Thứ Năm, 19/12/2024
Tăng cường phối hợp phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn
 

Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: baodansinh.vn) 

Theo Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện chính sách về lao động, người có công và xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2018, trong thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc chặt chẽ, hiệu quả trong công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách về lao động, người có công và xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2016-2018, đặc biệt là một số chính sách đặc thù như: Giảm nghèo bền vững, hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, bảo trợ xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, giải quyết việc làm…

Các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được các cấp, ngành triển khai kịp thời, đúng đối tượng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn như: Các chính sách pháp luật về việc làm đối với đồng bào dân tộc thiểu số còn dàn trải, thiếu đồng bộ, thường lồng ghép chung với chính sách giảm nghèo và giáo dục nghề nghiệp; có sự trùng lặp về cơ chế, đối tượng; khó lồng ghép và khó triển khai cho địa phương. Hiệu quả tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa cao; các dự án cho vay vốn tạo việc làm chủ yếu là dự án trong lĩnh vực nông nghiệp; chất lượng việc làm chưa cao, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp… cũng như phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc còn những hạn chế nhất định.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng của Đề án đối với sự phát triển của vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đề án đã tổng hợp khối lượng thông tin rất lớn, chính xác, khoa học về thành tựu, hiện trạng, khó khăn của cộng đồng các dân tộc thiểu số trong giảm nghèo và phát triển bền vững...

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Đề án cần chú trọng hơn về an sinh; làm rõ đây là “đầu tư” chứ không phải chính sách “hỗ trợ”; quan tâm kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu, nhất là những vấn đề liên quan đến giảm nghèo và nên có 1 tầm nhìn mang tính chiến lược đối với dân tộc miền núi.

Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ văn Chiến đánh giá cao các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu. Đồng chí Chiến cho rằng, các ý kiến rất thiết thực, xác đáng, có nhiều sáng kiến, đề xuất mới, điều đó thể hiện sự tâm huyết với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng chí Đỗ Văn Chiến cho biết: Ban soạn thảo Đề án cho biết tiếp thu các ý kiến đóng góp từ phía Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để hoàn thiện Dự thảo Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025. Dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14.

Tin và ảnh: Thành Vĩnh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất