Thứ Năm, 19/12/2024
Nỗ lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững

 

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 449/KH- MT, ngày 23/7/2011 về việc triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, với mục tiêu thông qua công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những tập tục lạc hậu, không trông chờ mà tự lực vươn lên.

Huyện Kbang là 1 trong 3 địa phương được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai chọn làm điểm cho Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Bằng nhiều cách làm cụ thể, phù hợp với thực tế Mặt trận các cấp trong huyện đã huy động nhiều nguồn lực để  tạo cần câu, sinh kế giúp cho các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo, xóa dần tư tưởng trong chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.

Đồng chí Nông Thị Danh – Chủ tịch UBMTTQ xã Tơ Tung, huyện Kbang, Gia Lai cho biết: “Địa phương đã triển khai nhiều mô hình mới làm thay đổi nếp nghĩ cách làm nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ các mô hình này thì các gia đình đã nuôi được nhiều bò, các gia đình rồi bán bò để xây nhà, mua máy móc phục vụ lại sản xuất, đây là điều mà trước đây chưa  thực hiện được, nhiều gia đình đã thoát nghèo và thoát nghèo bền vững”.

Hướng về cơ sở, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân là cách mà các cán bộ mặt trận thực hiện chỉ dẫn, làm thay đổi về nếp nghĩ, cách làm cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Cây lúa, cây bắp năng suất kém được thay thế bằng giống mía, ngô lai, mỳ cao sản có năng suất cao hơn. Cứ như vậy, người làm trước chỉ dẫn cho người làm sau, buôn làng xuất hiện ngày càng nhiều hơn những tấm gương làm kinh tế giỏi và nhiều thanh niên trẻ tuổi vươn lên trở thành triệu phú.

Phát huy những kết quả đạt được trong những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và nội dung của cuộc vận động gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến các tầng lớp nhân dân thông qua các buổi họp tổ tự quản, sinh hoạt các đoàn thể nhân dân; tổ chức các buổi nói chuyện, sinh hoạt chuyên đề, phát huy vai trò của dòng họ, người tiêu biểu, người có uy tín ở cộng đồng khu dân cư trong việc vận động nhân dân tham gia thực hiện.

Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Kế hoạch hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện, với mục tiêu 17/17 huyện, thị xã, thành phố lồng ghép thực hiện Cuộc vận động với các nội dung xây dựng làng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; chủ động lựa chọn những nội dung cụ thể, thiết thực tổ chức triển khai thực hiện; huy động và phát huy sức mạnh nội lực của từng hộ gia đình xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng khu dân cư xanh, sạch, đẹp, có kinh tế - xã hội phát triển, an ninh trật tự được bảo đảm, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ xây dựng 10 mô hình thực hiện Cuộc vận động tại các huyện: Phú Thiện, Ia Pa, Kông Chro, Kbang, Đak Pơ, Mang Yang, Chư Păh, Chư Prông và thị xã Ayun Pa với số tiền gần 1,1 tỷ đồng trích từ Quỹ Vì người nghèo tỉnh.

Kết quả, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng mới trên 4.000 mô hình, nhân rộng 362 mô hình tư vấn, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số nghèo áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tiêu biểu huyện Kbang với các mô hình: “Nuôi dê sinh sản”, “Trồng mía cao sản”, mô hình “Điện thắp sáng ngoài ngõ tại xã Kông Lơng Khơng”, mô hình “Không có người tảo hôn” tại làng Groi, xã Kông Bờ La; thị xã Ayun Pa với mô hình “Nuôi dê lai bách thảo”; huyện Chư Prông với mô hình hỗ trợ sinh kế cho 9 hộ người dân tộc Jrai ở làng Xom, xã Ia Me ...Cuộc vận động đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, qua 5 năm thực hiện (2014-2019) đã giúp 5.728 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Giúp người nghèo cần câu chứ không phải giúp con cá, đó là cách mà những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện và đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển./.

Như Lan

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất