Chủ Nhật, 19/1/2025
Nhiều cách làm hay giúp bà con Khmer thoát nghèo bền vững
 

Người dân Khmer ở ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) thu hoạch hoa màu.
Ảnh: nhandan.com.vn
 

Để giúp bà con Khmer thoát nghèo bền vững, các địa phương trong vùng ĐBSCL đã có nhiều cách làm sáng tạo. Trong đó phải kể đến phong trào “Phát huy nguồn lực, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững” của Hội Liên hiệp Phụ nữ; Hội Cựu chiến binh có phong trào “Cần, kiệm thoát nghèo, nâng cao mức sống”, huy động nguồn lực, hỗ trợ hộ nghèo về giống, vốn, ngày công; thành lập quỹ đồng đội giúp nhau không lãi suất… của các ban, ngành đoàn thể tỉnh Trà Vinh.

Đồng chí Kiên Banh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh có hơn 31% dân số là đồng bào Khmer. Trước đây, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa và một ít đất vườn dừa, cuộc sống chật vật, chưa thể thoát nghèo. “Với phương châm “không để người nghèo, cận nghèo đứng ngoài các mô hình sản xuất nông nghiệp thu nhập cao”, tỉnh chủ trương thành lập các Tổ hợp tác (THT), Hợp tác xã (HTX) để người bà con tương trợ nhau phát triển. Đồng thời khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập huấn kỹ thuật giúp bà con tăng hiệu quả sản xuất. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hằng năm đều giảm đáng kể”- ông Banh nói.

Đánh thức tiềm năng của địa phương và khai thác hiệu quả các nguồn lực là cách mà tỉnh An Giang thực hiện để giúp bà con Khmer giảm nghèo bền vững. Trên địa bàn tình An Giang, những nghề truyền thống của bà con Khmer như: đan đệm bàng (Ba Chúc, Châu Lăng...), sản xuất đường thốt nốt (Vĩnh Trung, An Cư...), dệt thổ cẩm (Văn Giáo)... có từ lâu đời, sản phẩm đẹp, chất lượng khá tốt. Để hỗ trợ bà con phát triển nghề truyền thống, tỉnh An Giang hình thành các HTX với bộ khung hoàn chỉnh, quy hoạch vùng nguyên liệu và hỗ trợ bà con trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, vừa kết hợp với du lịch, đời sống của bà con ngày một đổi thay.

Cùng với đó, đồng bào dân tộc Khmer tỉnh An Giang còn được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, như: xây dựng nhà ở, dạy nghề, học nghề ngắn hạn cho thanh niên dân tộc thiểu số, chính sách hỗ trợ tiền ăn học nghề ngắn hạn, hỗ trợ vay vốn thoát nghèo; hình thành một số mô hình khác như: nuôi bò, nuôi cá trong vèo, trồng nấm bào ngư, nấm rơm, hay buôn bán nhỏ... giúp bà con cải thiện cuộc sống. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, thông tin: “Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm tại An Giang giảm đều qua từng năm. Đời sống của các hộ nghèo ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm 3,79%/năm”.

Còn đối với tỉnh Bạc Liêu, cán bộ, đảng viên ở cơ sở, nhất là xã, ấp đã hỗ trợ những hộ Khmer nghèo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực “cầm tay chỉ việc”, không chỉ giúp người dân vay vốn sản xuất mà còn hướng dẫn đến từng hộ cách thức làm ăn, tiết kiệm, chi tiêu hợp lý để thoát nghèo bền vững. Mặt khác, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể gồm: Ban Dân tộc và Tôn giáo, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Ðoàn Thanh niên từ tỉnh đến các huyện đã đi sâu tuyên truyền, vận động những hộ nghèo không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương mà tự lực vươn lên trong lao động sản xuất. Ngoài ra, người dân được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất. Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Hội Thạch Phil phấn khởi cho biết: “Nhờ các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, hỗ trợ đồng bào bằng nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực. Bên cạnh đó là sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân trong xã, nhờ vậy mà số hộ nghèo đã giảm dần, số hộ khá tăng lên”.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi về những thành tựu kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lý Bình Cang phấn khởi cho biết: Sau khi tái lập tỉnh (năm 1992), Sóc Trăng có 54 trong số 105 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn được hưởng Chương trình 135, 134; chính sách hỗ trợ giá, trợ cước vận chuyển… Các chương trình, chính sách nêu trên đã và đang phát huy hiệu quả. Đặc biệt, ngoài việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thì cộng đồng người Kinh - Hoa - Khmer, có nhiều phong trào hỗ trợ nhau vươn lên thoát nghèo. Đáng mừng nhất hiện nay là ở nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc Khmer bà con đã thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu chuyển sang phương thức sản xuất mới, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Từ đó xuất hiện ngày càng nhiều những tấm gương điển hình, nỗ lực thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Ngoài chính sách hỗ trợ, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL còn thực hiện mô hình mỗi cán bộ, đảng viên đỡ đầu 1-2 hộ nghèo; đối thoại cùng hộ nghèo; nhân rộng các điển hình là người dân tộc thoát nghèo bền vững; phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc để tuyên truyền, vận động giúp bà con tự giác vươn lên thoát nghèo.

Đỗ Phương Nam

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất