Thứ Hai, 18/11/2024
Ninh Bình phát huy dân chủ trong xây dựng nông thôn mới

 Đường giao thông nông thôn xã NTM Gia Thịnh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình

Nhìn lại những năm đầu thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ninh Bình có xuất phát điểm thấp, bình quân chỉ đạt 5 tiêu chí/xã, có xã mới đạt 1-2 tiêu chí; cơ sở hạ tầng thấp kém, nguồn lực có hạn. Nhận thức đúng đắn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân... do đó đến nay kết quả đạt được rất ấn tượng.

Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân hưởng thụ”, những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể trong tỉnh Ninh Bình đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện QCDC đến từng cơ sở. Từ đó, tinh thần đoàn kết, chung sức của cộng đồng nhân dân được phát huy, tạo thuận lợi trong việc huy động nguồn lực xây dựng NTM.

Bằng tinh thần vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, phối hợp tích cực của các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng NTM bằng việc cụ thể hóa chương trình hoạt động, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương: MTTQ Việt Nam các cấp với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng NTM; Hội Cựu chiến binh vận động hội viên tham gia tích cực vào các phong trào phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; Đoàn Thanh niên với phong trào thanh niên tình nguyện giúp người dân ở những vùng khó khăn...

Hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở đã tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền tập trung chỉ đạo thực hiện bằng những việc làm, mô hình, phong trào thiết thực, từ đó khơi dậy, huy động sức mạnh đoàn kết, dân chủ chung tay thực hiện có hiệu quả các mục tiêu lớn của chương trình xây dựng NTM. Nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, việc lựa chọn các công trình, hình thức tổ chức xây dựng, các chính sách về huy động nguồn lực như xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà văn hóa, khu thể thao, đường giao thông, kênh mương thủy lợi được tổ chức họp dân thông báo, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Người dân tham gia bàn bạc, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng trong quá trình xây dựng NTM. Những thắc mắc, kiến nghị cơ bản đều được giải quyết kịp thời.

Nhờ thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiều địa phương đã làm tốt công tác huy động nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM, những năm qua, cùng với các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu triển khai tại tỉnh, vốn trực tiếp của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, vốn tín dụng, vốn từ các doanh nghiệp... các địa phương trong tỉnh đã tích cực vận động người dân tham gia đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng bằng các hình thức phù hợp, trên cơ sở phát huy dân chủ để người dân bàn bạc, tự nguyện đóng góp, tham gia như hiến đất làm đường giao thông, đóng góp tài lực, vật lực, công sức…cho các công trình phục vụ sản xuất, dân sinh tại địa phương, thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.

Bên cạnh thực hiện có chất lượng 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới do Trung ương quy định, tỉnh Ninh Bình đã quy định thêm tiêu chí số 20 về “ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân” để xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, trước khi hoàn thiện hồ sơ báo cáo cấp có thẩm quyền thẩm định kết quả xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo xã phát phiếu lấy ý kiến các hộ dân, chỉ khi nhận được từ 90% số phiếu đồng tình trở lên thì mới đủ điều kiện để xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Qua thực tiễn cho thấy tiêu chí này được đông đảo nhân dân đồng tình nhất trí và tích cực tham gia. Đây cũng là một trong những cách làm sáng tạo của Ninh Bình, góp phần đưa Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (chỉ số SIPAS) tỉnh Ninh Bình năm 2017 và 2018 xếp thứ 2 toàn quốc.

Công tác giám sát và phản biện xã hội, việc đối thoại trực tiếp với nhân dân theo Quyết định số 217 của Bộ Chính trị (Khóa XI) được tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tạo không khí dân chủ trong xây dựng nông thôn mới. Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã thực hiện 687 cuộc giám sát; phối hợp tham mưu cho lãnh đạo các cấp tổ chức 193 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân; riêng cấp tỉnh tổ chức 27 cuộc giám sát, 7 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân. Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy trực tiếp đối thoại với cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, người lao động định kỳ hàng năm, qua đó phát huy quyền làm chủ của nhân dân; kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm; giải quyết kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân; tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân...

Sau gần 8 năm triển khai thực hiện, tỉnh đã huy động được nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền gần 34.987.241 triệu đồng, trong đó nguồn huy động từ sự đóng góp của nhân dân trên 8.681.513 triệu đồng; vận động nhân dân hiến trên 1.000 ha đất, huy động trên 10 vạn ngày công để dồn điền đổi thửa và xây dựng đường giao thông nông thôn. Hết năm 2018, các tiêu chí nông thôn mới ở các xã đều đạt ở mức cao, bình quân toàn tỉnh đạt 17,6 tiêu chí/xã (tăng 12,6 tiêu chí/xã so với năm 2010), không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Toàn tỉnh hiện đã có 90/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 75,6 %), 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 1 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; phấn đấu đến hết năm 2019 toàn tỉnh có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 24 khu dân cư kiểu mẫu và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và huyện Gia Viễn được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới trước tháng 6/2020.

Do làm tốt việc công khai, minh bạch, dân chủ bàn bạc, tôn trọng, cầu thị, nên quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh không phát sinh những khiếu kiện, những bức xúc của người dân trong đóng góp xây dựng nông thôn mới. Tỉnh Ninh Bình được Trung ương đánh giá là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Từ thực tiễn có thể khẳng định, thực hiện QCDC đã và đang phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đẩy nhanh tiến độ trong XDNTM. Diện mạo nông thôn của tình Ninh Bình đã có nhiều đổi mới. Đời sống kinh tế, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao. Tin rằng, với những nỗ lực và quyết tâm cao để “chung sức xây dựng NTM”, tỉnh sẽ sớm đạt kết quả như mong muốn./.

Xuân Lê


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi