Nhân dân là “tai, mắt” của bộ đội biên phòng (BĐBP). Vì vậy, việc
xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trên địa bàn vừa là trách nhiệm
chính trị, vừa là chiều sâu nhân văn của công tác dân vận. Đó là suy
nghĩ và cách làm của BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế...
Trò chuyện với Trung tá Phạm Tùng
Lâm, Chủ nhiệm Chính trị Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi
được biết, cùng với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống
hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, Đảng ủy-Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã
phát động trong lực lượng biên phòng địa phương đẩy mạnh Phong trào
“Phát huy truyền thống, giữ vững kỷ cương, sống có tình thương, đề cao
trách nhiệm”. Mục đích của phong trào này là động viên, khuyến khích cán
bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh ngoài việc phát huy truyền thống của Bộ đội Cụ
Hồ, của lực lượng BĐBP Việt Nam, còn chú trọng tăng cường giữ vững kỷ
luật, kỷ cương, đề cao ý thức trách nhiệm trong mọi hoạt động công tác;
đồng thời luôn ứng xử nhân văn, sống có tình thương với đồng chí, đồng
đội, với nhân dân.
Một trong những biểu hiện “sống có tình thương” rõ nét nhất của những
chiến sĩ áo xanh trên mảnh đất cố đô là có nhiều việc làm thiết thực,
nhân ái để tương trợ, giúp đỡ nhân dân địa phương vượt khó vươn lên xây
dựng cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Trong đó nổi bật là hai
chương trình “Nâng bước em đến trường” và “Hũ gạo tình thương”.
|
Bộ chỉ huy
BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế trao học bổng "Nâng bước em đến trường"
tặng
học sinh Trường Tiểu học Phú Thuận 2, huyện Phú Vang.
|
Xuất phát từ mô hình “Nâng bước em đến trường” ở Chi đoàn Thanh niên Đồn
Biên phòng Cửa khẩu A Đớt (xã A Đớt, huyện A Lưới) từ năm 2013, đến
nay, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh BĐBP tỉnh đã nhận đỡ đầu 37 học sinh có hoàn
cảnh đặc biệt khó khăn trên cả hai tuyến biên phòng (biên giới và ven
biển). Ngoài hỗ trợ mỗi học sinh 500.000 đồng/tháng, nhiều em còn được
hỗ trợ thêm đồ dùng phục vụ học tập như xe đạp, sách, vở, bút, mực...
Một trong những hạt nhân tiêu biểu trong thực hiện Chương trình “Nâng
bước em đến trường” là Thiếu úy QNCN Võ Văn Vinh, nhân viên Đội vận động
quần chúng, Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt. Vốn xuất thân từ một gia
đình khó khăn nên Vinh rất đồng cảm với những túng thiếu của các học trò
nghèo, nhất là các trò nhỏ ở địa bàn miền núi, biên giới. Ngoài việc
đóng góp một ngày lương để cùng với anh em trong đồn hỗ trợ mỗi tháng
500.000 đồng tặng em Viên Xuân Hôm, học sinh lớp 4/1 Trường Tiểu học A
Đớt, Vinh còn tranh thủ thời gian ngày nghỉ đến kèm cặp, dạy thêm cho
nhiều học sinh và trực tiếp vận động một số doanh nghiệp trên địa bàn hỗ
trợ quần áo đồng phục tặng học sinh của trường tiểu học này. Nói về
việc làm của mình, Thiếu úy QNCN Võ Văn Vinh tâm sự: “Tôi và các đồng
đội muốn giúp các học sinh bớt đi cái nghèo, cái khổ để có điều kiện học
tập thuận lợi hơn. Được gần gũi, sẻ chia với các em cũng giúp tôi hiểu
tâm tư, nguyện vọng của bà con dân tộc trên địa bàn để thực hiện tốt
chức trách, nhiệm vụ của một nhân viên làm công tác vận động quần
chúng”.
Ngoài việc làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp dân vượt qua những
thử thách khắc nghiệt của thời tiết trên hải trình ra khơi đánh cá, Đồn
Biên phòng Cửa khẩu cảng Thuận An (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang)
còn giúp đỡ dân nghèo bằng những “Hũ gạo tình thương”. Trung tá Trần
Quang Thắng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Thuận An cho biết:
Chúng tôi luôn nhắc nhở anh em ăn uống, chi tiêu hằng ngày phải tiết
kiệm, không được lãng phí. Tuy quân số ít, song mỗi tháng, cán bộ, chiến
sĩ đơn vị đã góp được 30kg gạo từ việc tiết kiệm trong các bữa ăn để hỗ
trợ hai gia đình nghèo trên địa bàn. Ngoài ra, từ năm 2014 đến nay, đơn
vị đã hỗ trợ được 6 học sinh nghèo của thị trấn Thuận An với số tiền 35
triệu đồng.
Cũng với tinh thần “Giúp dân là giúp mình” và “Thương người như thể
thương thân”, cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 đã tự nguyện làm những việc ích
lợi cho dân. Thực hiện Chương trình “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn ở
xã biên giới, ven biển”, hai năm qua, đơn vị đã huy động gần 500 ngày
công cùng nhân dân làm 1.800m đường bê tông khu vực bãi tắm Thuận An,
làm 700m đường bê tông ở thôn Hải Tiến và thôn Hải Thành, làm mới con
đường vào Trường Mầm non Hải Thành trị giá 7 triệu đồng. Bằng công sức
lao động của bộ đội và trích một phần quỹ vốn, đơn vị đã xây một căn nhà
tặng gia đình nghèo ở thôn Hải Thành trị giá 35 triệu đồng. “Những việc
làm của cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 đã góp phần cùng cấp ủy, chính quyền
thị trấn Thuận An thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh
tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân địa phương” - Ông Hoàng Phước,
Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An khẳng định.
Nói về ý nghĩa của những việc làm giúp dân, Đại tá Bùi Tiến Dũng, Phó
chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Nhân dân là
“tai, mắt” của BĐBP, vì vậy, chúng tôi luôn xác định việc xây dựng thế
trận lòng dân vững chắc trên địa bàn vừa là trách nhiệm chính trị, vừa
là chiều sâu nhân văn của công tác dân vận. Đó cũng là lý do lý giải tại
sao, nhiều năm qua, các cuộc vận động, phong trào, chương trình giàu ý
nghĩa như: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo”, “Ngày về
thôn, bản”, “Hũ gạo tình thương”, “Nâng bước em đến trường”, “Nhận đỡ
đầu, kết nghĩa thôn, bản khó khăn, hộ gia đình nghèo”... đã lôi cuốn
được đông đảo cán bộ, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị, đồn, hải đội trong
toàn tỉnh tham gia. Chỉ tính năm 2015, BĐBP tỉnh Thừa Thiên-Huế đã trao
gần 3.000kg gạo tặng các hộ đặc biệt khó khăn; trao 9 căn nhà tình
thương tặng các hộ gia đình nghèo (7 gia đình công giáo, 2 gia đình
lương giáo) trị giá 450 triệu đồng; tham gia hơn 2.700 ngày công lao
động giúp dân sửa chữa nhà ở, trường học; khám, chữa bệnh, cấp thuốc
miễn phí cho hơn 1.400 lượt người dân trị giá 103 triệu đồng và tiêm
chủng mở rộng cho gần 2.700 lượt người.
Không những làm tốt việc giúp dân trong nước, BĐBP tỉnh Thừa
Thiên Huế còn quyên góp, ủng hộ và vận động các tổ chức xã hội, doanh
nghiệp tham gia hỗ trợ tiền, vật chất cho nhân dân các bản Ka Lô, Sê
Sáp, Cu Tai của Lào xây dựng 8 nhà hữu nghị trị giá 215 triệu đồng;
khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân nước bạn trị giá
10 triệu đồng. Những việc làm này, theo Trung tá Phạm Tùng Lâm, vừa góp
phần xây dựng đường biên giới Việt-Lào hòa bình, hữu nghị, vừa góp phần
củng cố, thắt chặt mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc, nhân dân và
quân đội hai nước anh em.
Nguồn: Qdnd.vn, ngày 21/4/2016