Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”
Sáng
22/4, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo nhằm thông tin
tới báo chí về Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 sẽ diễn ra
vào 29-4 tới tại TP. Hồ Chí Minh với tên gọi “Doanh nghiệp Việt Nam -
Động lực phát triển kinh tế của đất nước”.
Mục
tiêu của hội nghị nhằm thực hiện thông điệp của Thủ tướng Chính phủ:
Doanh nghiệp là một động lực của phát triển kinh tế, Chính phủ tạo điều
kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển
của doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng. Các nội dung đề ra là đẩy
mạnh cải cách thể chế nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh
nghiệp; tập trung xử lý, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, giải
quyết hiệu quả các kiến nghị của doanh nghiệp.
Về
mặt hình thức, hội nghị sẽ được tổ chức trực tiếp và trực tuyến. Trực
tiếp tại Hội trường Thống nhất TP. Hồ Chí Minh với khoảng 500 đại biểu
tham dự và trực tuyến với 62 điểm cầu của 62 tỉnh, thành phố còn lại.
Tham gia ở các điểm cầu là lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp với số
lượng từ 50-100 đại biểu ở mỗi điểm cầu.
Thủ
tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì hội nghị, cùng dự có Phó
Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo của
các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp…
Chương
trình hội nghị có các nội dung: Lãnh đạo Phòng Thương mại và Công
nghiệp Việt Nam (VCCI) báo cáo về tình hình doanh nghiệp, hiến kế tạo
môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và minh bạch, kiến nghị giải
quyết những khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp
trực tiếp tham dự Hội nghị cũng như ở các điểm cầu sẽ phát biểu ý kiến,
hiến kế, kiến nghị giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Các bộ, ngành,
UBND các tỉnh, thành phố giải đáp, trao đổi, trả lời những vấn đề mà
doanh nghiệp nêu lên. Thủ tướng Chính phủ sẽ chứng kiến Chủ tịch UBND
TP. Hà Nội và Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh ký cam kết với VCCI về tạo
môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Bên
cạnh đó, Thủ tướng cũng sẽ có cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương để
xử lý các kiến nghị chưa được giải quyết tại hội nghị. Bên cạnh những ý
kiến, hiến kế, kiến nghị, xử lý khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp,
sau hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết chuyên đề về doanh
nghiệp với tên gọi Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trở thành
thành động lực phát triển kinh tế của đất nước. Nghị quyết này sẽ được
trình Chính phủ thảo luận và thông qua vào đầu tháng 5.
5 năm: Đào tạo hơn 3 triệu lượt cán bộ, công chức
Trong
2 ngày 21 và 22/4, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tổng kết
5 năm thực hiện Quyết định 1347/QĐ-TTg và triển khai Quyết định
163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Báo
cáo cho biết, 5 năm qua, cả nước đã đào tạo, bồi dưỡng hơn 3.230.000
lượt cán bộ, công chức. Trong đó, gần 900.000 lượt người thuộc khối bộ,
ngành, còn lại thuộc các tỉnh, thành phố. Giai đoạn 2011-2016, số lượt
cán bộ, công chức được bồi dưỡng, đào tạo của các tỉnh, thành phố chiếm
khoảng 72% so với tổng số và tăng hơn 42% so với giai đoạn 2006-2010. Từ
kết quả trên cho thấy nhận thức của các cấp, các ngành ở địa phương về
công tác cán bộ có nhiều thay đổi tích cực.
Trong
5 năm đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài hơn 43.000 lượt cán bộ,
công chức. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cũng cử gần 15.000 số
lượt giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đi đào tạo, bồi dưỡng ở
nước ngoài…
Mặc
dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực song chương trình vẫn còn nhiều
hạn chế như: Số lượng đào tạo nhiều, có xu hướng tăng qua các giai đoạn,
nhưng năng lực của đội ngũ này chưa thực sự đáp ứng nhu cầu cải cách
hành chính, chưa tạo cơ sở để tạo nền hành chính chuyên nghiệp, nâng cao
chất lượng phục vụ nhân dân, quản lý nhà nước và hội nhập quốc tế.
Mục
tiêu giai đoạn 2016-2025 là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và
hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công
chức, viên chức chuyên nghiệp, có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực,
đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước và
hội nhập quốc tế.
Để
thực hiện mục tiêu này, cần nâng cao nhận thức, vai trò, nhiệm vụ của
hoạt động đào tạo, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng
cán bộ, công chức trong việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi
dưỡng; xây dựng hệ thống thể chế đồng bộ, khoa học; sắp xếp nâng cao
năng lực, chất lượng các cơ sở, hệ thống đào tạo; biên soạn mới, nâng
cao chất lượng chương trình bồi dưỡng; nâng cao năng lực công tác quản
lý đào tạo, bồi dưỡng…
Thủ tướng gợi ý 3 định hướng phát triển cho Lai Châu
Ngày
23/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành, cùng khoảng
400 đại biểu là nhà các đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các
chuyên gia kinh tế, các tổ chức thương mại quốc tế đã dự Hội nghị xúc
tiến đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu lần thứ nhất.
Phát
biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương nỗ lực của
lãnh đạo và đồng bào Lai Châu thời gian qua đã góp phần tạo nên diện mạo
mới cho tỉnh địa đầu phía Tây Bắc của Tổ quốc.
Nhận định Lai Châu có tiềm năng lớn để phát triển, Thủ tướng nêu 3 định hướng đối với tỉnh: Trước hết,
Lai Châu phải tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tốt hơn, tạo môi
trường đầu tư thông thoáng, cởi mở. “Không để tình trạng như người ta
nói là trên trải thảm đỏ nhưng dưới có đinh”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Coi
lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích của tỉnh mình, đất nước mình”.
Thứ hai,
phải đẩy mạnh quan hệ hợp tác với nước bạn, xây dựng đường biên giới
hòa bình, hữu nghị, tạo điều kiện mở ra thị trường tiêu thụ lớn hơn cho
sản phẩm hàng hóa.
Thứ ba,
phải quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân, giữ
gìn bản sắc văn hóa. “Không để phát triển lệch pha giữa tăng trưởng kinh
tế và an sinh xã hội”, Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cũng cho biết, Trung ương sẽ quan tâm, làm nhiều việc cho các tỉnh nghèo như Lai Châu.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: 7.000 giấy phép con đang “hành” doanh nghiệp
Tại
cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ, ngày 22/4 mới đây, Chủ tịch Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết, hiện có 7.000
giấy phép con đang “hành” doanh nghiệp, một nửa trong số đó không còn
căn cứ pháp lý để tồn tại. “Trong 7.000 giấy phép con này, tôi chắc chắn
sẽ còn nhiều điều kiện không hợp lý, nên cần phải rà soát thường xuyên
và làm tích cực trong thời gian tới” - Chủ tịch VCCI nói.
Ông
Lộc cũng khẳng định, những điều kiện kinh doanh trong các văn bản cấp
Thông tư trở xuống sẽ hết hiệu lực từ ngày 01-7 tới (thời điểm Luật Đầu
tư có hiệu lực).
“Hiện
nay môi trường kinh doanh của chúng ta chưa thuận lợi, kém thân thiện
mà còn thiếu an toàn. Trong đó, yếu tố an toàn là đặc biệt quan trọng
đối với các nhà đầu tư, doanh nhân, người dân...” - ông Lộc nói và khẳng
định, niềm tin của doanh nhân phải được đảm bảo bởi tính an toàn của
môi trường kinh doanh.
Nhưng
điều khiến Chủ tịch VCCI lấy làm lạ, là ngoài những điều kiện kinh
doanh được quy định bằng những Thông tư trước đây, thì một số bộ, ngành
vẫn “phớt lờ” coi như không có Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, và ban
hành những giấy phép con. “Tôi thấy điều này rất lạ là việc này trái với
quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư mới sẽ có hiệu lực từ ngày
01/7 tới đây. Vì thế, cần phải rà soát chặt chẽ để đảm bảo tính nhất
quán” - ông Vũ Tiến Lộc đề nghị.
Bình
luận về vấn đề này, bà Bùi Thu Thủy - Cục phó Cục phát triển doanh
nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ, không chỉ “vướng” vì giấy phép
con mà doanh nghiệp Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn cả khách quan
và nội tại của doanh nghiệp, như thị trường, cải cách hành chính…
“Doanh
nghiệp chưa kinh doanh mà đã thấy cả “rừng” giấy phép như vậy thì chả
ai không nản. Việc rà soát lại giấy phép con đang được Bộ Kế hoạch và
Đầu tư khẩn trương triển khai, nhưng thực tế khá khó khăn và thời gian
từ nay tới 01/7 không còn nhiều” - bà Bùi Thu Thủy bày tỏ. “Đến ngày
01/7 tới đây, nếu chúng ta không kịp ban hành các Nghị định thì sẽ xảy
ra tình trạng các quy định pháp luật sẽ đan chéo nhau và chưa rõ ràng,
gây khó cho cả các doanh nghiệp và cơ quan quản lý” - bà Thủy nêu quan
điểm.
Hà Nội quyết tâm đến năm 2020, 100% các thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn
Hội
nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội đã thảo luận Chương trình 08 về
Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương,
ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân và đội ngũ cán bộ, công
chức giai đoạn 2016-2020. Đây là Chương trình hết sức quan trọng bởi
Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố tiếp tục xác định cải cách hành
chính là một trong ba khâu đột phá.
Mục
tiêu của Chương trình nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại,
chuyên nghiệp và hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh trong nhận thức và
hành động của cả hệ thống chính trị, thực hiện hiệu quả công tác lãnh
đạo, điều hành quản lý trên địa bàn, tạo thuận lợi tối đa phục vụ nhân
dân, tổ chức và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã
hội Thủ đô.
Thành
phố đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể như: Đến năm 2020, 100% các thủ tục
hành chính có liên quan đến tổ chức và cá nhân được thực hiện thông qua
cơ chế một cửa, một cửa liên thông, phấn đấu 100% hồ sơ hành chính được
giải quyết đúng hạn hoặc trước hạn; đến năm 2018, UBND các quận, huyện,
thị xã ban hành Chỉ số cải cách hành chính áp dụng đối với UBND cấp xã;
đến cuối năm 2020, tỷ lệ tinh giản biên chế tối thiểu đạt 10% biên chế
giao năm 2015 theo thẩm quyền; đến năm 2019 hoàn thành kế hoạch đầu tư
xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa trụ sở cấp xã trên địa bàn
thành phố đạt chuẩn theo quy định… 6 nhiệm vụ trọng tâm được Chương
trình 08 đưa ra nhằm cụ thể hóa các mục tiêu trên, đó là: cải cách thể
chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính;
xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài
chính công; hiện đại hóa hành chính.
Tiếp
thu các ý kiến đóng góp cho dự thảo Chương trình cải cách hành chính,
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay, UBND thành
phố đã sắp xếp lại các phòng từ 12 xuống còn 7 phòng và cơ cấu lại nhân
sự các phòng theo đúng quy định. Trong đó, mỗi phòng có 1 Trưởng phòng
và từ 1 đến 3 Phó phòng. Như vậy các phó phòng thuộc UBND thành phố đang
thừa 27 người.
Đối
với các phòng có Phó phòng nhiều hơn so với quy định sẽ được giữ nguyên
chức vụ, mức lương và chế độ nhưng không tham gia công tác điều hành,
làm công việc của chuyên viên trong 24 tháng. Ngoài ra, Chủ tịch cũng
cho biết, UBND thành phố đã có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng
chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch, sắp tới UBND các quận, huyện, thị xã cũng
sẽ có sự phân công theo tinh thần mỗi người phụ trách một nhóm việc.
Ngoài ra, thành phố cũng đã dự thảo Quy chế gồm 57 điều liên quan đến
trách nhiệm, quyền hạn của các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, các
thành viên UBND, các sở, ban, ngành của thành phố.
Về
chỉ tiêu đến năm 2017 phấn đấu từ 40-50% dịch vụ công đạt mức 3, 4, Chủ
tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, bắt đầu từ ngày 15/01/2016, thành phố
đã triển khai thí điểm ở 24 phường thuộc quận Nam Từ Liêm và Long Biên,
hiện nay các dịch vụ công phục vụ người dân đang được triển khai có hiệu
quả.
Hành chính công TP. Hồ Chí Minh tụt hạng
Tại
phiên bế mạc kỳ họp thứ 21 HĐND TP. Hồ Chí Minh (khóa VIII) chiều 21/4,
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho biết, hiệu quả
của hành chính công đang thách thức rất lớn đến mục tiêu xây dựng TP. Hồ
Chí Minh trở thành nơi đáng sống, văn minh, hiện đại, nghĩa tình...
Chỉ
số quản trị hành chính công (thể hiện sự trải nghiệm và đánh giá của
người dân khi tương tác với các cấp chính quyền các địa phương và là
công cụ để theo dõi, giám sát năng lực điều hành, quản lý nhà nước, thực
thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền địa phương) của
TP. Hồ Chí Minh đã tụt gần 30 bậc sau 4 năm. Nếu như năm 2011, TP. Hồ
Chí Minh xếp thứ 18 thì đến năm 2015 bị xếp thứ hạng 47/63 tỉnh, thành
phố. Trong 6 nội dung làm căn cứ xếp hạng, chỉ có hai nội dung Thành phố
đạt điểm khá (thủ tục hành chính công: 7,05 điểm; cung ứng dịch vụ
công: 7,38 điểm). Hai nội dung đạt điểm dưới trung bình (tham gia của
người dân ở cấp cơ sở: 4,27 điểm; trách nhiệm giải trình với người dân:
4,97 điểm). Hai nội dung còn lại đạt trung bình là công khai minh bạch:
5,41 điểm và kiểm soát tham nhũng trong khu vực công: 5,14 điểm.
Kiểm
điểm công tác chỉ đạo điều hành giai đoạn 2011 - 2015, Chủ tịch UBND
TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhìn nhận: Công tác phối hợp giữa các
sở, ban ngành và quận huyện chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, còn nhiều
lúng túng, nhất là công tác tổ chức bộ máy, cải cách hành chính...
“Sắp
tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, nâng cao vai trò
và trách nhiệm người đứng đầu các sở ban ngành, chủ tịch UBND quận
huyện, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ
luật hành chính và tăng cường thanh tra công vụ, xử lý công chức nhũng
nhiễu, vô cảm, tiêu cực, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng” - Chủ
tịch Nguyễn Thành Phong nói./.
Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 25/4/2016