UBND tỉnh Điện Biên đã tham
mưu Thường trực Tỉnh ủy, ban hành thông báo về điều chỉnh, bổ sung cơ
cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu QH khóa
XIV gồm 10 người, trong đó có một nam người dân tộc Kinh, ba nam người
dân tộc Mông, ba nữ người dân tộc Thái và ba nữ người dân tộc Khơ Mú
là người ngoài Đảng. Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hiệp thương lần thứ
nhất. Tỉnh Điện Biên được bầu 51 đại biểu HĐND, dự kiến giới thiệu 91
người ứng cử. Đến thời điểm này, Điện Biên không có người tự ứng cử đại
biểu Quốc hội và HĐND tỉnh...
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong thời
gian tới Ủy ban bầu cử tỉnh sớm hoàn tất hồ sơ, lập danh sách sơ bộ
những người được giới thiệu ứng cử; tổ chức tốt công tác lấy ý kiến
nhân dân, rà soát tư cách người ứng cử theo thời gian luật định; đặc
biệt tuyên truyền bằng các phương pháp dễ hiểu, gần gũi với nhân dân,
bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho cuộc bầu cử nhất là tại các địa
bàn biên giới, không để tình hình phức tạp xảy ra.
* Ngày 14/3, đoàn công tác của Hội đồng Bầu cử
Quốc gia do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban
Dân vận T.Ư, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các
vấn đề xã hội của QH làm trưởng đoàn, đã giám sát, kiểm tra công tác
bầu cử đại biểu QH khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ
2016-2021 tại tỉnh Bến Tre.
Theo Ủy ban bầu cử tỉnh Bến Tre, kết quả hiệp
thương lần thứ nhất, trên địa bàn tỉnh đã giới thiệu 12 người ứng cử
đại biểu QH; giới thiệu 101 người ứng cử để bầu 55 đại biểu vào HĐND
cấp tỉnh; giới thiệu 650 người ứng cử để bầu 321 đại biểu vào HĐND cấp
huyện, thành phố thuộc tỉnh và giới thiệu 8.613 người ứng cử để bầu
4.370 đại biểu vào cấp xã.
Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị, Ủy ban bầu cử
tỉnh lãnh đạo tốt công tác nhân sự; bầu đủ số lượng, bảo đảm chất
lượng, lãnh đạo thực hiện các bước tiếp sau đúng quy trình bầu cử, động
viên nhân dân thực hiện quyền bầu cử đúng luật, giữ gìn an ninh chính
trị và trật tự an toàn xã hội. Công tác tuyên truyền cần làm cho mọi
người hiểu đúng về mục đích và ý nghĩa của cuộc bầu cử lần này, nâng
cao lòng yêu nước để thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ công dân,...
Hiện tại, Bến Tre không có người tự ứng cử đại
biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND cấp tỉnh. Chỉ có một người tự ứng cử ở
cấp huyện và 34 người tự ứng cử ở cấp xã.
* Sáng 14/3, đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu
cử QH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 do đồng chí Uông Chu Lưu,
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch QH, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia làm
trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Sơn La.
Theo báo cáo của Ủy ban bầu cử tỉnh, đến nay, Sơn
La đã hoàn thành tiếp nhận hồ sơ của 10 ứng cử đại biểu QH, 134 hồ sơ
ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, 802 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện
và 9.997 hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND cấp xã, bảo đảm chất lượng, đúng
quy định pháp luật. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số đều tăng hơn so với kỳ
bầu cử trước, cụ thể: cấp tỉnh đạt 78,3%, cấp huyện 71,6%, cấp xã đạt
88%; đại biểu được giới thiệu là nữ cấp tỉnh đạt 44%, cấp huyện 39%,
cấp xã 37%. Sơn La đã thành lập 217 ủy ban bầu cử các cấp. Ban chỉ đạo
công tác bầu cử tỉnh đã tổ chức kiểm tra, giám sát hai đợt tại cơ sở,
Ủy ban bầu cử tỉnh thành lập bốn tổ công tác về công tác nhân sự, giải
quyết khiếu nại tố cáo, thông tin tuyên truyền, bảo đảm cơ sở vật chất
và bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Công tác
chuẩn bị bầu cử của tỉnh Sơn La đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương,
có sự chuẩn bị chu đáo, thực hiện nghiêm túc. Sơn La cần quan tâm tốt
công tác tuyên truyền bầu cử; bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử nhất là
an ninh biên giới; chủ động dự báo tình hình, thực hiện các phương án
bảo đảm cho công tác bầu cử diễn ra thuận lợi, an toàn.
* Ngày 14/3, đoàn công tác do đồng chí Huỳnh Ngọc
Sơn, Phó Chủ tịch QH, Trưởng Tiểu ban An ninh, trật tự, an toàn xã hội,
Hội đồng Bầu cử Quốc gia làm trưởng đoàn, đã kiểm tra, giám sát công
tác bầu cử tại TP Đà Nẵng. Đến nay, Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất
cấp thành phố đã thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được
giới thiệu ứng cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND thành phố nhiệm
kỳ 2016-2021. Trong đó, TP Đà Nẵng được bầu sáu đại biểu QH, bao gồm
bốn đại biểu địa phương và hai đại biểu do Trung ương giới thiệu; giới
thiệu 94 người ra ứng cử, để bầu 50 đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ
2016-2021. Ủy ban bầu cử TP Đà Nẵng đã nhận được ba hồ sơ tự ứng cử đại
biểu QH, năm hồ sơ tự ứng cử đại biểu HĐND thành phố và một hồ sơ tự
ứng cử HĐND cấp phường. Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch phối hợp bảo vệ an
ninh trật tự, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, nhân dân về ý
nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, quyền ứng cử, quyền bầu cử của
công dân; các nội dung cơ bản của Luật Tổ chức QH; Luật Tổ chức chính
quyền địa phương; Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND... Phó Chủ
tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn đánh giá cao những nỗ lực của Đà Nẵng trong việc
tích cực, chủ động chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp,
đề nghị thành phố triển khai cụ thể từng phần việc đến các quận, huyện
và ngành liên quan, không để xảy ra sai sót, tiếp tục rà soát, kiểm
tra hồ sơ ứng cử và tự ứng cử, bảo đảm dân chủ, đúng cơ cấu, thành
phần, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sớm thành lập Tiểu ban
an ninh, quy định rõ chức năng nhiệm vụ của các đơn vị tham gia Tiểu
ban để theo sát tình hình, diễn biến và bảo đảm tốt nhất cho cuộc bầu
cử diễn ra an toàn, dân chủ, đúng quy định pháp luật.
* Ngày 14/3, Ủy ban bầu cử TP Hồ Chí Minh đã bàn
giao hồ sơ ứng cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND thành phố nhiệm
kỳ 2016-2021. Theo đó, có 90 người nộp hồ sơ ứng cử đại biểu QH, trong
đó có 50 người tự ứng cử; có 203 người nộp hồ sơ ứng cử đại biểu HĐND
thành phố, trong đó có 28 người tự ứng cử. Toàn bộ hồ sơ của người được
giới thiệu và người tự ứng cử đại biểu QH và HĐND đều bảo đảm đúng
quy định về thủ tục và thời gian. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh
đã tiếp nhận và thực hiện các bước tiếp theo của quy trình giới thiệu
người ra ứng cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND thành phố nhiệm
kỳ 2016-2021.