Thứ Bảy, 27/4/2024
“Dân vận khéo” ở Gia Bình

Thời gian qua huyện đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức triển khai Nghị quyết 25 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khoá XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Ban chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 07 về “Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của chính quyền và cơ quan Nhà nước ở huyện Gia Bình giai đoạn 2012 - 2020”. Đồng thời tổ chức triển khai, thực hiện các Chuyên đề về “Công tác vận động nhân dân của Chi bộ và Đảng bộ cơ sở” và “Công tác xây dựng và tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được lồng ghép với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với  việc thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Thực hiện lời dạy của Bác, “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, với 78 mô hình dân vận, phong trào “dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới ở Gia Bình được đẩy mạnh, với các hình thức phong phú như hội nghị, hội thi, nói chuyện chuyên đề, qua các phương tiện thông tin đại chúng và phát huy vai trò đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ huyện đến cơ sở để giúp cho người dân nắm vững, hiểu rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương về Chương trình mục tiêu xây dựng NTM.

Ban dân vận, các tổ dân vận bám sát cơ sở, tuyên truyền, vận động linh hoạt để từ đó người dân hiểu rõ, tự nguyện tham gia vào quá trình xây dựng NTM của địa phương;  Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tích cực, kiên trì vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua cùng “Chung tay xây dựng nông thôn mới”. Trong đó, MTTQ và các tổ chức thành viên đều có các phong trào riêng phù hợp với đặc điểm hoạt động của tổ chức mình. 

Huyện và các xã, thị trấn thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua việc, thường xuyên tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong tham gia, xây dựng NTM nhằm thực hiện phương châm “Dân biết, Dân bàn, Dân kiểm tra, giám sát và hưởng lợi”. Đồng thời, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của các Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng cũng như việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội của UBMTTQ và các tổ chức đoàn thể quần chúng trong tham gia, xây dựng NTM.

Một trong những thành công điển hình trong công tác dân vận ở huyện Gia Bình là người dân đều hiểu và nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương về thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM. Thông qua “Dân vận khéo”, người dân trong huyện đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất, đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng chục nghìn ngày công lao động để xây dựng, thi công các công trình NTM như các công trình giao thông, thủy lợi nội đồng, trường học, Nhà văn hóa thôn, nâng cấp, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng.

Do làm tốt công tác dân vận, người dân đã tự giác nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thi công đường dẫn từ Quốc lộ 17 đi cầu Bình Than; xây dựng, đưa vào vận hành Nhà máy xử lý chất thải tập trung; triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu, sản xuất thuốc VinFa, Trung tâm văn hóa, thể thao huyện và nhiều công trình, dự án dân sinh, kinh tế khác… Người dân cũng tự giác giải toả hàng nghìn công trình xây dựng vi phạm hành lang giao thông, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, văn minh đô thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tích cực tham gia tích tụ ruộng đất, xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để thực hiện mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác dân vận cũng được phát huy cao độ trong việc tuyên truyền, tổ chức các hoạt động đối thoại, lấy ý kiến đánh giá độ hài lòng của người dân trong thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM.

Trong những năm gần đây, kinh tế của huyện Gia Bình đã có nhiều chuyển biến và khởi sắc. Các mục tiêu đề ra trong phát triển kinh tế đều tăng trưởng khá. Đến hết năm 2018 thu nhập bình quân đầu người của huyện ước đạt 46 triệu đồng, tăng 5 triệu đồng/người so với năm 2017. Tổng giá trị sản xuất của huyện ước đạt trên 7.312 tỷ đồng, tăng 9%. Trong đó nông, lâm thủy sản ước đạt 1.259 tỷ đồng, tăng 4%; Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và XDCB ước đạt 4.816 tỷ đồng, tăng 10,4%; Dịch vụ ước đạt 1.237,2 tỷ đồng, tăng 9%. Cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp chỉ còn 17,2%, giảm 0,8%; tăng tỷ trọng Công nghiệp - TTCN và xây dựng chiếm 65,9%, dịch vụ chiếm 16,9%.

Toàn huyện đã có 100% trường học đạt chuẩn Quốc gia. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân có nhiều chuyển biến. 100% số dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, trong đó có 90,2% số dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn.Toàn huyện có 14/14 xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế giai đoạn 2. Số làng, xã, gia đình, cơ quan, công sở đạt chuẩn văn hoá đều đảm bảo chất lượng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố và đều đạt vững mạnh. Đảng bộ huyện có 12 tổ chức Đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 35 tổ chức Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Năm 2018, các xã còn lại là Quỳnh Phú, Song Giang, Giang Sơn đều về đích nông thôn mới, huyện được công nhận chuẩn Quốc gia về xây dựng NTM. 

Cùng với danh hiệu huyện đạt chuẩn nông thôn mới, vừa qua huyện Gia Bình còn được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất vì những thành tích đặc biệt xuất sắc đã đạt được trong các lĩnh vực. Đánh dấu hành trình và thành tích đã đạt được của Nhân dân và cán bộ huyện Gia Bình qua 20 năm tái lập huyện.

Trần Chiến

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất