Thứ Sáu, 10/5/2024
Nhân rộng mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn

Nhận diện những “điểm nghẽn”

Việc nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đã được triển khai khá sớm ở nhiều tỉnh, thành phố. Qua thực tế tại các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam, Hà Tĩnh cho thấy, đây là nhân tố quan trọng góp phần tăng hiệu quả trong việc điều hành, triển khai các nhiệm vụ tại khu dân cư, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đồng thời giảm được đáng kể số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp thôn. Tuy nhiên, cho dù mô hình đã khẳng định tính ưu việt, hiệu quả nhưng vẫn chưa thể nhân rộng, quá trình vận hành cơ chế này nhiều trục trặc, một số hạn chế phát sinh mà chậm được khắc phục. Vấn đề thêm thách thức khi nhiều địa phương đang đứng trước yêu cầu sáp nhập, tinh gọn bộ máy cấp thôn và xã; đòi hỏi đẩy nhanh, nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới...


 Cử tri khu phố 7A phường Hồng Hải, TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh)
bỏ phiếu bầu chức danh trưởng khu phố nhiệm kỳ 2017 - 2020

Đồng chí Trà Tiến Tài, Bí thư Đảng ủy xã Quế Trung, huyện Nông Sơn (Quảng Nam) chia sẻ, chi bộ nông thôn có nhiều nội dung công tác sát với đời sống bà con, từ công tác tư tưởng, chính trị đến định hướng phát triển sản xuất, huy động nhân dân đóng góp xây dựng nông thôn mới, bình xét hộ nghèo… Xã đang dồn sức cho xây dựng thôn nông thôn mới. Là đảng viên lãnh “vai” bí thư đã khó, đồng chí nào kiêm trưởng thôn nghĩa là phải triển khai, thực hiện trực tiếp các chính sách, quyết định của các cấp đến từng hộ dân, càng khó hoàn thành tốt. Chính sách đãi ngộ đối tượng này cũng chưa phù hợp. Vì vậy, xã có 10 thôn nhưng chỉ hai thôn thực hiện được mô hình.

Tại xã miền núi Pa Bhing, huyện Nam Giang (Quảng Nam), nơi có hơn 83% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, Bí thư Đảng ủy xã A Lăng Vang chia sẻ: “Làm bí thư có thể là đảng viên trẻ, còn trưởng thôn, bản ở đây phải là người lớn tuổi, có uy tín trong dân. Mà bà con mình, dòng họ nào cũng muốn có người làm cán bộ, nên không muốn vậy đâu”. Đây là nếp nghĩ vẫn tồn tại ở không ít địa phương.

Đến nay, tỉnh Quảng Nam có 18/18 đầu mối cấp huyện triển khai mô hình, nhưng mới có 497 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, trong tổng số 1.719 thôn toàn tỉnh, tỷ lệ mới đạt gần 29%. Trong khi huyện Đại Lộc đạt 100%, Phú Ninh gần 57%, Bắc Trà My 51% thì nhiều huyện còn đạt tỷ lệ rất thấp. Tỉnh Hà Tĩnh, sau 5 năm thực hiện sắp xếp lại đơn vị cấp thôn, toàn tỉnh đã giảm từ 2.837 xuống còn 2.115 thôn và giảm được hơn 24 nghìn cán bộ thôn. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh còn 625 trưởng thôn chưa là đảng viên.

Tương tự, nhiều tỉnh qua nhiều năm triển khai mô hình nhưng tỷ lệ đạt chưa như mong muốn. Nguyên nhân, cơ bản là do vai trò lãnh đạo của đảng ủy xã, chi bộ thôn đối với cấp thôn còn hạn chế; nhận thức ở từng địa phương với công tác này chưa ngang tầm.

Ngoài ra, có nguyên nhân là ở nhiều tỉnh hiện nay đội ngũ bí thư chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố hầu hết tuổi đời cao. Nhiều địa phương còn tỷ lệ từ 20% đến hơn 30% trưởng thôn chưa phải là đảng viên. Cùng với đó là năng lực thực tế hạn chế của đội ngũ cán bộ không chuyên trách dẫn đến việc lựa chọn nhân sự “ngang tầm” vị trí này không dễ. Mặt khác, cấp ủy và quần chúng sở tại chưa có “tiếng nói và sự lựa chọn chung” đối với nhân sự được bầu và cử giữ “hai vai”.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn nhìn nhận, đội ngũ cán bộ thôn là người tuyên truyền, triển khai các chủ trương, nghị quyết của cấp trên trực tiếp đến người dân, là đầu tàu của cộng đồng dân cư trong thực hiện nhưng chưa thật sự được quan tâm từ khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến chế độ chính sách đãi ngộ... Từ đó việc thực hiện, nhân rộng mô hình ở từng địa phương đòi hỏi phải đồng bộ về giải pháp và chính sách với lộ trình phù hợp.

Phát huy vai trò đội ngũ dân tin, Đảng cử

Trong bối cảnh chung, một số địa phương đã triển khai hiệu quả mô hình nhất thể hóa nói trên với các giải pháp sáng tạo, đồng bộ. Được biết, năm 2013, Huyện ủy Đại Lộc (Quảng Nam) ban hành Chương trình thực hiện mô hình toàn huyện. Khi đó, huyện mới có hai thôn bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, do nhiệm kỳ trước, một số xã thực hiện không thành công, với quy trình, giải pháp thiếu căn cơ, dân chủ. Một số trường hợp nhân sự được dự kiến, được đại hội bầu giữ chức bí thư chi bộ nhưng khi đưa ra dân bầu cử trưởng thôn, trưởng khu phố lại không trúng vì uy tín với dân không cao. Hai nhiệm kỳ đại hội chi bộ gần đây, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo theo phương châm “dân tin, Đảng cử”. Theo đó, địa phương tổ chức bầu cử trưởng thôn trước. Các chi bộ lựa chọn những đảng viên uy tín cao giới thiệu hiệp thương, ứng cử chức danh trưởng thôn để bà con dân chủ bầu chọn. Sau khi nhân sự trúng cử trưởng thôn, chi bộ tiến hành đại hội; giới thiệu đồng chí đó để bầu bí thư chi bộ. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị về nhân sự, quy trình hợp lý gắn liền tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, huyện Đại Lộc triển khai thành công mô hình trên. Hiện Đảng bộ huyện đã có 160/160 bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Trần Văn Mai cho biết, Huyện ủy đang chỉ đạo tiếp tục củng cố, kiện toàn đội ngũ này theo hướng chất lượng, tinh gọn và hiệu quả.

Sau 5 năm triển khai thí điểm, năm 2016, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Chỉ thị về “Thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017-2020”, đề ra mục tiêu 100% số thôn, khu phố toàn tỉnh nhất thể hóa hai chức danh trong năm 2018. Cùng nhiều địa phương khác trong tỉnh, thị xã Quảng Yên đã cơ bản hoàn thành mục tiêu nêu trên. Bí thư Thị ủy Quảng Yên Nguyễn Văn Vinh cho biết: Nhìn chung đội ngũ này phát huy được vai trò lãnh đạo của chi bộ và trách nhiệm của đảng viên là trưởng thôn đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở khu dân cư.

Mới đây, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã thành lập năm tổ công tác của Tỉnh ủy đi thực tế, rà soát, kiểm tra thực hiện ở tất cả các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Trên cơ sở đó, nắm rõ những khúc mắc, tồn tại phát sinh ở từng khâu để kịp thời chỉ đạo giải quyết, khắc phục.

Tại Thanh Hóa, khi 635 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh với đội ngũ cán bộ không chuyên trách quá đông, tới 28.420 người, Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy dồn sức chuẩn bị nguồn nhân sự để sớm thực hiện chủ trương này. Đến nay, toàn tỉnh có 1.835 /5.918 thôn, bản, khu phố đã thực hiện mô hình trên. Nhiều huyện như Quan Sơn, Quan Hóa, Như Xuân, Quảng Xương, Yên Định đã thực hiện nhất thể chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn đạt tỷ lệ từ 70% trở lên. Toàn tỉnh đã giảm được hàng nghìn cán bộ không chuyên trách ở thôn.

Từ quá trình triển khai thành công mô hình, cấp ủy chính quyền các địa phương cùng đánh giá đây là một nội dung quan trọng trong tiến trình tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả từ cấp cơ sở.

Tuy nhiên, kinh nghiệm từ quá trình triển khai, nhân rộng mô hình tại các địa phương cho thấy đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự dự kiến. Có quy trình tiến hành chặt chẽ, phù hợp bảo đảm sự đồng thuận cả trong quần chúng và tổ chức đảng. Khi đã hoàn thiện mô hình cán bộ “hai vai”, cần sớm xây dựng quy chế làm việc của chi bộ thôn, khu phố; quy định rõ chức trách, nhiệm vụ của bí thư chi bộ, của trưởng thôn, khu phố; coi trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực toàn diện; có chính sách đãi ngộ phù hợp cho đội ngũ này. Gắn liền với đó, cần coi trọng công tác kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ “hai vai”, tránh lạm quyền, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ khi được “dân tin, Đảng cử” .

Nguồn: nhandan.org.vn, 9/4/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất