Chủ Nhật, 15/12/2024
Giải quyết tốt mối quan hệ giữa cơ cấu và tiêu chuẩn
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VIII tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Hoàng Long

Cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức thi đua thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển 2011), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Tổ chức bộ máy Nhà nước, nhất là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng: “Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn”…, “xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” trên cơ sở “tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.(1)

Hiến pháp nước ta quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Vì vậy bên cạnh đại biểu là đảng viên, cần có tỷ lệ nhất định người ngoài Đảng. Những đặc điểm trên đặt ra cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong mỗi kỳ bầu cử phải có một cơ cấu hợp lý bao gồm những người tiêu biểu nhất trong các giai cấp, dân tộc, tôn giáo, trí thức, doanh nhân, người ngoài Đảng có đủ tiêu chuẩn mà Luật Bầu cử Quốc hội đã quy định. Cụ thể là: Trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp; có phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ văn hóa chuyên môn; có đủ năng lực, sức khỏe và kinh nghiệm công tác; có mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước ta là nước dân chủ: Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(2). Qua các kỳ bầu cử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chất lượng đại biểu cũng như cơ cấu thành phần Quốc hội đã có những bước tiến bộ rõ rệt.

Để cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV đạt được kết quả cao theo tinh thần Chỉ thị 51 CT/TW ngày 4-1-2016, đề nghị:

1. Các cấp ủy cần lãnh đạo tốt công tác nhân sự: Lãnh đạo nhân dân lựa chọn những người tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo chính có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đáp ứng đủ năm tiêu chuẩn mà Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định. Đặc biệt, không giới thiệu những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, những người đang bị thanh tra, kiểm tra có dấu hiệu vi phạm đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận, người đứng đầu các đơn vị để xảy ra những vụ tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết.

Trên cơ sở coi trọng chất lượng, bảo đảm đủ số lượng đại biểu, đúng cơ cấu, thành phần, nhất là phụ nữ, dân tộc, người ngoài Đảng; tăng đại biểu chuyên trách, giảm hợp lý các đại biểu ở các cơ quan hành chính.

2. Trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi đã thỏa thuận với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam về phân bổ số lượng ĐBQH được bầu, xác định cơ cấu thành phần; Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh tổ chức thật tốt ba lần hội nghị hiệp thương để:

Thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương cũng như ở địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH;

Căn cứ vào tiêu chuẩn của ĐBQH, cơ cấu thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức đơn vị được giới thiệu ứng cử ĐBQH đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ nhất để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú;

Trên cơ sở danh sách ứng cử ĐBQH đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh lần thứ hai và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH và gửi danh sách đó đến Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chất lượng cuộc bầu cử, cơ cấu, thành phần các ĐBQH xét cho cùng là do ý kiến nhận xét, sự tín nhiệm của cử tri tại hội nghị cử tri cũng như Hội nghị tiếp xúc cử tri và lá phiếu của cử tri quyết định.

Vì vậy, trong các hội nghị tập huấn cán bộ làm công tác bầu cử, cũng như trong các hội nghị cử tri và hội nghị tiếp xúc cử tri, trước khi giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần làm cho mọi người nhận thức rõ tầm quan trọng của cuộc bầu cử lần này; mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; chất lượng là quyết định, cơ cấu là rất quan trọng. Nói đến chất lượng cuộc bầu cử cao là bao hàm cả cơ cấu, thành phần được thực hiện tốt.

Với ý thức sâu sắc quyền và trách nhiệm của những người đang thực sự làm chủ đất nước, nhân dân ta sẽ hăng hái tham gia Ngày bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; bầu đúng, bầu đủ, không bầu thay, làm cho Ngày bầu cử thật sự là ngày hội của dân tộc.

Nguyễn Túc

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

(1) Trích Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

(2) Trích bài Dân vận, Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 6, Tr 232, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, HN-2011.

Nguồn: nhandan.com.vn, ngày 18/3/2016

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất