Thứ Ba, 28/1/2025
Bình Thuận: Khi người dân tộc thiểu số hiến “đất vàng” làm đường

Đến thôn 2, xã La Dạ vào những ngày đầu xuân mới, đi trên tuyến đường bê tông láng bóng rộng hơn 3m, dài 614m, dẫn vào Khu sản xuất Suối Cát 35 ha vẫn còn mùi vôi vữa và thấy có cả mùi "thơm thảo". Bởi, những năm trước, đoạn đầu của tuyến dài khoảng 100m, tính từ đường ĐT 714 vào khu sản xuất, là đoạn đường tự phát trên đất của hai chị em B’Rông Thị Phương, B’Rông Thị Phước. Do gia đình họ không rào chắn, người dân thấy vậy nên đi ngang về tắt mỗi khi lên rẫy, vào rừng. Đây cũng là “thói quen” của người DTTS vùng cao nói chung sống ở vùng rừng, núi đất rộng người thưa. Đời sống của họ còn nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư nhiều.


 Bà B’Rông Thị Phương đi trên con đường do gia đình hiến đất làm nên

Nhưng nay đoạn này đã trở thành đường dân sinh, nối liền với đoạn phía trong vốn đã có sẵn, nâng tổng số chiều dài toàn tuyến lên 614m dẫn vào khu sản xuất Suối Cát. Để làm nên tuyến đường cũng là nhờ tấm lòng thơm thảo của chị em bà Phương, người đã hiến đất cho xã làm đường. “Đất này là của cha mẹ mình để lại cho 2 chị em, khi Nhà nước có chủ trương làm đường, mình đã hiến đất để làm đường cho dân cùng đi. Bởi mình nghĩ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chăm lo cho dân, làm đường thì phục vụ cho người dân, cũng như cho mình và con cháu mình đi…”, bà B’Rông Thị Phương nói.

Ở thời điểm “tấc đất, tấc vàng” hiện nay, việc vận động người dân tham gia hiến đất làm đường và các công trình công cộng không mấy dễ dàng. “Đất vàng” mặt đường quốc lộ càng khó hơn, nhưng chị em bà Phương đã không ngần ngại bỏ qua ngoài tai những dị nghị, hiến đất cho UBND xã mở đường. Với chị em bà là mỗi mét đất cho đi là làm một việc ý nghĩa cho cả cộng đồng. Bà Thảo, người sống gần nhà bà Phương động lòng chia sẻ: “Trong khu sản xuất trồng điều, cao su và các cây trồng khác, mỗi mùa mưa vận chuyển nông sản ra bên ngoài rất khó khăn. Nhà bà Phương không có đất sản xuất ở trong đó, nhưng hiến đất để xã làm đường cho bà con chúng tôi đi là việc làm quá tốt”.


 Đường dẫn vào Khu sản xuất  Suối Cát
trên đất hai chị em B’Rông Thị Phương, B’Rông Thị Phước, đang chuẩn bị đổ bê tông

Việc làm con đường này là nằm trong kế hoạch triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia của UBND xã La Dạ theo tinh thần kế hoạch chung của tỉnh. Những năm gần đây, nhiều chương trình, dự án chính sách dân tộc như: Chương trình 134 hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; Chương trình 135 về phát triển KT-XH các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; các Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững, gần nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Các chương trình này huyện Hàm Thuận Bắc đã triển khai cho các xã, trong đó có xã La Dạ.

Ông Xim Miên - Chủ tịch UBND xã La Dạ cho biết, La Dạ đang tiếp tục theo dõi, đôn đốc thi công các công trình xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương, trọng tâm vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS & miền núi và Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Thời gian qua, xã đã hoàn công nhiều tuyến đường, trong đó có tuyến đường vào Khu sản xuất Suối Cát ở thôn 2 với tổng chi phí khoảng hơn 1,4 tỷ đồng. Quá trình triển khai, tổ chức họp lắng nghe, ý kiến tâm tư nguyện vọng của người dân, hầu hết nhân dân trong xã vui mừng, nhiệt tình hưởng ứng, góp sức người, sức của xây dựng đường thôn, hẻm xóm xanh, sạch, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, xây dựng La Dạ ngày càng phát triển. Đây cũng là mong mỏi của các cấp ủy, chính quyền nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc nói riêng, Bình Thuận nói chung khi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng các vùng, nhất là miền núi còn nghèo nàn.


 Nhiều tuyến đường trên địa bàn xã đã được thảm bê tông

Trong triển khai các chương trình, UBND xã La Dạ đã biểu dương hai chị em bà Phương, Phước vì có tấm lòng thơm thảo, hiến đất làm đường góp phần cho bộ mặt xã khang trang. “Khi hiến đất hai chị em bà Phương, Phước nhận thấy lợi ích của việc hiến đất là sẽ tạo cho tuyến đường rộng, thẳng, rút ngắn thời gian vào khu sản xuất... Sự đồng lòng, đoàn kết của người dân sẽ chính là động lực để xã tiếp tục vươn lên phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững”, ông Xim Miên cho biết.

(baobinhthuan.com.vn)

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi