Thứ Sáu, 29/11/2024
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 02 đến 08-5-2016

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên sau khi kiện toàn, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, trong đó có nhiều giải pháp như cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp…

Dự thảo Nghị quyết nêu rõ một số nguyên tắc như: Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm; tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như: vốn, tài nguyên, đất đai… và cơ hội kinh doanh; Nhà nước có chính sách hỗ trợ đặc thù để phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp; các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành và thực thi chính sách phải bảo đảm mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm…

Để thực hiện mục tiêu trên, dự thảo đề xuất 5 giải pháp sau: 1- Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; 2- Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; 3- Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; 4- Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; 5- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức đối thoại công khai thường kỳ ít nhất 2 lần/năm với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn; thành lập và công khai đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố để lắng nghe phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát các quy định về đất đai theo hướng điều chỉnh tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của doanh nghiệp để bảo đảm tính cạnh tranh, ổn định, dễ áp dụng và thực hiện; rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT hiện nay, đánh giá và đề xuất mức điều chỉnh hợp lý để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện rà soát, điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động; rà soát, điều chỉnh chế độ bảo hiểm xã hội hợp lý, hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội, để doanh nghiệp thích ứng, điều chỉnh chi phí quản lý, sử dụng lao động.

Bộ Giao thông vận tải rà soát, đánh giá chi phí lưu kho, lưu công, lưu bãi, bốc xếp, cước phí vận tải biển… và đề xuất phương án điều chỉnh để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thống kê, tổng hợp các chi phí chính thức, không chính thức đối với doanh nghiệp, so sánh với các doanh nghiệp trong khu vực, quốc tế và đề xuất giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc trong cấp “sổ đỏ”

Trước những phản ánh của người dân và doanh nghiệp liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà yêu cầu lập ngay tổ công tác để giải quyết vấn đề này.

Tổ công tác này có nhiệm vụ nắm bắt tình hình thực tiễn, hướng dẫn, giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn. Trên cơ sở kết quả giải quyết ở một số địa phương trình Bộ trưởng văn bản hướng dẫn chung để cả nước giải quyết thống nhất đối với các trường hợp tương tự.

Những vấn đề vướng mắc do chính sách, pháp luật, tổ công tác có nhiệm vụ báo cáo Bộ trưởng để sửa đổi, bổ sung các quy định theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Tổ công tác cũng có nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật của các cơ quan, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất ở.

Tổng cục Quản lý đất đai đang xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, cử người tham gia Tổ công tác và sẽ triển khai ở một số đô thị lớn bắt đầu từ ngày 09-5. Sau đó, tổ công tác sẽ tiếp tục triển khai ở các địa phương mà tổ chức, doanh nghiệp và người dân đã có nhiều phản ánh về vướng mắc.

Cải cách thủ tục hành chính thuế: Mục tiêu đạt mức ASEAN-4 trong năm 2016

Bên cạnh việc rà soát, đơn giản hóa các văn bản pháp luật, ngành Thuế sẽ đánh giá lại tình hình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế, công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, phấn đấu đến hết năm 2016 đạt mức ASEAN-4 về cải cách hành chính thuế.

Tổng cục Thuế đã chủ động nghiên cứu phương pháp đánh giá các tiêu chí mở rộng về chỉ số nộp thuế của Ngân hàng Thế giới đối với các thủ tục hành chính sau kê khai (hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại về thuế); đồng thời rà soát các văn bản pháp quy, quy trình nghiệp vụ và thủ tục hành chính thuế trong đó tập trung rà soát, khảo sát và đánh giá lại tình hình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế, công tác giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp, để năm 2016 phấn đấu đạt mức ASEAN-4 về cải cách hành chính thuế.

Tổng cục Thuế cũng đang tiếp tục triển khai các ứng dụng về công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu chính sách thuế mới, quy trình quản lý thuế mới và đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, giảm số giờ tuân thủ về thuế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; triển khai rộng và duy trì hệ thống ứng dụng quản lý thuế xử lý tập trung (TMS); mở rộng khai thuế qua mạng cho các doanh nghiệp, tính đến tháng 4-2016, số doanh nghiệp đăng ký khai qua mạng là trên 518.000, đạt hơn 99% số đang hoạt động.

Tổng cục Thuế tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thương mại và 63 cục thuế triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử, tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ, kết quả. Tính đến hết tháng 4-2016 đã có trên 495.000 doanh nghiệp đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ và có trên 473.000 doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng dịch vụ với ngân hàng thương mại.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí cho biết, hiện Tổng cục Thuế đang hoàn thiện Quy trình hoàn thuế điện tử, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai đề án hoàn thuế điện tử, phấn đấu hết năm 2016 thực hiện hoàn thuế điện tử ở cấp độ 4 (tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế và trả kết quả hoàn thuế bằng phương thức điện tử qua mạng) tối thiểu đạt 95%.

29 đơn vị hoàn thành liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ

Theo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ, tính đến ngày 03-5 đã có 29 bộ, ngành, địa phương liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên thực hiện việc liên thông này.

Thực hiện Kế hoạch của Văn phòng Chính phủ, giai đoạn 1 từ ngày 25-3 – 30-4-2016 đã có 21 bộ, ngành, địa phương liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ. Cụ thể, gồm 4 bộ: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Xây dựng và 17 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai, Tiền Giang, Hải Dương, Cà Mau, Long An, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Tháp, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Nam Định, Hà Giang, Bắc Ninh và Đắk Nông.

Như vậy, so với kế hoạch của Văn phòng Chính phủ, giai đoạn 1 còn 9 bộ, ngành, địa phương chưa liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử với 9 bộ, ngành, địa phương chưa liên thông của giai đoạn 1 và 42 bộ, ngành, địa phương của giai đoạn 2 từ ngày 01-5 – 30-5-2016.

Tính đến ngày 03-5, giai đoạn 2 đã có 7 tỉnh, thành phố liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử gồm: Cần Thơ, Hưng Yên, Tuyên Quang, Cao Bằng, Quảng Trị, Bạc Liêu và Lào Cai.

Công tác ban hành văn bản chi tiết còn chậm

Bộ Tư pháp cho biết, số lượng văn bản nợ ban hành đã giảm 31 văn bản so với cùng kỳ năm 2015 (66 văn bản). Tuy nhiên, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn còn rất chậm, với 6 văn bản được ban hành trong tháng 4-2016 chỉ đạt ½ số bình quân hằng tháng của năm 2015.

Trong tháng 4-2016, các bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 197 văn bản, gồm 40 văn bản nợ ban hành (8 nghị định, 24 thông tư, 8 thông tư liên tịch) quy định chi tiết 16 luật đã có hiệu lực và 157 văn bản (62 nghị định, 5 quyết định, 83 thông tư, 7 thông tư liên tịch) quy định chi tiết 18 luật, sẽ có hiệu lực hoặc nội dung giao quy định chi tiết sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.

Kết quả tính đến ngày 29-4-2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 6/197 văn bản. Cụ thể, đối với 40 văn bản nợ ban hành, đã ban hành 5/40 văn bản, còn 35/40 văn bản nợ chưa ban hành. Trong số 35 văn bản nợ ban hành, có tới 22 văn bản vẫn đang ở giai đoạn soạn thảo; chỉ có 5 văn bản đã được thẩm định và 8 văn bản đã được trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.

Đối với 157 văn bản quy định chi tiết 18 luật sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, hiện mới ban hành được 1/157 văn bản (1 nghị định). Còn lại 156/157 văn bản đang được nghiên cứu, xây dựng, trong đó có tới 114/156 văn bản quy định chi tiết 12 luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01-7-2016, nhưng đến nay mới có 7/114 văn bản được trình cấp có thẩm quyền xem xét để ban hành, còn 107/114 văn bản vẫn đang trong quá trình soạn thảo hoặc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định.

Bộ Tư pháp cho biết, nhiệm vụ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết trong tháng 5 và những tháng tiếp theo của năm 2016 là rất nặng, trong đó có 35 văn bản nợ ban hành và 114 văn bản quy định chi tiết các luật có hiệu lực kể từ ngày 01-7-2016; đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ chỉnh lý, hoàn thiện để ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 35 văn bản đang trong tình trạng nợ ban hành, đồng thời, sớm hoàn thành các quy trình xây dựng, trình ban hành theo đúng kế hoạch 114 văn bản quy định chi tiết các luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01-7-2016; khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành 7 luật được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 11; đồng thời, rà soát lập đề nghị xây dựng văn bản quy định chi tiết gửi về Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và theo dõi chung.

Cà Mau: Cải cách để phục vụ nhân dân

Năm 2016 - 2017, Cà Mau chủ trương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đồng thời xem đây nhiệm vụ trọng tâm góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững và phục vụ tốt nhu cầu của người dân; ban hành và triển khai Đề án Đẩy mạnh cải cách hành chính tỉnh năm 2016 - 2017. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết mục tiêu của đề án là phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Trong quý 1-2016, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành 20 quyết định công bố thủ tục hành chính trên địa bàn. Trong đó, có tới 67 thủ tục thuộc thẩm quyền quy định của UBND tỉnh nhưng gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp bị bãi bỏ, hủy bỏ. Nhờ vậy tỉnh đã thực hiện xong việc công bố 1.672 thủ tục hành chính ở các cấp, được đăng tải trên cơ sở dữ liệu quốc gia và trên cổng thông tin điện tử tỉnh, đạt 100%. Nhiều sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố cũng rà soát, cắt giảm từ 20 - 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền.

Ngoài việc tinh gọn, đơn giản, chỉ đạo của tỉnh phải rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, nếu đơn vị nào không cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính thì phải giải trình rõ lý do với UBND tỉnh.

Hầu hết các thủ tục hành chính từ tỉnh đến cơ sở được cung cấp trực tuyến ở mức độ 2 trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện, thành phố. Chỉ riêng Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau, hiện có tới 15 thủ tục hành chính thông qua phần mềm một cửa, một cửa liên thông (tạm gọi một cửa điện tử) cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3. Ngay khi một cửa điện tử được triển khai, người dân, doanh nghiệp… có thể nộp và nhận kết quả thủ tục hành chính qua email hoặc trực tiếp tại nhà qua dịch vụ bưu chính nhằm rút ngắn thời gian, chi phí.

Tháng 3-2016, UBND tỉnh Cà Mau công bố điện thoại đường dây nóng qua đầu số 0780.3871212. “Thông qua đường dây nóng, lãnh đạo tỉnh muốn người dân góp sức giám sát việc cải cách hành chính cả về thái độ phục vụ, ứng xử của cán bộ, công chức… trong thực thi công vụ. Qua phản ảnh, nếu phát hiện cán bộ, công chức nào gây phiền hà, nhũng nhiễu dân, chúng tôi cương quyết xử lý nghiêm để làm gương. Còn những cán bộ được phản ảnh làm tốt thì chúng tôi kịp thời biểu dương, khen thưởng”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải khẳng định./.

Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 9/5/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất