Đại úy Nguyễn Xuân Hướng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn đảo Trần (Quảng
Ninh), chia sẻ: “Trước đây đảo không có dân ở thì khách của đơn vị
thường là những ngư dân bám biển vào tránh, trú bão, xin nước ngọt, rau
xanh, hoặc vào nghỉ chân giữa chặng đường dài.
Từ năm ngoái, theo chương trình di dân xây dựng đảo, thì đảo chính
thức có các hộ dân ra đây ở. Để làm tốt công tác dân vận, Đảng ủy, Chỉ
huy Tiểu đoàn xác định: phải giúp đỡ người dân ngay từ khi đặt chân lên
đảo, để bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống. Vì khi người dân ra đảo
là bà con đã xác định “chung lưng, đấu cật” cùng bộ đội để xây dựng
đảo.
Chị Như Thị Nguyệt, quê ở huyện Hải Hà, là một trong những người đại
diện của hộ gia đình đầu tiên ra đảo Trần, tâm sự: Hôm gia đình tôi
chuyển ra đảo, các anh bộ đội ra đón từ khá sớm; người thì đỡ cháu nhỏ,
người thì giúp khiêng đồ lên bờ và còn cử người đến giúp kê dọn đồ đạc
vào nhà mới. Mấy hôm đầu ra đảo, các anh bộ đội đến giúp đỡ, động viên
như người thân trong nhà, vợ chồng tôi rất cảm động. Ở đất liền có ông
bà, cha mẹ, hàng xóm láng giềng thân thuộc, bây giờ ra đảo, được sự
động viên, giúp đỡ của bộ đội, vợ chồng tôi cũng như bà con cảm thấy ấm
lòng và yên tâm gắn bó xây dựng cuộc sống mới trên đảo”.
Còn tại xã đảo Thanh Lân, nơi có nhiều hộ bà con từ nhiều vùng, miền
ra đây xây dựng đảo từ lâu, nhiều năm qua, các đơn vị đóng quân trên
đảo thường xuyên làm tốt công tác dân vận. Đại úy Nguyễn Văn Tuấn, Tiểu
đoàn trưởng Tiểu đoàn đảo Thanh Lân cho biết: Hằng tháng, cấp ủy,
chính quyền địa phương và các lực lượng đứng chân trên đảo thường xuyên
phối hợp duy trì giao ban để trao đổi nắm tình hình địa bàn; khi người
dân đau ốm, quân y đơn vị đến thăm khám, điều trị kịp thời; mỗi khi
thời tiết giông bão, các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đều đến giúp các
hộ gia đình chằng chống nhà cửa, níu néo tàu thuyền...
Một kỷ niệm không quên là, trong trận lũ, lụt lịch sử xảy ra trên địa
bàn tỉnh Quảng Ninh cuối tháng 7-2015, Lữ đoàn 242 đã huy động lực
lượng, phương tiện giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. Binh nhất
Hoàng Văn Kiên, chiến sĩ Tiểu đoàn 162 nhớ lại: Ngay từ khi mưa, lũ
xảy ra, chúng tôi đã có mặt tại những vị trí xung yếu trên địa bàn các
phường: Cửa Ông, Mông Dương…để tham gia cứu hộ, cứu nạn và giúp nhân
dân khắc phục hậu quả. Dù sau nhiều ngày dầm mưa và lao động giúp dân
khá mệt, nhưng lúc ba giờ sáng ngày 29-7, khi nhận lệnh đi giúp dân,
tôi cùng hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đơn vị kịp thời lên đường làm nhiệm
vụ, giúp hơn 200 hộ dân ở các tổ dân phố thuộc phường Mông Dương và
phường Cửa Ông (Cẩm Phả) sơ tán khỏi vùng lũ, lụt nặng. Trong lúc giúp
dân, mặc dù bị đá văng vào chân rất đau, người thì ướt sũng nước mưa,
nhưng nghĩ đến người dân bị đe dọa đến tính mạng, tôi và anh em trong
đơn vị vẫn cố gắng giúp đỡ người già, trẻ em lên xe ô-tô di chuyển về
nơi an toàn. Cũng thời điểm này, tại xã Bản Sen, 400 cán bộ, chiến sĩ
của Lữ đoàn 242 phối hợp chính quyền địa phương, lực lượng dân quân, tự
vệ... giúp đỡ các hộ dân bị ngập nặng; đồng thời, hỗ trợ mỗi hộ 20 kg
gạo, hai kg thịt lợn, năm kg bí xanh, cùng mì ăn liền, nước uống... để
chống đói.
Không chỉ trong mưa, bão, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn đảo Ngọc Vừng,
huyện đảo Cô Tô đã đóng góp hàng trăm ngày công lao động giúp người dân
các đảo xây dựng nông thôn mới. Những việc làm ý nghĩa đó, chúng tôi
tin vào nghị lực và khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ của cán bộ, chiến
sĩ Lữ đoàn 242. Bởi vì ở bên họ, lòng dân luôn là điểm tựa tinh thần,
động lực phấn đấu và là người đồng cam, cộng khổ cùng chung tay giữ
vững biển trời, nơi phên dậu vùng đông bắc Tổ quốc.
Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 4/7/2016