Thứ Năm, 19/12/2024
Thanh Hóa: Nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững

Khởi đầu từ sự quyết tâm

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2/9/2016 về phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2016-2020. HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 113/2018/NQ-HĐND ngày 11/7/2018, quy định mức hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG GNBV trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2018 - 2020... Căn cứ vào các văn bản hướng dẫn thực hiện, sau khi lấy ý kiến của cộng đồng, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh chủ trì thực hiện mô hình hoặc UBND cấp xã xây dựng Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” với những nội dung được quy định thực hiện cụ thể về góp vốn đối ứng, thu hồi và luân chuyển vốn.


  Trao bò cho hộ nghèo ở thôn Trảy, xã Cẩm Thạch (Cẩm Thủy, Thanh Hóa)

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí thực hiện Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” là 34.369 triệu đồng, trong đó: vốn ngân sách Trung ương phân bổ thực hiện 24.729 triệu đồng, chiếm 71,95%; vốn đối ứng địa phương 130 triệu đồng, chiếm 0,37%; vốn đối ứng của hộ tham gia mô hình 9.510 triệu đồng, chiếm 27,67%. Thông qua nguồn kinh phí được hỗ trợ, các địa phương triển khai thực hiện 81 mô hình giảm nghèo với sự tham gia của 2.986 hộ, trong đó có 2.204 hộ nghèo, 711 hộ cận nghèo, 77 hộ mới thoát nghèo; 371 hộ có chủ hộ là nữ, 2.069 hộ là người dân tộc thiểu số... Tính đến 31/12/2019, việc tham gia mô hình giảm nghèo cơ bản đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình cải thiện đời sống, phát triển kinh tế, góp phần giúp cho 548 hộ thoát nghèo/2.986 hộ tham gia, chiếm tỷ lệ 18,35%.

Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” giúp cho người nghèo thay đổi tư duy, nhận thức trong cách làm ăn. Đặc biệt là ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ phát triển sản xuất, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm. Từ đó góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập bình quân các hộ nghèo tham gia dự án với các hộ khác; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tại địa bàn thực hiện dự án. Thu nhập của các hộ tham gia dự án, mô hình đã tăng bình quân từ 2 đến 3 lần so với năm 2015. Việc góp vốn đối ứng, quy định thu hồi và luân chuyển vốn đã góp phần thay đổi ý thức của hộ gia đình từ việc trông chờ ỷ lại đến tăng ý thức trách nhiệm, có sự đầu tư nghiêm túc để duy trì phát triển nguồn vốn được hỗ trợ. Cùng với việc thực hiện Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo”, các địa phương đã phối hợp, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho hàng ngàn lượt người. Nội dung tập huấn tập trung hướng dẫn, hỗ trợ vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội cho các hộ tham gia; phổ biến nội dung kiến thức khoa học - kỹ thuật về trồng, chăm sóc các loại cây trồng như cây vầu, măng, đào, bưởi da xanh...; kỹ thuật làm chuồng trại, cách chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi (trâu, bò, gà, vịt...); kỹ thuật chăm sóc trâu, bò sinh sản nhất là thời kỳ mang thai và sinh con. Được tham gia các lớp tập huấn, người dân đã có sự thay đổi về nhận thức, tập quán, thói quen trong cách làm ăn, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường, cải thiện rõ ràng hiệu quả năng suất, sản lượng, chất lượng của cây trồng, vật nuôi.

Hiệu quả của mô hình 

Nhận thức được lợi ích mang lại, nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện có hiệu quả Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” thông qua việc phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản... Với hình thức đầu tư trực tiếp, mô hình đã trở thành “đòn bẩy” giúp các hộ nghèo có phương tiện sản xuất, mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững, tiến tới thoát nghèo bền vững.

Gia đình chị Phùng Thị Quý, xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy) là một trong những hộ dân tiêu biểu vươn lên thoát nghèo. Chị Quý chia sẻ: Bốn năm về trước, việc thoát nghèo của gia đình tôi tưởng chừng như không thể, bởi đất sản xuất ít, vợ chồng lại không có việc làm thêm lúc nông nhàn. Rất may được hội nông dân, hội phụ nữ xã đứng ra tín chấp, gia đình chị Quý được vay vốn phát triển chăn nuôi, lại được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do các đoàn thể xã, huyện tổ chức. Nhờ tích cực học hỏi kinh nghiệm của các hộ chăn nuôi trong xã, chị đã có thêm kiến thức để áp dụng vào thực tiễn chăn nuôi của gia đình. Đến nay, ngoài nuôi trâu, bò, gia đình chị Quý còn nuôi thêm lợn, gà, vịt... Vừa phát triển chăn nuôi vừa chú ý vệ sinh chuồng trại, phòng trừ dịch bệnh, đàn lợn, gà phát triển ổn định cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm (sau khi đã trừ chi phí). Năm 2018, gia đình chị đã chính thức ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Hay như trường hợp gia đình anh Lê Văn Du, xã Thọ Lâm (Thọ Xuân), thuộc diện hộ nghèo từ năm 2007. Bản thân anh Du thường xuyên đau ốm, không thể phụ vợ lao động kiếm tiền trang trải cuộc sống, con trai anh mắc dị tật bẩm sinh, vừa câm, vừa điếc. Thu nhập của cả gia đình 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và tiền công làm thuê ít ỏi của vợ nên rất bấp bênh. Năm 2018, anh Du được UBND xã Thọ Lâm hỗ trợ tham gia dự án chăn nuôi bò sinh sản. Do được tập huấn kiến thức chăn nuôi và kỹ thuật chăm sóc nên cặp bò gia đình anh Du hiện sinh trưởng và phát triển tốt, năm 2019 gia đình anh Du đã thoát nghèo.

***

Trên thực tế có thê thấy, quá trình triển khai thực hiện mô hình mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song qua các cuộc kiểm tra thực tế của ngành chức năng tại nhiều địa phương cho thấy đã có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của chính quyền và người dân. Từ đó Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo” đã làm thay đổi rõ rệt về sản lượng và năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ hỗ trợ vốn không điều kiện, đến việc góp vốn đối ứng và thu hồi một phần, làm cho hộ tham gia tăng trách nhiệm, tự giác, tìm tòi cách nghĩ, cách làm phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất./.

Ngọc Mai

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất