Thứ Ba, 26/11/2024
Hà Nội: Đổi mới công tác dân vận trong tình hình mới

Giải quyết những vấn đề cụ thể

Theo Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng, thực hiện Nghị quyết số 25, hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội từ quận tới cơ sở đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, hướng các hoạt động về cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Vai trò tham mưu và phối hợp hoạt động của Ban Dân vận trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước ngày càng chủ động và hiệu quả. Đơn cử như công tác giải phóng mặt bằng, trong những năm qua, quận phải giải quyết khối lượng công việc rất lớn với nhiều dự án lớn trên địa bàn như: cầu Nhật Tân, đường Võ Chí Công… liên quan đến hàng nghìn hộ dân, nhưng người dân đều đồng thuận, bảo đảm tiến độ dự án. “Có nhiều việc bí thư, chủ tịch UBND quận phải đối thoại với người dân để tìm hướng tháo gỡ. MTTQ, các đoàn thể cùng vào cuộc tuyên truyền, vận động, nắm được tâm tư, nguyện vọng và tạo sự đồng thuận trong nhân dân”, đồng chí Nguyễn Văn Thắng nói.


 Buổi đối thoại về thủ tục hành chính giữa đại diện UBND quận Thanh Xuân với người dân

Tinh thần lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo cũng đã được triển khai, thấm nhuần hơn đến đội ngũ cán bộ, công chức thành phố. Là cơ quan thường trực giúp việc cho UBND thành phố Hà Nội về nhiệm vụ này, Sở Nội vụ Hà Nội đã huy động sự vào cuộc của toàn cán bộ viên chức, người lao động tham gia triển khai hiệu quả các phong trào thi đua “Dân vận khéo” và lồng ghép hiệu quả việc thực hiện mô hình này với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, đơn vị đã tiên phong đưa việc ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện việc tiếp nhận ý kiến góp ý trực tuyến của công dân, tổ chức về chất lượng đội ngũ cán bộ, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực nội vụ từ cấp thành phố đến cấp quận, huyện, thị xã cho đến các xã, phường. Toàn bộ dự thảo quy chế, quy định, các chính sách liên quan đến cán bộ công chức (kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm…) đều được công khai lấy ý kiến tham gia của các công chức, viên chức, người lao động trước khi lãnh đạo quyết định. Sự minh bạch giúp các nhiệm vụ được thực hiện hiệu quả hơn.

Quan tâm giải quyết từ việc nhỏ nhất

Ở cấp thành phố, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho biết, sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 25, thực hiện công tác dân vận trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến rõ nét, tích cực với những kết quả nổi bật như: Phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy về công tác dân vận có nhiều đổi mới, góp phần phát huy vai trò là trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân của Đảng. Thành ủy và các cấp ủy đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chấn chỉnh lề lối, phong cách làm việc theo hướng trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân. Làm tốt công tác chăm lo, củng cố, tổ chức bộ máy, cơ quan, hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở.

Công tác dân vận cũng được các cấp chính quyền thành phố chú trọng, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân với tinh thần “Việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của thành phố đã phát huy vai trò là nòng cốt của khối đại đoàn kết toàn dân, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng đa dạng, thiết thực, hướng về cơ sở, quan tâm đến lợi ích, nguyện vọng của người dân.

Tuy nhiên, Thành ủy Hà Nội cũng đánh giá, còn không ít hạn chế trong công tác dân vận cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Nhiều bức xúc của người dân chưa được quan tâm, giải quyết thỏa đáng. Chỉ đạo triển khai xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở có nơi còn mang tính hình thức. Hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương chậm được đổi mới, kết quả công tác vận động quần chúng còn nhiều hạn chế. Một số cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, thậm chí có trường hợp quan liêu, xa rời quần chúng, tinh thần thái độ, trách nhiệm với công việc còn yếu.

Tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra T.Ư mới đây về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Lòng tin của dân không phải là sản phẩm có sẵn, nghiễm nhiên được hưởng, mà chúng ta phải thường xuyên quan tâm, đánh giá, bảo vệ, phát triển. Do vậy, thành phố đã và sẽ luôn chú trọng lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, quan tâm giải quyết từ việc nhỏ nhất”. Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay có nhiều khó khăn. Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo để công tác dân vận căn cơ hơn, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận ngày càng chất lượng; nâng cao nhận thức, kỹ năng, trình độ vận động nhân dân của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Có như vậy, công tác dân vận mới đạt hiệu quả, thực chất hơn.

Nguồn: nhandan.org.vn, 19/4/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất