Thứ Bảy, 11/1/2025
Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Bộ đội Biên phòng

Để huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân, 60 năm qua, với khẩu hiệu: “Ba bám” “Bốn cùng”, những người lính Biên phòng luôn gắn bó máu thịt với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi biên giới, biển đảo, sát cánh cùng nhân dân bảo vệ từng tất đất thiêng liêng của Tổ quốc. Hình ảnh thầy giáo quân hàm xanh, thầy thuốc quân hàm xanh tận tình cứu người, “gieo chữ” trên vùng biên gian khó hay những người lính lao vào cơn lũ để cứu người, cứu tài sản cho nhân dân; những “kỹ sư nông nghiệp” cặm cụi bên bờ ruộng hướng dẫn bà con làm kinh tế đã in đậm trong lòng đồng bào các dân tộc với những cái tên đầy yêu thương “người con của bản làng”.

Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, công tác VĐQC của BĐBP cũng đã có những bước tiến quan trọng. Ngay sau khi có Nghị quyết 25, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ban hành nghị quyết, chương trình hành động về tăng cường và đổi mới công tác VĐQC của BĐBP trong tình hình mới và tổ chức quán triệt cho cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ nắm vững nội dung và giải pháp, vị trí, tầm quan trọng của công tác VĐQC để thực hiện có hiệu quả công tác VĐQC trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới bằng các hình thức tuyên truyền tập trung, tuyên truyền trực tiếp hoặc kết hợp giữa tuyên truyền miệng với các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ. Qua đó, nắm chắc tình hình địa bàn, dư luận trong nhân dân; kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp giải quyết những vướng mắc trong đơn vị, địa bàn; kiên quyết đấu tranh với các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, chính quyền và BĐBP.

BĐBP cũng làm tốt công tác tham mưu và tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở các xã, phường biên giới vững mạnh, từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý điều hành của cấp ủy, chính quyền đối với các nhiệm vụ của địa phương. Đồng thời, tăng cường 332 cán bộ BĐBP cho các xã trọng điểm ở khu vực biên giới, trong đó, nhiều đồng chí trực tiếp tham gia vào hệ thống chính trị cơ sở và đã phát huy tốt năng lực. Bên cạnh đó, để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng địa phương, BĐBP cũng giới thiệu 1.447 đảng viên ở các đồn Biên phòng tham gia sinh hoạt đảng tạm thời tại các chi bộ thôn, bản biên giới. Một trong những điểm nhấn quan trọng đầy sáng tạo trong công tác VĐQC chính là BĐBP đã có nhiều mô hình, cách làm hay, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giúp dân xóa đói giảm nghèo ở khu vực biên giới.

Chia sẻ về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP cho biết: BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Từ yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tế địa bàn, điều kiện tự nhiên khu vực biên giới đặt ra, BĐBP muốn hoàn thành nhiệm vụ phải gắn bó máu thịt với nhân dân. Hơn thế, đây còn là đường lối, quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc. Chính vì vậy, trong suốt 60 năm qua, cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc, coi đồng bào như anh em ruột thịt, đồng thời đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bà con, để xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.

Từ quan điểm, chủ trương đó, công tác VĐQC được xác định là biện pháp công tác nghiệp vụ cơ bản của BĐBP, làm cơ sở, nền tảng cơ bản để tiến hành tất cả các biện pháp công tác biên phòng để quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Từ khi có Nghị quyết số 25, việc quán triệt triển khai nhiệm công tác VĐQC trong BĐBP được đẩy mạnh hơn bằng các nghị quyết chuyên đề, các chương trình hành động của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh, tập trung sâu vào các phong trào, mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo như: Chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, “Nâng bước em tới trường”, “Hãy làm sạch biển”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”...

Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ động báo cáo Bộ Quốc phòng trình Chính phủ ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 về việc “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Từ khi Chỉ thị 01 ra đời, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai vận động và tổ chức cho các gia đình có ruộng, nương, đồi rừng ở khu vực biên giới ký kết tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới với quan điểm “ở đâu có ruộng nương, đồi rừng của dân, ở đó có lực lượng, có nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới”. Cùng với hoạt động tự quản về đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn bản, các đơn vị BĐBP cũng lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... Qua đó, giúp cho nhân dân nâng cao tinh thần tự giác, xác định tốt trách nhiệm công dân, chủ động tham gia giữ gìn an ninh trật tự, góp phần xây dựng khu vực biên giới phát triển, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.


 Phụ nữ, thanh niên xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, Hà Giang cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Săm Pun phát quang bảo vệ cột mốc

Thêm một điểm nhấn đầy sáng tạo trong công tác VĐQC của BĐBP thời gian qua chính là công tác đối ngoại biên phòng với mô hình “kết nghĩa bản - bản”, “Xây dựng đồn - trạm hữu nghị, biên giới bình yên”. Đến nay, trên tuyến biên giới đã có 176 cặp cụm dân cư hai bên biên giới được ký kết (trong đó, tuyến Việt Nam - Trung Quốc 38 cặp; tuyến Việt Nam - Lào 100 cặp; tuyến Việt Nam - Campuchia 38 cặp). Còn tại các khu vực biên giới cửa khẩu trọng điểm, BĐBP Việt Nam đã phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới của nước láng giềng tổ chức kết nghĩa với 137 đồn Biên phòng Việt Nam (trong đó, tuyến Việt Nam - Trung Quốc có 63 đồn; tuyến Việt Nam - Lào 60 đồn; tuyến Việt Nam - Campuchia 15 đồn)... Nhờ đó, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng hướng về biên giới, tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Chương trình “Nâng bước em tới trường” được triển khai từ 2014, đến nay, BĐBP đã đỡ đầu 2.844 cháu với mức hỗ trợ 500.000 đồng/cháu/tháng cho các cháu học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 ở khu vực biên giới có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 87 cháu học sinh của Lào, 99 cháu học sinh của Campuchia, 40 cháu nuôi tại đồn Biên phòng, 820 cháu mồ côi. Thông qua Chương trình “Nâng bước em tới trường”, điều mà Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP và cán bộ, chiến sĩ mong muốn chính là “gieo mầm tương lai” để đào tạo, bồi dưỡng lớp chủ nhân tương lai của các địa phương thuộc khu vực biên giới là những người có tri thức, năng lực, có hoài bão để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Hay như Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, mặc dù mới phát động, song, Bộ Tư lệnh BĐBP cùng Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vào cuộc rất quyết liệt đã trao tặng 40 con bò giống trị giá 600 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng 14 công trình phụ trợ nhà văn hóa thôn tại các xã biên giới khó khăn trị giá gần 100 triệu đồng; đồng thời, toàn thể cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã nhắn gần 40.000 tin nhắn ủng hộ chương trình trị giá gần 800 triệu đồng...

Hoa Hạ/Báo Biên phòng

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất