Thứ Năm, 9/1/2025
Nói dân nghe, làm dân tin
 
Cán bộ Công ty 72 hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số xã Ia Nan, huyện Đức Cơ (Gia Lai)
chăm sóc cây cà phê. 


Kiên trì bám dân, bám buôn làng

Đúng 7 giờ, chúng tôi bắt đầu từ TP Pleiku (Gia Lai) ngược Quốc lộ 14C lên xã Mo Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum). Vượt chặng đường gần 150km với hàng nghìn ổ gà, ổ voi lởm chởm và hàng trăm cua tay áo hiểm trở, gần trưa, chúng tôi mới đến đại bản doanh Công ty 78 (Binh đoàn 15). Đón khách tại cổng đơn vị, Đại úy Vũ Ngọc Quý, Chủ nhiệm chính trị công ty đùa vui: "Xã Mo Rai có diện tích rất rộng nên các anh tha hồ “thâm nhập cơ sở!”.

Thiếu tá, Giám đốc Nguyễn Hồng Lam cho biết: “Ngày đơn vị mới thành lập, từ binh đoàn hành quân lên công ty phải mất 2-3 ngày, vì đường rừng núi hiểm trở, nhiều sông suối, đi lại rất khó khăn. Mùa mưa lũ, các địa phương hầu như bị chia cắt, đơn vị phải chuẩn bị dự trữ lương thực 6 tháng, gạo sấy khô kê cao, kích bổng. Hồi đó địa bàn xã Mo Rai đặc biệt khó khăn, cơ sở vật chất hầu như chưa có gì, trình độ dân trí thấp kém, nhiều tập tục lạc hậu, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt. Bộ đội khoác ba lô về làng, bà con nhìn như dò xét. Thấy bộ đội ủ phân trồng rau, bà con không dám đến gần. Chúng tôi hỏi mới biết: Dân làng quan niệm như vậy là vấy bẩn, làm ô uế đến thần linh...”.

Già làng A BLong, người dân tộc Rơ Mâm ở làng Le, kể: “Ngày trước, người Rơ Mâm mình thường đốt nương làm rẫy. Cái rẫy hết màu, cây lúa, cây ngô không lớn được lại đi tìm cánh rừng khác. Cái ăn vào miệng thì bốc bằng tay. Cái đau, cái bệnh từ đấy mà sinh ra. Nhưng từ ngày có bộ đội về làng, mọi thứ đều khác...”.

Nghe già làng A Blong nói vậy, Đại tá Hoàng Ngọc Thành, Chủ nhiệm chính trị Binh đoàn 15 chia sẻ với chúng tôi, không riêng Công ty 78 mà địa bàn các công ty: 72, 74, 75, 715… quản lý đều khó khăn như vậy. Buổi đầu, cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống cán bộ, công nhân và đồng bào còn nhiều khó khăn. Kiên quyết không để bà con đói khổ, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 chỉ đạo các công ty bám dân, bám rừng và bám buôn làng để mở rộng diện tích vườn cây, tuyển con em địa phương vào làm công nhân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ.

Gian khổ là thế, nhưng bằng tình cảm chân thành, kết hợp giữa nói và làm, giữa vận động và thuyết phục, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 15 đã làm cho dân hiểu: Muốn giải quyết khâu đói phải lo trồng và chăm bón để cây rau xanh tốt, cây ngô nhiều hạt, phải cho nó “ăn”. Thức ăn ấy là phân bón. Về lâu dài, muốn đời sống khá giả thì phải trồng cây cà phê, cây cao su. Buổi đầu bà con chưa tin nên chẳng ai làm theo. Không nản chí, cán bộ công ty và các đội sản xuất kiên trì vận động, tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Cứ rỉ rả như vậy, lại thấy vườn rau bộ đội xanh non. Bộ đội có rau ăn mà không bị thần linh quở trách, thế là dân làng làm theo. Các anh còn làm thí điểm mô hình trồng lúa hai vụ, trồng bắp (ngô) lai trên rẫy, rồi vận động, hướng dẫn bà con cách trồng và chăm sóc cây cà phê, cây cao su.

Bằng phương châm “phát triển sản xuất đến đâu, xây dựng cơ sở hạ tầng, dân cư xã hội đến đó”, các đơn vị của binh đoàn chủ động đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí xây dựng, phát triển các khu dân cư, tạo điều kiện cho đồng bào yên ổn làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Công ty 72 khai hoang 16ha đất trồng lúa nước và bàn giao cho bà con DTTS ở các xã: Ia Nan, Ia Pnôn (huyện Đức Cơ). Công ty 74 cho dân mượn 600ha đất tái canh cao su để trồng lúa nương, bắp, đậu. Công ty 715 xây dựng làng công nhân biên giới. Bên cạnh đó, binh đoàn còn tích cực chỉ đạo các công ty mở rộng diện tích vườn cây, mở rộng sản xuất, tăng năng suất, thu hút đầu tư và giải quyết việc làm cho NLĐ. Chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn với phương châm “Ly nông không ly hương” gắn liền với giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn vùng biên giới nơi đơn vị đứng chân.

Với mục tiêu “giữ dân, giữ đất, giữ buôn làng”, Binh đoàn 15 chú trọng đầu tư phát triển các công trình trọng điểm phục vụ đời sống nhân dân, như: Xây dựng hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới tiêu; xây dựng trại cây giống, con giống, xây dựng chợ, trường học, trạm y tế; sắp xếp, bố trí lại các cụm dân cư… Từ khi có Cuộc vận động “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, các anh lại hướng dẫn bà con xây dựng mô hình xã văn hóa.

Hướng dẫn bà con những cách làm mới

Đến Công ty 75, chúng tôi được Thượng tá, Giám đốc Trịnh Hà Tâm kể về khoảng thời gian gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên.

Ngày mới thành lập, Công ty 75 là sự sáp nhập bởi ba nông trường: 705, 706 và 707. Buổi đầu, cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống cán bộ, công nhân vô cùng khó khăn. Ngày ấy, bom đạn địch vương vãi khắp nơi, chất độc hóa học thấm sâu vào lòng đất đe dọa cuộc sống con người và tiềm ẩn hiểm họa hủy diệt môi trường sinh thái. Buôn trên, làng dưới tiêu điều, xơ xác giữa những cánh rừng trụi lá. Cái đói, cái nghèo và những hủ tục cứ đeo bám lấy số phận của bà con. Chứng kiến cảnh người dân lam lũ, quanh năm đầu tắt mặt tối trên nương rẫy mà vẫn đói nghèo, các anh suy nghĩ: Phải tìm cách thay đổi cuộc sống cho bà con. Với phương châm: “Vườn cây đến đâu, tổ chức cụm dân cư đến đó”; “lấy ngắn nuôi dài”…, công ty chủ động sử dụng lực lượng lao động hùng hậu tại chỗ là đồng bào DTTS và những cư dân từ ngoài Bắc di cư vào, dưới xuôi lên, cùng lực lượng cán bộ, chiến sĩ của công ty làm nòng cốt.

Trước tình hình kinh tế khó khăn, để bảo đảm mức thu nhập ổn định cho NLĐ, công ty đề ra nhiều cách làm mới, có tính thiết thực, hiệu quả cao, như: Áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh, chuyên canh; thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao tay nghề cho công nhân... Bằng cơ chế khoán mới là “giảm sản lượng trên cây, tăng đơn giá sản phẩm”, số công nhân là người DTTS được giảm mức khoán 1kg mủ/cây cao su, nhưng lại tăng đơn giá sản phẩm hơn 300 đồng/kg mủ. Nhờ vậy, thu nhập của NLĐ khá ổn định, bình quân đạt hơn 7 triệu đồng/người/tháng…

Theo Đại tá Nguyễn Hồng Giang, Phó chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn 15, phương châm: “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân người Kinh gắn với hộ đồng bào DTTS" là phương châm, mô hình mới, sáng tạo, hiệu quả trong tiến hành công tác dân vận.

Tới địa bàn đứng chân của Công ty 72, chúng tôi nhận thấy đời sống của bà con nơi đây thật khấm khá. Trong căn nhà xây kiên cố cùng nhiều đồ dùng sinh hoạt có giá trị, chị Hoàng Thị Sâu, quê ở xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) chia sẻ về những ngày đầu chân ướt chân ráo vào vùng Đức Cơ: “Chuẩn bị cho hành trình về miền đất mới, gia đình tôi bán hết thóc lúa, lợn gà được 2,5 triệu đồng. Chi phí dọc đường, vào đến đây còn hơn một triệu đồng. Buổi đầu, gia đình tôi sinh sống trong căn nhà gỗ hai gian, hằng tháng Công ty 72 đều cấp cho mỗi gia đình 50kg gạo, bột ngọt, nước mắm, cá khô... Ngày ngày gắn bó với từng gốc cao su, đến năm 2003 cây cho mủ, cuộc sống của gia đình tôi cũng như bao gia đình công nhân khác dần dần ổn định, rồi khấm khá".

Nói về cuộc sống hiện tại, giọng chị Sâu phấn khởi: "Hằng tháng, thu nhập bình quân của gia đình tôi dao động trên dưới 10 triệu đồng. Không chỉ được bảo đảm chế độ tiền lương ổn định, mỗi dịp lễ, Tết, Công ty 72 đều được tặng quà, thưởng tiền cho NLĐ; mùa hè được đi tham quan, nghỉ dưỡng. Năm nay tôi đã 50 tuổi, chẳng còn bao lâu nữa là nghỉ hưu. Nếu công ty đồng ý, tôi sẽ tiếp tục xin được làm hợp đồng!”.

Nguồn: qdnd.vn, ngày 01/01/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất