Với 6 nội dung đang thực hiện trong cải cách hành chính (CCHC): cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa hành chính, trong đó, cải cách các thủ tục liên quan đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp luôn được Yên Bái coi là khâu đột phá của CCHC.
Tập trung khâu đột phá trong CCHC, ngày 29/7/2015, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1651 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 13 ngày 10/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong công tác cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Trong đó, đã giao trách nhiệm, nhiệm vụ cho giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện hàng năm phải tổ chức rà soát, đánh giá sự cần thiết, tính hợp lý và hiệu quả các TTHC, đề xuất cắt giảm tối đa các TTHC rườm rà, không cần thiết; nghiên cứu đề xuất sáng kiến CCHC, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng quy trình giải quyết TTHC bảo đảm nhanh, gọn, rút ngắn thời gian giải quyết cho cá nhân, tổ chức; tổ chức tiếp nhận thông tin, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết TTHC; niêm yết công khai, xử lý nghiêm cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, chậm trễ, gây phiền hà trong giải quyết TTHC...
Thực hiện Nghị định số 53/2010/NĐ - CP ngày 8/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát TTHC và các thông tư hướng dẫn thi hành, hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo việc rà soát đánh giá TTHC trên địa bàn tỉnh. Căn cứ kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ngành và UBND huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch rà soát các TTHC để thực hiện tại cơ quan đơn vị, địa phương.
Từ đó, kịp thời phát hiện những TTHC, quy định hành chính được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương và của UBND tỉnh đã được ban hành còn vướng mắc, bất cập, không cần thiết... Kết quả, qua rà soát, đánh giá, ngày 21/7/2017, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi các bộ, ngành có liên quan xem xét, xử lý 8 TTHC đơn lẻ có liên quan đến các ngành.
Cùng công khai TTHC, việc tiếp nhận và xử lý TTHC tại các cấp chính quyền được tăng cường. Kết quả được thể hiện, trong năm 2016, với tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết là 443.740 hồ sơ, trong đó số mới tiếp nhận là 419.043 hồ sơ. Các cấp chính quyền đã giải quyết 438.755 hồ sơ, trong đó giải quyết đúng hạn 438.598 hồ sơ, số quá hạn là 157 hồ sơ.
Hiện, đang tiếp tục giải quyết 4.985 hồ sơ, trong đó chưa đến hạn 4.968 hồ sơ, quá hạn 17 hồ sơ. Năm 2017, tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết là 418.826 hồ sơ, trong đó, số mới tiếp nhận là 415.835 hồ sơ. Kết quả đã giải quyết 410.293 hồ sơ, số đang giải quyết 7.527 hồ sơ, trong đó chưa đến hạn 4.944 hồ sơ.
Bên cạnh kết quả đạt được, trên thực tế, nhiều TTHC còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp nhất là lĩnh vực đất đai, xây dựng, tài nguyên. Đặc biệt, việc giải quyết công việc về TTHC ở một số cơ quan, đơn vị còn chậm thời gian; việc thực hiện cơ chế một cửa ở một số cơ quan đơn vị vẫn còn hình thức, đơn lẻ; việc niêm yết công khai TTHC, địa chỉ tiếp nhận, phản ánh kiến nghị về quy định hành chính tại nơi tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên đúng quy định.
Một số cán bộ, công chức, viên chức năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công tác, kiến thức hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa chủ động tích cực trong công việc, thậm chí có biểu hiện sách nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực...
Để khâu đột phá đạt hiệu quả, thúc đẩy nhanh công tác CCHC, trong thời gian tới, Yên Bái tiếp tục nâng cao vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu các ngành các cấp trong triển khai thực hiện, gắn kết quả thực hiện công tác kiểm soát TTHC bằng những kế hoạch hàng năm, hàng tháng; có sự phân công rõ ràng trách nhiệm thực hiện, trách nhiệm phối hợp và thời gian hoàn thành. Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ kiểm soát TTHC cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm đầu mối kiểm soát TTHC tại sở, ban, ngành; UBND cấp xã.
Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm soát TTHC tại các sở, ban, ngành, địa phương; đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các cấp thực hiện tốt việc rà soát các TTHC đang thực hiện để có những đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ những TTHC hoặc bộ phận tạo thành của TTHC không phù hợp, hiệu quả, không cần thiết để giảm chi phí cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC.
Thực hiện công bố, niêm yết công khai đầy đủ TTHC thuộc phạm vi quản lý và thẩm quyền giải quyết của các sở ngành, UBND các cấp đảm bảo thuận lợi cho cá nhân tổ chức tra cứu, theo dõi nội dung các TTHC; niêm yết công khai, chính xác địa chỉ cơ quan tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân về quy định TTHC và thái độ, hành vi của cán bộ, công chức khi giải quyết TTHC.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và sự tham gia của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về ý nghĩa, mục tiêu và tầm quan trọng của công tác kiểm soát TTHC; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan đoàn thể trong tham gia tuyên truyền về CCHC.
Quan tâm cải cách TTHC, gắn với việc đưa Trung tâm phục vụ Hành chính công của tỉnh, Trung tâm và Bộ phận thực hiện Hành chính công các huyện thị, thành phố, chắc chắn công tác phục vụ của bộ máy đối với tổ chức, cá nhân sẽ nâng lên một bước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mỗi địa phương.
Nguyễn Đình/Báo Yên Bái điện tử