Thời gian qua, việc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước với người dân và tổ chức về tình hình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trong các lĩnh vực luôn được các sở, ban, ngành, địa phương trên toàn tỉnh quan tâm. Lãnh đạo các đơn vị này dành nhiều thời gian trực tiếp đối thoại với công dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công dân để kịp thời giải quyết.
Kịp thời giải quyết vướng mắc
Nói đến công tác đối thoại TTHC, ông Mai Tấn Khang ở xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), cho biết: Các vấn đề được đưa ra đối thoại thường là những vấn đề “nóng” liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng… Thông qua việc đối thoại này, tôi và nhiều người hiểu đầy đủ quy trình khi tham gia thực hiện TTHC; thông tin cũng được chính quyền địa phương công khai, minh bạch. Tôi thấy khá hài lòng”. Còn chị Nguyễn Ánh Hồng (huyện Sơn Hòa) vui vẻ cho biết: “Tại buổi đối thoại TTHC về lĩnh vực việc làm, những thắc mắc của mình được trả lời cụ thể và hướng dẫn chi tiết nên tôi tự tin đi tìm việc và giờ đã có công việc ổn định”. Không những ông Khang, chị Hồng mà hầu hết người dân đến tham dự đối thoại TTHC đều hài lòng khi thấy tất cả ý kiến đều lần lượt được trả lời, giải thích rõ ràng.
Theo ông Võ Ngọc Kha, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, thành phố đã ban hành kế hoạch tổ chức đối thoại TTHC hơn 1 năm nay. Theo đó, địa phương thực hiện đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước với người dân và tổ chức về tình hình giải quyết TTHC trong các lĩnh vực: đất đai, xây dựng, hộ tịch, chứng thực, bảo trợ xã hội.
Tại các buổi đối thoại, lãnh đạo UBND thành phố trao đổi, giải thích, tiếp thu, trả lời ý kiến, kiến nghị của nhân dân hoặc giao cơ quan chuyên môn trực tiếp trả lời. Sau các buổi đối thoại, địa phương đều có thông báo kết luận của lãnh đạo UBND thành phố để chỉ đạo thực hiện các ý kiến, kiến nghị của tổ chức, cá nhân.
Còn theo ông Nay Y Blung, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, thông qua việc đối thoại với công dân, lãnh đạo huyện nhận thấy sự hài lòng của người dân về tình hình giải quyết TTHC được nâng lên; trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính cũng nâng cao, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đồng thời làm cơ sở cho việc chỉ đạo, xử lý, giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; kết hợp việc làm rõ nội dung khiếu nại, tố cáo với công tác vận động, thuyết phục công dân chấp hành quy định pháp luật, không để phát sinh tình hình phức tạp…
Góp phần cải cách hành chính
Theo UBND tỉnh, mục đích của công tác đối thoại TTHC là tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước với nhân dân và các tổ chức để kịp thời giải quyết vướng mắc trong thực hiện TTHC. Thông qua đối thoại, các cơ quan chức năng còn khảo sát sự hài lòng của người dân về tình hình giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh. Đồng thời nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách TTHC, góp phần nâng cao chỉ số PCI, PAPI của tỉnh; đảm bảo thực hiện tốt chức năng giám sát của nhân dân trên các lĩnh vực đời sống, xã hội, tham gia đóng góp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết kịp thời đề xuất, kiến nghị, các vấn đề còn tồn tại trong quy định, TTHC; tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết: Tỉnh yêu cầu việc tổ chức đối thoại phải bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch, thiết thực và hiệu quả, tạo điều kiện để người dân được tham gia ý kiến. Các ý kiến góp ý, phát biểu trong đối thoại phải được ghi chép đầy đủ, trung thực và có văn bản trả lời giải quyết của cơ quan có thẩm quyền để người dân biết, thực hiện. Đồng thời đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị có liên quan trong xử lý, tiếp thu các ý kiến góp ý, tuyên truyền về các chính sách quy định của pháp luật. Qua đó góp phần nâng cao công tác cải cách hành chính của tỉnh.
Phạm Thùy/Báo Phú Yên điện tử