Thứ Bảy, 11/1/2025
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2016
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10/2016

Tại phiên họp này, Chính phủ sẽ nghe, thảo luận về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng về kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tháng 10/2016; báo cáo chuyên đề về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2016 và quý I/2017; báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 60/NQ-CP về đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016…

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong tháng 10 Chính phủ đã tổ chức thành công sự kiện ngoại giao lớn nhất trong năm là 3 hội nghị quốc tế: CLMV 8, ACMECS 7 và WEF-Mê Công. Hội nghị thu hút sự quan tâm và tham gia của lãnh đạo các quốc gia, doanh nghiệp, các đối tác phát triển như Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Đại sứ các nước, các tập đoàn, tổng công ty hàng đầu thế giới và Việt Nam đông nhất từ trước đến nay. Với những nỗ lực trong công tác tổ chức, Việt Nam đã thể hiện được vai trò, vị thế trong khu vực và quốc tế, để lại ấn tượng tốt đối với các bên tham dự hội nghị, nhất là về những sáng kiến của nước chủ nhà trong quá trình tổ chức. Thủ tướng cho rằng, đây là những kinh nghiệm tốt phục vụ công tác chuẩn bị cho Hội nghị APEC 2017. 

Cùng với đó, việc Ngân hàng thế giới (WB) xếp hạng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc, đứng thứ 82/190 nền kinh tế và đứng thứ 5 trong khối ASEAN là bước tiến đáng mừng, Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phân tích 5 chỉ tiêu thành phần có sự cải thiện rất rõ rệt, đó là thương mại xuyên biên giới, thực hiện hợp đồng, đóng thuế, tiếp cận điện năng và bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ (tăng tới 31 bậc). Tuy vậy, một số chỉ tiêu thụt lùi như: cấp phép xây dựng, tiếp cận vốn, thành lập doanh nghiệp, đăng ký tài sản. Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phải rà soát, tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp để khắc phục những yếu kém này. 

Trong tháng 10, số lượng doanh nghiệp mới thành lập tiếp tục tăng, đưa tổng số doanh nghiệp thành lập mới đến thời điểm này khoảng 92.000 doanh nghiệp. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều khả năng, năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới có thể vượt con số trên 100.000 với quy mô vốn lớn hơn trước đây. Đặc biệt, trên 20.000 doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh thể hiện niềm tin của doanh nghiệp đối với thị trường, hoạt động khởi nghiệp và sự quản lý điều hành của Chính phủ. 

Cảnh báo về vấn đề lạm phát, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành địa phương, tháng 10 chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,83%, 10 tháng đã là 4% so với tháng 12 năm ngoái, trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao là 5%. Chỉ số giá tiêu dùng tăng chủ yếu do dịch vụ y tế tại các tỉnh, giá dịch vụ vận tải tăng do xăng dầu tăng 2 lần trong tháng 10 và một số yếu tố khác. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành địa phương phải có biện pháp kiểm soát, không để lạm phát vượt trần Quốc hội giao, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy mạnh tăng trưởng. Đặc biệt lưu ý nhiệm vụ thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, quý 4, tăng trưởng phải đạt mức từ 7,1 đến 7,3 % để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,3 đến 6,5%. Nếu không hoàn thành thì sẽ ảnh hưởng đến nợ công. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tại phiên họp này bàn thảo sâu, kỹ hơn để có các giải pháp thích hợp, trong đó, lưu ý các giải pháp là giải ngân vốn đầu tư các dự án giao thông, xây dựng cơ bản; xuất khẩu, dịch vụ, nhất là du lịch. Cùng với đó là các giải pháp tài chính, tín dụng đầu tư. 

Để khắc phục tình trạng nhiều năm qua, kinh tế quý I, quý đầu tiên của năm luôn tăng trưởng thấp, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, ngay từ lúc này phải bàn và đưa ra các kế hoạch, biện pháp để không bị động như trong suốt thời gian qua. Thủ tướng chỉ đạo, ngay trong ngắn hạn, các bộ, ngành phải có kế hoạch ngay từ năm nay cho đầu năm 2017, không để qua Tết, mùa lễ hội mới xây dựng ban hành kế hoạch. Nhấn mạnh đến mục tiêu năm 2017, Việt Nam phấn đấu đạt môi trường đầu tư thuộc nhóm 4 ASEAN, Thủ tướng yêu cầu giải quyết các vướng mắc tồn tại liên quan đến nội dung này ngay từ thời điểm này, không để chậm trễ. 

Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các thành viên Chính phủ chuẩn bị các nội dung để trả lời chất vấn và giải trình trước Quốc hội về các vấn đề kinh tế-xã hội vào tháng 11 tới. Cùng với việc Thủ tướng giải trình và trả lời chất vấn, Thủ tướng sẽ chỉ định các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng trả lời chất vấn những vấn đề thuộc lĩnh vực các Bộ quản lý. 

Nguồn: dangcongsan.vn, ngày 29/10/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất