Thứ Ba, 24/12/2024
Hà Nội nâng cao ý thức người tiêu dùng về an toàn thực phẩm

Trong thời gian qua, toàn quốc đã ghi nhận 73 vụ ngộ độc thực phẩm khiến gần 1.600 người mắc, 1.400 người nhập viện và 17 trường hợp tử vong. Riêng tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố ghi nhận 7 vụ ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp) với 31 trường hợp mắc và 6 trường hợp tử vong.


Trước những lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm, thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngày 10-3-2017, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 371/CĐ-TTg về khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với Hà Nội, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm, chỉ đạo sát sao, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tăng cường quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, trong đó giải pháp quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện an toàn thực phẩm...

Tuy vậy, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đang phải đối mặt với những thách thức lớn như vấn đề dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, hoá chất bảo quản trong nông sản thực phẩm vẫn chưa kiểm soát được. Vấn đề chế biến thực phẩm còn nhiều hạn chế do trình độ, quy mô sản xuất, chế biến thực phẩm ở nước ta chủ yếu vẫn là chế biến thủ công, hộ gia đình, cá thể. Điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của các cơ sở chế biến thực phẩm loại này hầu như không đạt yêu cầu. Thực phẩm buôn bán trên thị trường vẫn chưa kiểm soát hiệu quả, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm nhập lậu còn lưu thông trên thị trường. Thực phẩm, phụ gia thực phẩm, hoá chất bảo vệ thực vật và thuốc thú y nhập lậu qua biên giới diễn biến rất phức tạp gây nhức nhối, bức xúc cho các cơ quan quản lý và xã hội. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm của một số tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng còn chưa cao… Thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và sự phát triển giống nòi.

Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới Nguyễn Hoàng Long cho biết, để ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi thực phẩm không an toàn, ngoài việc tăng cường quản lý, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, cần tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cộng đồng. Mục đích của buổi tọa đàm trực tuyến về “Nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm” là rất cần thiết, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc cung cấp thực phẩm an toàn; nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm an toàn, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc... Mặt khác, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Theo ông Trần Văn Chung - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 59.109 cơ sở thực phẩm sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua kiểm tra 8 tháng đầu năm, tuyến xã, phường, thị trấn và quận, huyện, thị xã đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm với tổng số tiền phạt gần 1.9 tỷ đồng. Việc xử phạt các đơn vị vi phạm bước đầu đã thực hiện ở các xã, phường nhưng quá trình thanh tra, xử lý gặp khó khăn do nhiều viên chức xã, phường chưa có kiến thức, kinh nghiệm thanh tra... Số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn chủ yếu là cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc... gây khó khăn cho việc thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm và xử lý vi phạm hành chính.

Tâm lý "làng xóm, họ hàng" cũng phần nào làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính. Tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu không đảm bảo từ các tỉnh về Hà Nội tuy giảm nhưng vẫn còn tồn tại. Việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, rau, củ, quả kinh doanh tại các chợ, các điểm nhỏ, lẻ gặp nhiều khó khăn. Nhân lực triển khai tại các quận, huyện được phân công theo dõi về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản đều kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và chuyên môn phù hợp.

Các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã giải đáp và cung cấp cho bạn đọc nhiều kiến thức liên quan đến sử dụng thực phẩm sạch, hạn chế những thực phẩm bẩn, không an toàn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Trước lo ngại của người dân về tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm ở các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết đây là một trong bốn khó khăn đang tồn tại trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn, thành phố Hà Nội có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ, lẻ, chủ yếu tập trung ở các phường, xã.

Ngoài việc tăng cường phân cấp, Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố cũng đề ra giải pháp thông tin tuyên truyền để người dân nắm được thông tin để lựa chọn, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng nâng cao ý thức thực hiện các quy định an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong thời gian tới, thành phố cũng sẽ triển khai mở rộng, tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trên điạ bàn toàn thành phố, tập trung tăng cường quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ trên địa bàn./.

Tuyết Mai

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi