Nỗ lực thực hiện công tác giảm nghèo, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, số hộ nghèo, cận nghèo năm sau đều giảm so với năm trước. Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân đã được nâng lên rõ rệt, cơ sở hạ tầng thiết yếu từng bước được đầu tư, xây dựng. Đó là những “trái ngọt” mà cán bộ và nhân dân huyện đạt được sau 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.
|
Phụ nữ dân tộc Thái xã Chiềng Châu (Mai Châu)
phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho thu nhập bền vững
|
Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, những năm qua, huyện Mai Châu tích cực lồng ghép các chương trình, dự án, huy động các nguồn lực tập trung cho công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, giảm dần tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm.
Huyện đã triển khai đến các xã, thị trấn, cơ quan có liên quan về việc tổ chức điều tra, rà soát, hộ nghèo trong toàn huyện, phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo để làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, ban ngành, thành viên Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia chủ động hướng dẫn triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ các chương trình, chính sách giảm nghèo chung của Trung ương, của tỉnh, của huyện, hàng năm và cả giai đoạn.
Thông qua thực hiện các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất như đào tạo dạy nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, cho vay ưu đãi... đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo, làm thay đổi nhận thức, giúp người nghèo có việc làm, tạo thu nhập ổn định để thoát nghèo bền vững. Đã có hàng chục công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng phục vụ sản xuất và dân sinh tại các thôn, xóm đặc biệt khó khăn, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông, phát triển sản xuất, người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội tốt hơn, không những đảm bảo cho giảm nghèo mà còn đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cũng như ổn định an ninh trật tự, giữ vững quốc phòng - an ninh của địa phương.
Cụ thể, thực hiện công trình đầu tư cơ sở hạ tầng, từ năm 2016 - 2019, huyện có 82 công trình quyết định đầu tư ban đầu với tổng nguồn vốn 41.125 triệu đồng, trong đó, từ nguồn ngân sách Trung ương 40.220 triệu đồng, nguồn huy động 905 triệu đồng. Đã giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương đạt 39.495 triệu đồng, nguồn vốn huy động đạt 905 triệu đồng.
Đối với công trình duy tu bảo dưỡng có 126 công trình quyết định đầu tư ban đầu với tổng nguồn vốn 2.660 triệu đồng từ ngân sách Trung ương. Toàn huyện đã giải ngân 2.958 triệu đồng, trong đó, giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương đạt 2.647 triệu đồng, nguồn vốn huy động đạt 311 triệu đồng.
Trong hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, kế hoạch nguồn vốn giai đoạn 5 năm được cấp có thẩm quyền giao 9.088 triệu đồng nguồn vốn sự nghiệp trong nước (năm 2016: 2.464 triệu đồng, năm 2017: 2.185 triệu đồng, năm 2018: 2.075 triệu đồng, năm 2019: 2.364 triệu đồng). Huyện đã phân bổ và sử dụng nguồn vốn huy động 10.622,8 triệu đồng, gồm: nguồn vốn sự nghiệp trong nước 9.088 triệu đồng, nguồn vốn lồng ghép 1.534,8 triệu đồng.
Thực hiện các mô hình giảm nghèo, trong giai đoạn 2016 - 2020 huyện đã tổ chức triển khai được 5 mô hình chăn nuôi bò tại 4 xã (Tân Dân – nay là xã Tân Thành, Phúc Sạn, Noong Luông – nay là xã Thành Sơn, Cun Pheo) với tổng nguồn vốn 1.662 triệu đồng. Trong đó, nguồn vốn chương trình hỗ trợ 1.530 triệu đồng, nguồn vốn huy động từ nhân dân 132 triệu đồng, với 124 hộ nghèo, cận nghèo được hưởng thụ.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng công tác truyền thông, thông tin về giảm nghèo. Hàng năm, Trung tâm VH-TT&TT huyện xây dựng các chuyên mục, phóng sự truyền hình, truyền thanh phát trên các kênh sóng của địa phương tuyên truyền về chính sách giảm nghèo, mô hình, điển hình giảm nghèo đến các xóm, bản.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện đã tổ chức chi trả hỗ trợ tiền điện cho đối tượng hộ nghèo với tổng kinh phí trên 6,347 tỷ đồng. Hỗ trợ hộ nghèo ăn Tết với tổng kinh phí trên 3,276 tỷ đồng. Thực hiện việc hỗ trợ 10% kinh phí mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo thuộc dự án NORRED cho 1.479 lượt đối tượng cận nghèo trên địa bàn huyện. Hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho 3.170 lượt hộ nghèo với tổng nguồn vốn vay 121.813 triệu đồng, hỗ trợ 1.599 lượt hộ cận nghèo với tổng nguồn vốn vay 60.537 triệu đồng, hỗ trợ 883 lượt hộ thoát nghèo với tổng nguồn vốn vay 33.420 triệu đồng, hỗ trợ 12 lượt học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo vay với tổng nguồn vốn 120,7 triệu đồng.
Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được triển khai trên địa bàn huyện Mai Châu đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người nghèo, nhất là hộ nghèo dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; giải quyết kịp thời các vấn đề về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, y tế, giáo dục..., từng bước ổn định chỗ ở, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản. Mức thu nhập của người nghèo được nâng lên, cuộc sống cải thiện rõ rệt. Góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội địa phương. Hàng năm, số hộ nghèo, cận nghèo của huyện giảm dần. Năm 2016 có 2.886 hộ nghèo, chiếm 21,8%; 1.653 hộ cận nghèo, chiếm 12,49%. Năm 2017 có 2.818 hộ nghèo, chiếm 21,14%; 1.626 hộ cận nghèo, chiếm 12,2%; so với năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,66%. Năm 2018 có 2.511 hộ nghèo, chiếm 18,64%; 1.646 hộ cận nghèo, chiếm 12,22%; so với năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5%. Năm 2019 có 2.904 hộ nghèo, chiếm 15,51%; 1.850 hộ cận nghèo, chiếm 13,71%; so với năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,13%. Dự kiến cuối năm 2020 số hộ nghèo trên toàn huyện sẽ giảm còn 12,51%.
Phạm Khuê