Thứ Sáu, 13/9/2024
Đồng bào dân tộc thiểu số có đóng góp không nhỏ vào kết quả chung của thành phố Hồ Chí Minh

 Lãnh đạo TPHCM chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn

Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND thành phố. Buổi họp mặt còn có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo của Ban Dân vận Thành ủy, Công an thành phố, Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo, các tổ chức chính trị - xã hội và 200 đại biểu là đồng bào tiêu biểu trên các lĩnh vực, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. HCM.

Cùng nhau xây dựng tâm thế vượt qua khó khăn, tăng tốc để chuẩn bị về đích

Tại buổi họp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. HCM Nguyễn Thành Trung thông báo về kết quả kinh tế - xã hội của thành phố năm qua. Kết quả chung đó, có sự quyết tâm, đồng lòng của hệ thống MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên các cấp của thành phố, cùng sự chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. HCM.

Năm 2024 là năm bản lề triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng của thành phố. Để tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chương trình công tác, chủ đề năm 2024, rất cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, trong đó có đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. HCM, cùng nhau xây dựng tâm thế vượt qua khó khăn, tăng tốc để chuẩn bị về đích và thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ như kế hoạch đã đề ra.

Từ những kinh nghiệm, kết quả đạt được trong thời gian qua, đồng chí Nguyễn Thành Trung tin tưởng trong thời gian tới, đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, thực hiện hiệu quả các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. HCM lần thứ XI đã đề ra, góp phần xây dựng TP. HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Năm 2023, TP. HCM tiếp tục quan tâm, làm tốt chính sách dân tộc. Cụ thể, đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 10.840 trường hợp, hỗ trợ 72 căn nhà ở, nhà tình thương; dạy nghề miễn phí và hỗ trợ việc làm cho hàng trăm trường hợp. Hỗ trợ vay vốn cho 615 trường hợp với số tiền gần 28,4 tỷ đồng; miễn học phí đối với học sinh dân tộc Chăm và Khmer với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng; hỗ trợ 50 giáo viên người dân tộc thiểu số dạy tiếng dân tộc với tổng số tiền gần 500 triệu đồng.

TP. Thủ Đức và các quận, huyện chủ động tổ chức thăm, tặng quà đồng bào dân tộc thiểu số thuộc các diện chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, khó khăn, người già neo đơn, công nhân, học sinh và sinh viên khó khăn... với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng.

Tự hào khi được sống, học tập, làm việc và cống hiến cho TP. HCM

Đại diện cho gần 450.000 người Hoa đang sinh sống tại TP. HCM, ông Vương Bái Xuyên, nguyên Chánh Văn phòng Ban Bảo trợ Trung tâm Hoa văn Khải Tú khẳng định, bà con đồng bào người Hoa rất phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền TP. HCM khi đã có những chính sách thiết thực để bà con yên tâm làm ăn, đóng góp cho sự phồn thịnh của TP. HCM và đất nước Việt Nam thân yêu. “Bà con người Hoa hiện nay rất yên tâm phát huy tiềm lực để tham gia bảo vệ và xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn”, ông Vương Bái Xuyên chia sẻ.

Cũng chia sẻ tại buổi họp mặt, ông Res A Bidine, Trưởng Ban quản trị Thánh đường Mubarak (phường 2, quận 8) cho biết, những năm qua bà con dân tộc Chăm đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ nhiều từ các ban, ngành đoàn thể các cấp của thành phố như: hỗ trợ an sinh xã hội, xây nhà tình thương, cấp học bổng cho các em học sinh… “Từ một dân tộc thiểu số, các cháu có trình độ học vấn thấp đến nay đã có một số em vào ngành y làm bác sĩ tại các bệnh viện, một số em học cao học và có em là giáo viên đứng lớp giảng dạy tại các trường học. Đây là điều mà trước đây chúng tôi không dám mơ ước”, ông Res A Bidine phấn khởi bày tỏ.

Ông Res A Bidine cũng khẳng định cộng đồng người Chăm cũng luôn nghiên cứu các giải pháp để đóng góp cho thành phố, như dự thảo thiết kế khu vực ẩm “Halal food” nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực của đồng bào dân tộc Chăm cũng như giới thiệu văn hóa Chăm đến khách du lịch.

Là người có uy tín trong cộng đồng, ông cũng khẳng định sẽ luôn là chiếc cầu nối giữa chính quyền, các dân tộc anh em tại thành phố và bà con dân tộc Chăm.

Nhắc đến Lễ hội đua ghe Ngo của đồng bào dân tộc Khmer lần đầu tiên được tổ chức tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ông Hứa Sa Ni, Phó Trưởng Khoa Văn hóa Dân tộc Trường Đại học Văn hóa TP. HCM (đồng bào dân tộc Khmer) không khỏi xúc động.

Cũng theo ông Hứa Sa Ni, lãnh đạo TP. HCM luôn quan tâm thực hiện tốt các chính sách đặc thù giáo dục và đào tạo đối với con em đồng bào dân tộc Khmer có hộ khẩu tại TP. HCM, đảm bảo 100% con em đồng bào dân tộc Khmer được hưởng các chính sách hỗ trợ giáo dục; tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo tồn và giữ gìn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer tại thành phố. TP. HCM còn có những hoạt động quan tâm, thăm hỏi chăm lo vào dịp tết cổ truyền Chôl-Chnăm-Thmây và lễ Sen Đôn-Ta cho đồng bào dân tộc Khmer…

“Những điều này càng làm cho chúng tôi tự hào khi được sống, học tập, làm việc và cống hiến cho thành phố”, ông Hứa Sa Ni khẳng định. Ông cũng kiến nghị thành phố phối kết hợp với 2 ngôi chùa Khmer (tại quận 3 và quận Tân Bình), nhằm khai thác, tổ chức các hoạt động gắn với du lịch./.

(sggp.org.vn)

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất