Thứ Ba, 26/11/2024
Quảng Ninh: Nâng cao các chỉ số trong cải cách hành chính, tạo nền tảng xây dựng chính quyền hành động

Nỗ lực của cả hệ thống chính trị

Chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh), Chỉ số PAPI (hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), Chỉ số PAR INDEX (cải cách hành chính), Chỉ số SIPAS (Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính) là các chỉ số đánh giá, xếp hạng một số mặt đối với hoạt động của bộ máy chính quyền, đối với hiệu quả công tác CCHC của các địa phương. Về cơ bản, các chỉ số đều được lượng hóa nhờ những tiêu chí đánh giá cụ thể, việc đánh giá phụ thuộc vào quy mô mẫu, lựa chọn phạm vi, đối tượng, thời gian nhất định… Nhưng tựu trung kết quả đều hướng tới sự khách quan, minh bạch và đặc biệt là đánh giá đúng về mức độ hài lòng của người dân đối với hoạt động của bộ máy hành chính.

Những kết quả đạt được đối với các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI trong năm 2017 thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo từ tỉnh đến các xã, phường; sự vào cuộc tích cực, trực tiếp của đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh Quảng Ninh đối với công tác cải cách hành chính. Ngay từ cuối năm 2016, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã xác định chủ đề công tác năm 2017 là “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh” và UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện. Đồng thời, xác định việc thực hiện tốt công tác cải cách hành chính phải gắn liền với kỷ luật, kỷ cương hành chính nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.

Với 89,45/100 điểm, Quảng Ninh đã xuất sắc vượt lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017 với 8 chỉ số thành phần cụ thể: Chỉ số chỉ đạo điều hành cải cách hành chính đạt 8,5/10 điểm, đứng thứ 9/63, chỉ số xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật đạt 8,87/10 điểm, đứng thứ 8/63. Chỉ số cải cách thủ tục hành chính đạt 14,5/14,5 điểm, đứng thứ 1/63, chỉ số cải cách tổ chức bộ máy đạt 8,87/11 điểm, đứng thứ 21/63, chỉ số xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức đạt 13,58/16 điểm, đứng thứ 6/63, chỉ số cải cách tài chính công đạt 6,4/7,0 điểm, đứng thứ 2/63, chỉ số hiện đại hóa hành chính đạt 13,23/16 điểm, đứng thứ 3/63, chỉ số tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội đạt 15,5/15,5 điểm, đứng thứ 1/63.

Chỉ số SIPAS, tỷ lệ hài lòng của người dân khá cao đạt 92,88%, đứng thứ 5 toàn quốc, tỷ lệ người dân chưa thực sự hài lòng là 6,8% và không hài lòng là 0,32%. Chỉ số PAPI của tỉnh tiếp tục ghi nhận sự cải thiện đáng kể về cả điểm số và thứ hạng. Năm 2017, chỉ số PAPI của Quảng Ninh đạt 36,73 điểm, đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố và nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt điểm trung bình cao và là tỉnh đứng thứ 2 có biên độ tăng cao nhất của cả nước.

Ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, nhận định: Việc dẫn đầu cả nước về PAR INDEX và sự cải thiện đáng kể về thứ hạng các chỉ số SIPAS, PAPI là sự ghi nhận những nỗ lực cải cách hành chính của Quảng Ninh trong thời gian qua. Điều này cho thấy, các định hướng và chính sách cải cách của Quảng Ninh đã nhận được sự tin tưởng và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp cũng như là đội ngũ công chức và lãnh đạo quản lý làm việc tại chính quyền các cấp ở địa phương. Đây là một tín hiệu hết sức lạc quan, tạo động lực cho chính quyền các cấp trong tỉnh tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao, thúc đẩy nhanh tiến trình cải cách trong thời gian tới.

Quyết tâm vượt qua thách thức

Mặc dù đã có những tiến bộ vượt bậc trong các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI năm 2017 nhưng Quảng Ninh vẫn chưa hài lòng với những kết quả đạt được. Ngay sau khi các chỉ số được trung ương công bố, ngày 21/5/2018, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị phân tích, đánh giá Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI tỉnh Quảng Ninh năm 2017, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC năm 2018 và những năm tiếp theo. Tại đây, những hạn chế, tồn tại trong cải cách hành chính được tỉnh nhìn nhận, chỉ rõ.

Điển hình là kết quả phân tích Chỉ số PAR INDEX cho thấy một số tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính của tỉnh như: Công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh còn có những văn bản chưa đảm bảo chất lượng, chưa có tính khả thi cao trong thực tiễn, công tác sắp xếp, tổ chức, bộ máy, đặc biệt là việc thực hiện quy định về cơ cấu số lượng lãnh đạo tại một số cơ quan hành chính chưa đảm bảo đúng số lượng theo quy định; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh còn chưa đạt chuẩn theo yêu cầu... Trong Chỉ số SIPAS cũng còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết thủ tục hành chính dẫn đến sự hài lòng của người dân không cao như: Còn tình trạng một số công chức gây phiền hà, sách nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính, một số cơ quan hành chính nợ đọng, trễ hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính, người dân còn phải đi lại nhiều lần, tỷ lệ người dân được tiếp cận thông tin về thủ tục hành chính qua mạng internet còn thấp...

Đặc biệt, trong việc nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công (PAPI) Quảng Ninh vẫn còn nhiều thiếu sót như: Quá trình xét duyệt hộ nghèo, công khai danh sách hộ nghèo; tiêu chí, quy trình lựa chọn người nghèo vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu hợp lý. Việc công khai các thông tin về thu chi ngân sách cấp xã, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, khung giá đất vẫn còn nhiều bất cập. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng yêu cầu. Qua khảo sát vẫn có thông tin về tình trạng cán bộ, công chức gây khó dễ khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng cho người dân. Công tác xử lý các vụ việc vi phạm của cán bộ tại một số địa phương chưa triệt để...

Phát biểu tại Hội nghị phân tích, đánh giá Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI tỉnh Quảng Ninh năm 2017, đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính năm 2018 tổ chức ngày 21/5 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long khẳng định việc thực hiện các nội dung cải cách hành chính phải lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả. Đồng chí cũng yêu cầu các cấp, các ngành cần phải nhìn thẳng vào những thách thức, hạn chế để khắc phục, người dân chưa hài lòng nội dung gì thì phải có giải pháp thật cụ thể đối với từng tiêu chí của các Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI. Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định và nhất quán quan điểm công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2018 và các năm tiếp theo của Quảng Ninh.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và toàn thể CB,CC,VC, người lao động tại các cơ quan nhà nước, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác CCHC, cải thiện và nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI của tỉnh. Tỉnh cũng yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị quán triệt sâu sắc tinh thần “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả”; tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, tạo chuyển biến căn bản, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, nhất là các chỉ số đang có điểm số và xếp hạng thấp.

Hà Chi

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất