gắn kết việc thực hiện QCDC vào các chương trình, dự án; tăng cường tổ chức các buổi đối thoại, lắng nghe ý kiến và giải đáp thắc mắc của nhân dân trên địa bàn; thực hiện có hiệu quả hệ thống điện tử đo lường sự hài lòng của người dân, Chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) theo phương châm cán bộ công chức thực hiện 6 biết: “Biết chào, biết cười, biết lắng nghe, biết hướng dẫn, biết cám ơn, biết xin lỗi”. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện QCDC trên tinh thần “Trách nhiệm, đồng thuận, hành động” thu hút được sự đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng nông thôn của địa phương.

Những nội dung công khai cho dân biết, những việc nhân dân tham gia ý kiến, những nội dung để dân giám sát, kiểm tra được UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc, dân chủ công khai, tạo điều kiện để nhân dân phát huy quyền làm chủ của mình, đưa ra nhân dân bàn bạc trước khi quyết định, nhất là những công việc quan trọng gắn liền với lợi ích và trách nhiệm của người dân. Qua đó, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc tích cực tham gia đóng góp, cùng với Nhà nước xây dựng kết cấu hạ tầng, giao thông nông thôn; tỷ lệ đóng góp trong dân chiếm từ 50 - 60%, có nơi 100% giá trị công trình.

Việc thực hiện QCDC ở cơ sở trong doanh nghiệp đã tạo sự chuyển biến về sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, điều hành của giám đốc và vai trò nòng cốt của các đoàn thể, Ban thanh tra nhân dân; giải quyết hài hòa giữa nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động, từ đó khơi dậy tiềm năng của cán bộ, nhân viên và người lao động, tạo sự gắn bó trách nhiệm giữa giám đốc và người lao động trong củng cố, xây dựng phát triển doanh nghiệp. Bên cạnh kết quả đạt được, việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thời gian qua cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định.

Theo đồng chí Nguyễn Tôn Hoàng - Phó Bí Thư thường trực Tỉnh ủy: “Những kết quả trong việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn tỉnh còn chưa đồng đều và vững chắc. Nhiều nơi quy chế đã xây dựng còn rập khuôn, máy móc, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra, khó tổ chức thực hiện. Đâu đó vẫn còn những biểu hiện quan liêu, tiêu cực chưa được phát hiện và đấu tranh ngăn chặn, khắc phục kịp thời, làm giảm lòng tin trong nhân dân, dẫn đến một số vụ khiếu kiện kéo dài hoặc vượt cấp; một số đơn vị, cơ quan doanh nghiệp thực hiện QCDC chưa tốt, tình trạng mất đoàn kết nội bộ còn xảy ra, quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chưa thật sự phát huy”.

Chính vì thế, đồng chí Nguyễn Tôn Hoàng yêu cầu trong thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp cần phải đẩy mạnh thực hiện QCDC ở cơ sở, xem việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở là động lực để phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương, là nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị. Phải thực hiện QCDC một cách đồng bộ, đi vào chiều sâu ở tất cả các loại hình cơ sở, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân.

Nguồn: baodongthap.com.vn, Kim Ngân, 30/5/2016


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất