Thứ Hai, 20/1/2025
Thúc đẩy vai trò của phụ nữ với chương trình OCOP


Diễn đàn tập trung thảo luận về việc phát huy vai trò phụ nữ tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng vùng miền góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Sau hơn 2 năm triển khai, Chương trình OCOP đã trở thành một chính sách trọng tâm, được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả các địa phương trên cả nước. Chương trình đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị và đông đảo các tầng lớp xã hội.

Kết quả đến nay, đã có 43 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng được 2.088 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Trong số này có 48 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao. Hơn 1.220 chủ thể đã tham gia vào Chương trình OCOP, trong đó 38,5% là các hợp tác xã, 30,3% là các doanh nghiệp, còn lại là cơ sở, chủ thể cá nhân sản xất, kinh doanh… Trong đó có nhiều cơ sở do phụ nữ làm chủ.

Trong thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia chương trình OCOP, với tư cách vừa là chủ thể vận động tuyên truyền về chương trình, vừa là chủ thể tham gia xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, cũng lại là chủ thể quan trọng quyết định lựa chọn sản phẩm tiêu dùng cho gia đình. 

Ngày càng có nhiều điển hình nữ nông dân mạnh dạn, năng động, vượt khó đi lên làm giàu từ tài nguyên bản địa quê hương, với phương châm “Ly nông bất ly hương”, góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Thông qua Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, Hội LHPN đã hỗ trợ chị em phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp OCOP thoát nghèo, thành lập 6.000 tổ hợp tác, tổ liên kết, 500 Hợp tác xã. Hàng năm Hội LHPN cũng hỗ trợ đào tạo nghề cho 6.000 lao động nữ nâng cao năng lực quản trị, cũng như kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế lên tới trên 22.000 tỷ đồng. Nhiều tổ hợp tác đã có sản phẩm tiêu chuẩn OCOP 3-4 sao.

Tại diễn đàn, các cấp hội phụ nữ, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP đã được các chuyên gia, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp,… chia sẻ, giải đáp về những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Định hướng về giải pháp chính sách trong giai đoạn tới nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của Chương trình, hỗ trợ ngày một tích cực cho phụ nữ…

Trước những bức xúc đặt ra về an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, các cấp hội cần kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn tới người tiêu dùng, hội viên phụ nữ thông qua nhiều kênh phân phối cũng như trên internet, nhằm nâng cao trách nhiệm trong công tác an toàn thực phẩm nói chung và nông sản thực phẩm nói riêng. Vì vậy, thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam các cấp tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ hội viên khởi nghiệp sản phẩm OCOP, hoàn thành việc đăng ký nhãn hiệu, bản quyền. 

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo cho biết, Hội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương để tạo điều kiện cho tổ chức Hội, chị em phụ nữ các cấp phát huy được vai trò chủ thể trong tham gia phát triển chương trình OCOP. “Hội LHPN các cấp cần phát huy tính sáng tạo của mỗi cộng đồng dân cư, nhất là việc đẩy mạnh liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP”, bà Thảo nêu rõ.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, qua khảo sát thực hiện chương trình OCOP tại các địa phương cho thấy, sự tham gia tích cực và hiệu quả của đông đảo chị, em phụ nữ trong phát triển các sản phẩm OCOP, góp phần phát huy được lợi thế, tiềm năng, quảng bá phát triển các sản phẩm lợi thế địa phương. 

Bộ NN&PTNT cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Hội LHPN Việt Nam trong việc hỗ trợ, nâng cao năng lực và cơ hội tham gia của phụ nữ nông thôn vào chương trình OCOP nói riêng, cũng như kinh tế nông thôn nói chung, góp phần xây dựng nông thôn mới Việt Nam bền vững./.

Hiền Lương

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất