Các học viên đến từ ba tỉnh Quảng Trị, Quảng
Bình và Thừa Thiên - Huế tham dự lớp tập huấn do dự án “Nâng cao năng
lực lãnh đạo của cán bộ nữ phục vụ triển khai hội nhập quốc tế” giữa Bộ
Ngoại giao và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Mặt trận Tổ quốc
Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức.
Tại lớp tập huấn, các nữ ứng cử viên lần đầu sẽ được trang bị kiến
thức tổng quan về Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa
phương, vai trò của nữ giới trong chính trị, vấn đề bình đẳng giới trong
các luật hiện hành. Chương trình hành động, cách thức xây dựng một
chương trình hành động hấp dẫn, trình bày chương trình đó tại hội nghị
tiếp xúc cử tri, cách thức làm việc với các cơ quan truyền thông cũng là
những nội dung quan trọng được giới thiệu trong thời gian tập huấn.
Nghị quyết số 11 năm 2007 của Bộ Chính trị đã đề ra nhiệm vụ “phấn
đấu đến năm 2020 cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ
25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các
cấp từ 35% đến 40%”. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội
đồng Nhân dân các cấp năm 2015 quy định “bảo đảm có ít nhất 35% tổng số
người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là
phụ nữ”.
Phát biểu khai mạc, ông Võ Văn Chinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Thừa Thiên - Huế, nhấn mạnh: “Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước đòi hỏi phải phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, sự tham gia
chủ động, tích cực của nam và nữ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của
sự phát triển”.
Lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và sự tự tin trong quá
trình vận động bầu cử, phát huy hơn nữa sự tham gia lãnh đạo, quản lý
của nữ giới trong bộ máy nhà nước
Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án hỗ trợ xây dựng Chương trình
phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nhằm tăng
tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV và nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm
kỳ 2016-2021.
Là đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, các nữ đại biểu
sẽ đại diện cho nhân dân tại địa điểm ứng cử của mình. Vì vậy, kiến thức
về các vấn đề kinh tế xã hội, kỹ năng thu thập thông tin về các vấn đề
cấp bách đang đặt ra đối với các nữ đại biểu là vô cùng quan trọng. Chỉ
khi nắm rõ thông tin, các nữ đại biểu mới tự tin thể hiện và trình bày
trong các chương trình hành động khi đi tiếp xúc cử tri cũng như quyết
tâm theo đuổi các vấn đề mà cử tri đặt ra khi đã trở thành đại biểu.
Các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại ba tỉnh Bắc Trung Bộ là
một trong những nhiệm vụ quan trọng của mỗi đại biểu Quốc hội và Hội
đồng nhân dân, làm sao để phát huy được thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của
tỉnh nhà nhằm tận dụng được các nguồn lực đầu tư trong xây dựng cơ sở
hạ tầng, tạo thuận lợi trong khung chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp
trên địa bàn, bảo đảm chế độ an sinh xã hội cho người dân… Từ đó, xây
dựng đội ngũ nữ ứng cử viên có kiến thức, kỹ năng vững chắc là một trong
nhiều biện pháp giúp bảo đảm thực hiện tốt các kế hoạch phát triển kinh
tế xã hội và từng bước khẳng định vị thế của nữ giới trong đóng góp vào
sự phát triển của đất nước, xã hội.