Thủ tướng Chính phủ: Nhà nước bảo đảm sự ổn định lâu dài của chính sách, để doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư
Ngày
29/4, tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ
trì Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016. Tại Hội nghị, các
doanh nghiệp kiến nghị: Cải cách thể chế mạnh mẽ hơn nữa với mục tiêu
chất lượng thể chế của Việt Nam không thua kém các nước tiên tiến trên
thế giới. Kiên quyết loại bỏ những quy định, điều kiện và giấy phép kinh
doanh không còn phù hợp đang làm cản trở quyền tự do kinh doanh của
người dân và đang làm tăng rủi ro, chi phí cho doanh nghiệp. Các doanh
nghiệp mong muốn Chính phủ giảm lãi suất, miễn, giảm, hoãn một số khoản
thuế, phí để “khoan thư sức dân”, tạo môi trường bình đẳng giữa các
thành phần kinh tế; coi “doanh nghiệp như đối tượng phục vụ chứ không
phải là đối tượng quản lý”…
Phát
biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ
trương, chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhưng vẫn còn tồn
tại không ít rào cản đối với lực lượng kinh tế tiên phong này. Thủ
tướng khẳng định: Chính phủ luôn bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh
của người dân, doanh nghiệp; không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, tạo
điều kiện cho doanh nghiệp hội nhập, tạo nên niềm tự hào “Made in Việt
Nam”.
Tuy
nhiên, trên thực tế việc ban hành các luật và văn bản hướng dẫn còn
chậm để doanh nghiệp phải chờ đợi; có những trường hợp văn bản hướng dẫn
không rõ ràng, tính tương thích không cao hoặc còn cảm tính, thiếu định
lượng dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về một vấn đề; chưa có cơ
chế hiệu quả khuyến khích doanh nghiệp đột phá, thông qua áp dụng khoa
học kĩ thuật tiên tiến, tạo ra sản phẩm có thương hiệu lớn; công tác cổ
phần hóa đã chỉ đạo quyết liệt nhưng còn nhiều vướng mắc về cơ chế; hiệu
quả kinh doanh của doanh nghiệp còn thấp, khả năng kết nối của doanh
nghiệp Việt Nam còn hạn chế; tình trạng phí chồng phí, thanh tra, kiểm
tra chồng chéo, tình trạng một số cán bộ, đảng viên tiêu cực, gây phiền
hà làm mất nhiều thời gian, tiền bạc của doanh nghiệp; thực tế triển
khai các cải cách thủ tục hành chính chưa đạt như mục tiêu đề ra...
Thủ
tướng nhấn mạnh, Nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng, bảo đảm quyền
kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp
được hoạt động kinh doanh tất cả các loại hình, lĩnh vực mà pháp luật
không cấm. Đồng thời, Nhà nước bảo đảm sự ổn định lâu dài của chính
sách, để doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư, “không sớm nắng chiều mưa
về chính sách”.
Nhà
nước sẽ giảm dần, tiến tới loại bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí
bất hợp lý. Phải bỏ hết những quy định cũ trái với quy định của luật đã
được Quốc hội thông qua...
Mỗi
địa phương phải công khai đường dây nóng, website, hướng dẫn thủ tục
hành chính cho doanh nghiệp. Tăng cường chống tham nhũng, quan liêu.
Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh,
nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vừa được Thủ tướng ký ban hành
(ngày 28/4/2016), với tinh thần lớn là các chỉ tiêu đạt mức ASEAN-4.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đầu tư, kinh doanh
Văn
phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc tại cuộc họp về tình hình triển khai thi hành Luật doanh nghiệp và
Luật đầu tư.
Luật
doanh nghiệp và Luật đầu tư có hiệu lực từ ngày 01/7/2015 là hai luật
quan trọng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về quyền tự do
kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu
các bộ, cơ quan có liên quan cần tập trung thực hiện nghiêm các quy định
của Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư với quyết tâm chính trị và nỗ lực
cao nhất, nhằm bảo đảm thực thi đầy đủ, nhất quán các quy định của hai
Luật này gắn với việc triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về
những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh
doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tạo những điều kiện thuận
lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp
của nhà đầu tư; tuyệt đối không đặt ra các rào cản, điều kiện đầu tư
kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp; tập trung
kiện toàn tổ chức, xác định rõ trách nhiệm, nâng cao nhận thức, tinh
thần và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức trong hỗ trợ doanh
nghiệp, nhà đầu tư.
Về
việc thực hiện các quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp
với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp trao đổi, thống nhất với các bộ, cơ
quan ngang bộ về nội dung, phạm vi của điều kiện đầu tư kinh doanh, phân
biệt rõ với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, làm cơ sở cho việc xác định
điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc thẩm quyền quy định của Chính phủ.
Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan ngang bộ theo lĩnh vực được phân công
quản lý, rà soát các Thông tư, Quyết định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang bộ có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh để tổng hợp,
xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư kinh
doanh; trình Chính phủ trước ngày 30/5/2016 theo trình tự, thủ tục rút
gọn.
Đối
với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại
Phụ lục 4 Luật đầu tư chưa ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về
điều kiện đầu tư kinh doanh, các cơ quan chủ trì soạn thảo cần khẩn
trương thực hiện: Đối với các dự thảo Nghị định đã được Bộ Tư pháp thẩm
định hoặc đã trình Chính phủ, Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn tất
các thủ tục để trình Chính phủ trước ngày 30/5/2016.
Đối
với các dự thảo Nghị định đang trong quá trình soạn thảo, cơ quan chủ
trì soạn thảo tổng hợp, gửi nội dung dự thảo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư
trước ngày 10/5/2016 để tổng hợp, xây dựng một Nghị định của Chính phủ
theo trình tự, thủ tục rút gọn, nhưng phải bảo đảm việc lấy ý kiến của
các đối tượng điều chỉnh; Bộ Tư pháp tổ chức thẩm định trong thời hạn 7
ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự thảo Nghị định; Bộ Kế hoạch và Đầu tư
trình Chính phủ trước ngày 30/5/2016.
Các
bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát đầy đủ các điều kiện đầu tư
kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của mình được quy định tại các luật,
pháp lệnh, nghị định được ban hành sau ngày Luật đầu tư có hiệu lực, gửi
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/5/2016 để cập nhật và công bố trên
Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điều
12 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư.
Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh
Ngày
28/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ,
giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực
cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020.
Chính
phủ quyết nghị mục tiêu và nhiệm vụ chung phấn đấu cải thiện cả về điểm
số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh. Theo đó, các chỉ tiêu
về môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước
ASEAN 4. Bám sát tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn
kinh tế thế giới, củng cố, duy trì các kết quả đạt được trong khởi sự
kinh doanh, tiếp cận điện năng, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế và bảo hiểm
xã hội, đồng thời phấn đấu nâng điểm trên tất cả các chỉ tiêu.
Bãi
bỏ hoặc đình chỉ áp dụng các quy định về điều kiện kinh doanh không còn
phù hợp, trái quy định của pháp luật. Cải cách toàn diện các quy định
về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch
vụ xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển căn bản
sang hậu kiểm.
Đơn
giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, bảo đảm hàng
năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Đạt
trung bình của nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế trên 03
nhóm chỉ tiêu: hoàn thuế; quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế;
thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế.
Rút
ngắn thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không
quá 77 ngày (bao gồm cả thủ tục thủ tục phê duyệt thiết kế xây dựng công
trình, kết nối cấp thoát nước, nghiệm thu đưa công trình vào khai thác
sử dụng, đăng ký tài sản sau hoàn công,...); thời gian đăng ký quyền sở
hữu, sử dụng tài sản xuống không quá 14 ngày; thời gian thông quan hàng
hóa qua biên giới tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 12 ngày đối
với hàng hóa nhập khẩu; chỉ số tiếp cận tín dụng thuộc nhóm 30 nước
đứng đầu; thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng từ 400 ngày xuống còn
tối đa 200 ngày; thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp từ 5 năm
xuống còn 24 tháng.
Giảm
thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục
hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Thay đổi căn bản phương thức
quản lý, kiểm tra chuyên ngành, thực hiện nguyên tắc quản lý trên cơ sở
đánh giá rủi ro, áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế, chuyển căn bản sang
hậu kiểm; điện tử hóa thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành; kết nối
chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức quản lý, kiểm tra chuyên
ngành và với cơ quan hải quan.
Tạo
lập hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh
thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đến
năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu
về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả (theo đánh
giá của Diễn đàn kinh tế thế giới).
Mục
tiêu đến năm 2020, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đạt mức
trung bình của các nước ASEAN 3 trên một số chỉ tiêu thông lệ quốc tế.
Tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Theo
Nghị quyết 19, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết
quả thực hiện Nghị quyết.
Công bố Chỉ số SIPAS 2015: Thước đo sự hài lòng của người dân
Ngày
26/4, Bộ Nội vụ, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam đã công bố Chỉ số hài
lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính
nhà nước năm 2015 (SIPAS 2015).
Theo
đó, 3 bên đã khảo sát xác định Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính
năm 2015 trong phạm vi cả nước từ 01/01/2014 – 30/6/2015, đối với 6 thủ
tục hành chính và được triển khai tại 108 xã, phường, thị trấn thuộc 36
quận, huyện, thị xã, thành phố ở 10 tỉnh, thành phố trong cả nước như
Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh… SIPAS được khảo sát trên 4 tiêu
chí: Tiếp cận dịch vụ, hài lòng về tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính,
sự phục vụ của công chức, kết quả giải quyết thủ tục hành chính và đều
có kết quả cụ thể.
Kết
quả SIPAS 2015 cho thấy, người dân đánh giá tốt về kết quả giải quyết
thủ tục hành chính. Con số hài lòng về toàn bộ quá trình giải quyết thủ
tục hành chính là: Thủ tục cấp chứng minh nhân dân: 83,4%; Thủ tục cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: 74,4%; Thủ tục cấp giấy phép xây dựng
nhà ở: 78,4%; Thủ tục chứng thực: 86%; Thủ tục kết hôn: 89,5%; Thủ tục
cấp giấy khai sinh: 87,5%. Chất lượng năng lực chuyên môn của công chức
được người dân đánh giá cao, tuy nhiên người dân chưa bằng lòng về đạo
đức nghề nghiệp, về sự phục vụ nhiệt tình chu đáo của công chức (27% -
47% số người dân được hỏi đánh giá sự giao tiếp, tinh thần phục vụ và
năng lực chuyên môn của công chức ở mức bình thường và thấp).
Qua
khảo sát cho thấy, hình thức tiếp cận thông tin phổ biến mà người dân
thường sử dụng với các thủ tục hành chính là thông qua chính quyền
phường, xã (62% - 76%), tiếp đến là hình thức hỏi người thân, bạn bè
(11% - 17%), chỉ có từ 4% - 8% người dân sử dụng hình thức tiếp cận qua
mạng. Từ đó cho thấy, để Chính phủ điện tử thành công, để người dân
thành công dân điện tử thì cần tuyên truyền nhiều cũng như tạo điều kiện
để người dân tiếp cận mạng. Đáng lưu ý, toàn bộ 6 thủ tục hành chính
được khảo sát đều có tình trạng người dân phải trả thêm tiền ngoài lệ
phí, phí phải nộp/không nộp theo quy định. Hiện nay, 2 loại thủ tục hành
chính mà dân không phải nộp phí, lệ phí là giấy đăng ký kết hôn, giấy
khai sinh, lại là 2 thủ tục có nhiều người trả tiền ngoài quy định nhất
(20% - 30% số người được hỏi).
Kết
quả chỉ số hài lòng này cũng có sự khác biệt rõ rệt giữa các tỉnh,
thành phố. Trong đó, người dân ở Đà Nẵng có chỉ số hài lòng cao nhất với
quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính, tiếp
đến là Cà Mau, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hà Nội; thấp nhất là các
tỉnh Hưng Yên, Đắk Lắk, Tây Ninh, Hà Tĩnh, Lai Châu. Cũng qua khảo sát,
người dân đã đưa ra nhiều gợi ý về các nội dung ưu tiên cần cải tiến để
việc giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính nhà nước được
tốt hơn. Trong đó có việc cần mở rộng các hình thức thông tin, tiếp tục
đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ
tục hành chính, cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị; tăng
tính minh bạch, công khai; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; cải
thiện thái độ giao tiếp, tinh thần phục vụ của công chức; nâng cao năng
lực giải quyết của công chức; giảm phí/lệ phí..
Tại
buổi công bố, lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng cho biết, đến nay đã có hơn 20
địa phương tự triển khai xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức
đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính trước khi Bộ Nội vụ tiến
hành. Đó là tín hiệu rất đáng mừng cho thấy các địa phương đã quan tâm
đến việc làm hài lòng người dân. Phân tích chỉ số SIPAS 2015, Bộ Nội vụ
cho rằng, chỉ số hài lòng thấp nhất là 70%, cao nhất là trên 80%, đó là
con số khá cao.
Đây là lần đầu tiên Bộ Nội vụ tiến hành đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân trên phạm vi cả nước.
Làm rõ thông tin “nộp phí bôi trơn sổ đỏ”
Liên
quan tới thông tin “44% sổ đỏ phải nộp phí bôi trơn”, Bộ Tài nguyên và
Môi trường vừa có văn bản số 1415/BTNMT-TCQLĐĐ gửi Chủ tịch UBND các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị các địa phương chỉ đạo
kiểm tra làm rõ vấn đề này.
Các
địa phương tổ chức thanh tra công vụ, phát hiện những cán bộ, công chức
nhũng nhiễu, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận; xử
lý nghiêm minh đối với cá nhân, tổ chức có liên quan.
Bên
cạnh đó, rà soát các thủ tục hành chính về đất đai đã ban hành, công bố
theo quy định; việc công khai các loại phí, lệ phí mà người sử dụng
đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải nộp khi thực hiện thủ tục
cấp giấy chứng nhận tại nơi tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả theo quy
định.
Ngoài
ra, thiết lập, công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại
chúng về đường dây nóng tiếp nhận, phản ánh, kiến nghị về tình trạng vi
phạm pháp luật đất đai và tình trạng gây nhũng nhiễu trong quá trình
thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy chứng nhận ở địa
phương.
Công văn cũng yêu cầu các địa phương báo cáo kết quả trước ngày 16/5/2016.
Trước
đó, ngày 22/4, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố đường dây nóng -
số máy 043.795.7889 - tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về tình
trạng vi phạm pháp luật đất đai và nhũng nhiễu trong việc cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất./.
Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 3/5/2016